Chủ động quản lý phim trên mạng
Các quy định của pháp luật về quản lý, phổ biến phim trên không gian mạng hiện nay khá “mở” nhằm tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với tổ chức, doanh nghiệp.
Đó là thông tin vừa được đưa ra tại hội nghị phổ biến các quy định pháp luật về xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện ảnh (Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức) và hội thảo khoa học về quản lý phát hành, phổ biến phim tại Việt Nam (Cục Điện ảnh tổ chức).
Tại các hội nghị, hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, từ khi Luật Điện ảnh được Quốc hội thông qua (năm 2006) và có hiệu lực vào năm 2007, điện ảnh nước nhà đã chính thức bước vào cơ chế thị trường thông qua việc mở cửa tất cả các công đoạn làm phim, từ sản xuất đến phát hành, quản lý, phổ biến và lưu trữ phim. Trong đó, quản lý, phổ biến phim là hoạt động có nhiều thay đổi và chịu tác động mạnh mẽ nhất từ cơ chế thị trường. Hoạt động này đã thu hút nguồn vốn từ các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống rạp chiếu phim với trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.
Tính đến tháng 12/2020, cả nước có 993 phòng chiếu phim với 171.552 ghế, trong đó, số phòng chiếu thuộc thành phần kinh tế nhà nước chiếm 20%, thành phần tư nhân chiếm 80%; việc đầu tư máy chiếu phim công nghệ kỹ thuật số hiện đại của các phòng chiếu thuộc thành phần kinh tế nhà nước chiếm khoảng 38%, các phòng chiếu thuộc thành phần kinh tế tư nhân là 100%. Bên cạnh đó, số lượng phim nhập khẩu gia tăng đã tạo ra sự đa dạng về nguồn phim, giúp khán giả có thêm cơ hội tiếp cận, thưởng thức những tác phẩm điện ảnh hàng đầu thế giới. Hoạt động quản lý, phổ biến phim diễn ra sôi động cũng giải quyết công việc cho hàng nghìn lao động tại các trung tâm, khu đô thị lớn và một số địa phương lân cận.
Bên cạnh những mặt tích cực, việc mở cửa thị trường cũng gây ra những áp lực và nguy cơ trong quản lý, phổ biến phim trên không gian mạng, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước. Đặc điểm chung của các nền tảng dịch vụ xuyên biên giới là cung cấp nội dung giải trí hết sức đa dạng, đồng thời kéo theo nguy cơ rủi ro đối với nội dung không biên tập theo quy định Việt Nam là rất lớn, có thể tác động lâu dài đến nhận thức của công chúng, nhất là khán giả nhỏ tuổi. Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này cũng đã bộc lộ nhiều mặt hạn chế, chưa theo kịp với xu hướng phát triển của điện ảnh thế giới, cũng như trình độ phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ số và mạng lưới thông tin tiên tiến.
Vì thế, tuy “mở”, nhưng các chủ thể trước khi phổ biến phim trên không gian mạng sẽ phải thực hiện nhiều quy định, trong đó có việc thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi phổ biến phim. Bộ cũng đang triển khai xây dựng hệ thống dữ liệu về phân loại phim trên không gian mạng để tiếp nhận thông báo.
Theo Thông tư số 05/2023/TT-BVHTTDL quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo được áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim, trong đó bao gồm cả phổ biến phim trên không gian mạng.
Bên cạnh sáu mức phân loại phim (P, K, T13, T16, T18 và C), thông tư còn quy định năm nguyên tắc chung và bảy tiêu chí để đánh giá mức phân loại bao gồm: Tiêu chí về chủ đề, nội dung; tiêu chí về bạo lực; tiêu chí về khỏa thân, tình dục; tiêu chí về ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện; tiêu chí về kinh dị; tiêu chí về ngôn ngữ thô tục; tiêu chí về hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước.
Các chuyên gia cho rằng, với không gian mạng, dù quy định chặt chẽ hoặc cởi mở đến đâu, vẫn có những bất cập khó kiểm soát. Điều quan trọng nhất vẫn là công chúng cần có bộ lọc và tự chịu trách nhiệm trước lựa chọn của mình.
Tại các hội nghị, hội thảo, các đơn vị quản lý và cung cấp dịch vụ cho biết, để bổ trợ cho trách nhiệm đó, họ đã và đang thực hiện các biện pháp kỹ thuật cần thiết, hướng dẫn để cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em tự kiểm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim phổ biến trên không gian mạng phù hợp độ tuổi xem phim; để người sử dụng dịch vụ báo cáo về phim vi phạm; đồng thời cung cấp đầu mối, thông tin liên hệ để tiếp nhận, xử lý yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước; phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người sử dụng dịch vụ.
Nguồn:https://nhandan.vn/chu-dong-quan-ly-phim-tren-mang-post758201.html
Ý kiến ()