Chủ động quản lý, điều hành giá thị trường
Người dân mua hàng bình ổn giá tại Hoàng Sơn Plaza, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.
Chủ động điều hành giá
Theo đó, với chỉ tiêu kiểm soát lạm phát ở mức thấp và dưới 4%, cung cầu thị trường được bảo đảm, công tác điều hành giá đã được thực hiện nhất quán theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; bảo đảm tính công khai, minh bạch; chú trọng đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích giá thị trường, dự báo diễn biến của Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), xây dựng kịch bản điều hành giá chi tiết, phù hợp, trong từng thời điểm, thời kỳ. Qua đó, đã nâng cao tinh thần trách nhiệm trong phối hợp điều hành của các bộ, ngành, địa phương với Bộ Tài chính nhằm hoàn thành các nhiệm vụ điều hành, quản lý giá cả năm.
Ðây là một kết quả nổi bật của toàn ngành trong điều kiện tình hình chính trị, kinh tế thế giới có những diễn biến phức tạp, chiến tranh thương mại, căng thẳng chính trị giữa các quốc gia, xung đột thương mại và xu hướng bảo hộ mậu dịch đã có những tác động đến kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, ở trong nước, một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu thuộc danh mục Nhà nước định giá (điện, dịch vụ y tế) được điều chỉnh ngay từ những tháng đầu năm theo lộ trình, giá xăng dầu trong nước diễn biến phức tạp theo giá thế giới và nhất là biến động lớn về giá thịt lợn trong những tháng cuối năm đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho công tác quản lý, điều hành giá.
Nhìn tổng quan, mặt bằng giá cả thị trường năm 2019 biến động theo hướng tăng cao trong tháng Tết Nguyên đán, giảm nhẹ trong tháng 3, tăng dần trở lại trong hai tháng tiếp theo, sau đó giảm trở lại vào tháng 6 và tiếp tục tăng vào các tháng còn lại. Theo Tổng cục Thống kê, đến nay, có thể dự báo CPI bình quân năm 2019 ước tăng khoảng 2,7 – 2,8% so với cùng kỳ năm 2018. CPI bình quân năm 2019 sát với các dự báo, kịch bản điều hành giá đã được Bộ Tài chính phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cùng các bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng ngay từ đầu năm. CPI những tháng cuối năm có xu hướng tăng do tác động của một số yếu tố khách quan từ thị trường, tuy nhiên diễn biến mặt bằng giá vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Bộ Tài chính cho biết, các nguyên nhân chủ yếu làm tăng CPI trong năm 2019 là do theo quy luật hằng năm, giá một số mặt hàng nhóm hàng tiêu dùng (thuộc nhóm thực phẩm, dịch vụ ăn uống, đồ uống, dịch vụ giao thông công cộng, du lịch…) tăng vào dịp lễ, Tết, trong các tháng cao điểm du lịch, dịp nghỉ hè. Bên cạnh đó, giá nhiên liệu, chất đốt trong nước (xăng dầu, LPG) tăng theo giá thế giới trong những tháng đầu năm, tác động của việc điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý (điện, sách giáo khoa); Giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng theo mức tăng thêm của lương cơ bản; giá một số vật liệu xây dựng (sắt, thép, xi-măng) và giá nhân công xây dựng tăng do nhu cầu xây dựng và chi phí đầu vào tăng. Trong các tháng nửa cuối năm, mặt bằng giá thị trường trong nước chịu áp lực lớn từ biến động tăng cao giá thịt lợn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, làm nguồn cung thịt lợn giảm.
Ở chiều ngược lại, các nguyên nhân chủ yếu làm giảm áp lực lên mặt bằng giá được xác định là do giá lương thực giảm do nguồn cung trong nước dồi dào và nhu cầu nhập khẩu gạo trên thế giới giảm, giá xăng dầu và giá ga trong nước, giá dịch vụ viễn thông tiếp tục xu hướng giảm. Ngoài ra, việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả, điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý với mức độ và thời điểm phù hợp làm hạn chế tác động đến mặt bằng giá chung và lạm phát kỳ vọng. Công tác điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm linh hoạt, chủ động tính toán, điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường và kịch bản chung đã được Ban Chỉ đạo điều hành giá đề ra ngay từ đầu năm và các kịch bản chi tiết trong từng quý.
Ðánh giá các biện pháp điều hành nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định mặt bằng giá, theo Bộ Tài chính, nhằm thực hiện mục tiêu đề ra và các nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt công tác quản lý, điều hành giá nhằm bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Ngoài việc ban hành các kế hoạch điều hành giá cụ thể, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị tài chính chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ về quản lý, điều hành, bình ổn giá thị trường và thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo. Công tác chỉ đạo này đã kịp thời nắm bắt tình hình thị trường và đề xuất các biện pháp phù hợp nhằm bình ổn giá thị trường khi cần thiết. Trong vai trò thường trực Ban chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đã chủ động theo dõi, nắm bắt, phối hợp các bộ, ngành xây dựng các kịch bản điều hành giá ngay từ đầu năm, đồng thời kiến nghị một số nhiệm vụ kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, gắn với đó là trách nhiệm điều hành giá các mặt hàng cụ thể đối với các bộ, ngành, địa phương. Có thể thấy trong năm 2019, công tác tổng hợp, phân tích, dự báo tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, tăng cường trong các khâu từ việc hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức thực hiện; tiếp tục kiện toàn một bước để hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về giá; đến việc bố trí nguồn lực cho các hoạt động. Trên cơ sở đó, việc tham mưu, xây dựng các kịch bản điều hành giá trong các giai đoạn ngắn hạn cũng như trong cả năm 2019 đã phản ánh sát thực tiễn, công tác tổ chức thực hiện cũng linh hoạt trong từng giai đoạn cụ thể.
Ðặc biệt, trong bối cảnh giá thịt lợn những tháng cuối năm có xu hướng tăng cao, đã kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để bình ổn thị trường, bảo đảm cung – cầu về thịt lợn trong những tháng cuối năm và giảm lạm phát kỳ vọng đối với mặt hàng thiết yếu này. Công tác kiểm tra chấp hành pháp luật về giá được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực, qua đó, đã phát hiện và kịp thời xử lý, chấn chỉnh hành vi vi phạm pháp luật về giá; hướng dẫn đơn vị thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời phát hiện những vấn đề có khó khăn, vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện để kịp thời có biện pháp sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Ðáng lưu ý, năm 2019, Bộ Tài chính đã thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền công khai về giá nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội. Theo đó, cơ chế, chính sách về quản lý giá, thẩm định giá đã được tuyên truyền một cách rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức và nhiều kênh khác nhau như: trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí, truyền thông; đăng tải thông tin về quản lý, điều hành giá như việc cập nhật kịp thời thông tin về số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu, danh sách doanh nghiệp thẩm định giá được cấp phép hành nghề… Có thể thấy trong một năm có nhiều biến động, bình ổn mặt bằng giá là một thành công đáng ghi nhận của ngành tài chính trong công tác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Nỗ lực kiểm soát CPI
Bước vào năm 2020, tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020, trong đó đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng CPI bình quân dưới 4%. Năm 2020, có những yếu tố gây áp lực tăng giá như việc tiếp tục điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình thị trường, biến động của giá nhiên liệu (xăng dầu, LPG) trên thị trường thế giới, cộng thêm những bất ổn do tác động của chiến tranh thương mại và căng thẳng địa chính trị trên thế giới. Tình hình này sẽ tạo nhiều sức ép lên nền kinh tế của Việt Nam năm 2020, và có một số yếu tố tác động kiềm chế CPI năm 2020 như: giá cả hàng hóa thế giới vẫn ở mức thấp; giá lương thực trong nước dự báo vẫn sẽ ổn định, nguồn cung hàng hóa tương đối dồi dào, chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất dự kiến tiếp tục được điều hành ổn định… là những yếu tố giúp kiềm chế tốc độ tăng CPI cả năm.
Ðể thực hiện kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội giao, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2020 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng – Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá. Trong đó, tập trung triển khai một số giải pháp quan trọng như tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường nhất là đối với các mặt hàng có nguồn cung bị thiếu hụt cục bộ do ảnh hưởng của thiên tai, các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết.
Tiếp tục làm tốt vai trò thường trực Ban chỉ đạo Ðiều hành giá, trong đó, chú trọng công tác tính toán, dự báo, xây dựng kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường nhằm bảo đảm kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu đề ra. Kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với mặt hàng bình ổn giá; các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách Nhà nước; hàng dự trữ quốc gia; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công… Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, nhất là đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu có nhu cầu tăng cao trong dịp cuối năm, trên cơ sở đó xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định, không cho điều chỉnh tăng giá bất hợp lý.
Ngoài ra, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, trong đó chú trọng công tác kiểm tra, theo dõi, thi hành pháp luật nhằm kịp thời phát hiện những vướng mắc, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện văn bản pháp luật; đẩy mạnh thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công (y tế, giáo dục…) theo lộ trình thị trường, tránh gây tác động, xáo trộn lớn về mặt bằng giá. Không những thế, ngành sẽ chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công tác điều hành giá, công khai, minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.
Theo Nhandan
Ý kiến ()