Chủ động sản xuất giống cây lâm nghiệp chất lượng
Ðể thực hiện mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước trồng được ít nhất một tỷ cây xanh, cùng với việc phổ biến, tuyên truyền nhân dân tích cực tham gia trồng cây, gây rừng, ngành lâm nghiệp đã chủ động triển khai sản xuất cây giống chất lượng cao cung ứng cho các tổ chức, cá nhân.
Ðẩy mạnh trồng cây, gây rừng
Nhằm thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ về việc trồng mới một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã chỉ đạo ngành lâm nghiệp, các địa phương tổ chức xây dựng các chương trình, dự án trồng cây xanh, trong đó triển khai thực hiện tốt việc cung cấp, hỗ trợ cây giống bảo đảm chất lượng và cung ứng đủ số lượng theo kế hoạch trồng cây hằng năm. Ðồng thời, tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động, kiểm tra, chỉ đạo, giám sát và tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chương trình, dự án trồng cây xanh trong phạm vi tỉnh, thành phố.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, đối tượng thực hiện trồng cây xanh bao gồm trồng các loại cây phân tán, một phần diện tích trồng cây xanh trong rừng tập trung (gồm trồng rừng phòng hộ, đặc dụng) và trồng mới rừng sản xuất (không tính diện tích trồng rừng thay thế và trồng lại rừng sản xuất sau khai thác gỗ). Trong đó, về cây phân tán, chọn loài cây trồng phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái, tập quán canh tác của từng địa phương, từng khu vực cụ thể; ưu tiên trồng cây bản địa, các loài cây thân gỗ, cây đa mục đích. Cây xanh trồng rừng tập trung, đối với rừng đặc dụng chỉ trồng các loài cây bản địa có phân bố trong hệ sinh thái của rừng đặc dụng đó; đối với rừng phòng hộ trồng rừng bằng loài cây có bộ rễ sâu bám chắc, ưu tiên cây bản địa, sinh trưởng được trong điều kiện khắc nghiệt và có khả năng chống chịu tốt. Ðối với rừng sản xuất tập trung, trồng các loài cây có năng suất, chất lượng cao, khuyến khích sử dụng các giống cây sản xuất bằng mô, hom; kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn ở những nơi có điều kiện thích hợp. Cùng với đó, trồng cây xanh trên đất quy hoạch lâm nghiệp cần bảo đảm phát triển rừng phòng hộ, trong đó đặc biệt ưu tiên trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và trồng rừng phòng hộ vùng ven biển. Phát triển cây trồng trên đất chưa có rừng, chưa đủ tiêu chí thành rừng trong phân khu phục hồi sinh thái; phân khu dịch vụ, hành chính của rừng đặc dụng là vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan và phát triển cây trồng trên đất đã quy hoạch trồng mới rừng sản xuất.
Riêng đối với đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp, tiến hành trồng cây phân tán tại khu vực đô thị, khu dân cư tập trung; đất vườn, hành lang giao thông, ven sông, kênh mương, bờ vùng, bờ đồng, nương rẫy, khu văn hóa lịch sử, tôn giáo, khu cụm công nghiệp, khu chế xuất, kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp và các mảnh đất nhỏ phân tán khác.
Chủ động giống cây chất lượng
Ðể tạo đủ nguồn lực cung cấp giống cây chất lượng cao, ngành Lâm nghiệp đã làm tốt công tác nghiên cứu chọn tạo, sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp ở các cơ sở sản xuất và đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, đã sản xuất giống phục vụ trồng cây hơn 3,5 triệu héc-ta rừng sản xuất, tạo ra nguồn nguyên liệu chính cho công nghiệp chế biến gỗ trong nước và xuất khẩu, góp phần thực hiện cơ cấu lại, nâng cao giá trị sản xuất, thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành Lâm nghiệp.
Mới đây, tại tỉnh Nghệ An, Bộ NN và PTNT phối hợp UBND tỉnh, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Ðức tổ chức gắn biển “Trung tâm sản xuất giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Trung Bộ”. Ðây là phân khu chức năng đầu tiên đi vào hoạt động theo đề án xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Quyết định số 38/2016/QÐ-TTg ngày 14-6-2016 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo động lực thúc đẩy sự phát triển cho ngành Lâm nghiệp trong lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ của cả nước. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị, việc đưa Trung tâm giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Nghệ An vào hoạt động sẽ tạo nên chuỗi giá trị ngành hàng liên kết hữu cơ từ công đoạn sản xuất giống cây lâm nghiệp, trồng rừng thâm canh, khai thác, chế biến sản xuất gỗ, lâm sản ngoài gỗ và sàn giao dịch gỗ tầm khu vực. Ðồng thời sớm đáp ứng nhu cầu về cây giống lâm nghiệp có năng suất, chất lượng cao để phục vụ trồng rừng sản xuất quy mô lớn; các giống cây bản địa phục vụ trồng rừng gỗ lớn và các loài cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao, phù hợp với các vùng sinh thái khác nhau.
Cùng với việc phát triển hiệu quả các trung tâm giống cây lâm nghiệp, ngành Lâm nghiệp đang tập trung đưa tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất giống nhằm tạo ra những cây trồng có giá trị kinh tế cao, phục vụ ngành Công nghiệp chế biến gỗ phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Bộ NN và PTNT yêu cầu các đơn vị liên quan và các địa phương nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng lâm nghiệp có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu; hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật gieo ươm, trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và cây xanh. Ðồng thời tổ chức hội thảo, hội nghị, phổ biến tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật. Hỗ trợ cây giống cho các phong trào, sự kiện trồng cây, gây rừng trong các cơ quan, đoàn thể, đơn vị và một số địa phương.
Chương trình cơ cấu lại ngành Lâm nghiệp bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực và phù hợp với tình hình phát triển mới với nhiều chính sách phát triển rừng bền vững gắn bảo vệ, phát triển rừng với an sinh xã hội nâng cao thu nhập đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là về chuyển dịch từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn; quản lý rủi ro truy xuất nguồn gốc gỗ có chứng chỉ rừng bền vững là giải pháp tiên quyết để phát triển ngành Công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản.
Nhờ cung ứng giống cây có chất lượng cao gắn với quy trình sản xuất hiệu quả, đến nay, tổng diện tích rừng trồng trên cả nước đã đạt hơn 4,3 triệu héc-ta, trong đó hơn 3,5 triệu héc-ta là rừng trồng sản xuất, với hai triệu loài cây rừng keo, bạch đàn chiếm 59%, năng suất bình quân đạt khoảng 18m3/ha/năm. Rừng trồng các loài cây bản địa mọc nhanh (mỡ, bồ đề, lát, xoan…) và cây cao-su chiếm 27% tổng diện tích rừng trồng sản xuất của cả nước, cùng với sản lượng gỗ cây trồng phân tán, gỗ cao-su, đáp ứng gần 80% lượng gỗ nguyên liệu cho sản xuất, chế biến gỗ. Chất lượng rừng trồng được cải thiện, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích rừng trồng sản xuất. Hiện cả nước đã có hơn 600 nghìn héc-ta rừng gỗ lớn (126.175 ha rừng trồng chuyển hóa từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn; trồng mới 489.017 ha rừng gỗ lớn) và hơn 200 nghìn ha rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế. Chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản với chủ rừng được hình thành rộng khắp, chia sẻ lợi ích chung, tác động qua lại và tương hỗ trong chu trình từ trồng – chế biến – thị trường tiêu thụ khẳng định là xu hướng phát triển bền vững.
Thực hiện chương trình trồng một tỷ cây xanh, trong giai đoạn 5 năm tới sẽ tập trung trồng mới 690 triệu cây phân tán, trồng cây xanh trong rừng tập trung đạt 180.000 ha, tương đương 310 triệu cây. Riêng trong năm nay, cả nước dự kiến trồng khoảng 182 triệu cây xanh (trong đó, cây xanh phân tán là 120 triệu cây, tăng 1,5 lần so với năm 2020). Giai đoạn 2022 – 2025, mỗi năm trồng 204,5 triệu cây xanh (trong đó, cây xanh phân tán 142,5 triệu cây, tăng 1,8 lần so với năm 2020).
Ý kiến ()