Chủ động phương án phục vụ vận tải dịp Tết
Trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao so với ngày thường. Mặc dù các đơn vị vận tải đã sẵn sàng những phương án tăng chuyến, bổ sung phương tiện nhằm nâng cao năng lực vận chuyển, song với nhu cầu tăng cao đột biến trong thời gian ngắn, rất dễ xảy ra tình trạng tùy tiện tăng giá, chèn ép, “chặt chém” khách. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý và lực lượng chức năng cần chủ động giám sát, có phương án kịp thời giải quyết tình huống phát sinh.
Đề phòng nhồi nhét, “chặt chém” khách
Chỉ còn hơn nửa tháng nữa, người dân cả nước sẽ bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài bảy ngày. Năm nay, kỳ nghỉ bắt đầu từ ngày 14-2 (tức ngày 29 Tết) đến hết ngày 20-2 (tức ngày mùng 5 tháng Giêng). Từ kinh nghiệm các năm trước, Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội nhận định, lượng hành khách đi lại từ các bến xe vào dịp nghỉ Tết tăng khoảng 40% so với ngày thường. Trong đó, thời gian cao điểm tập trung từ chiều 7-2 đến hết ngày 15-2 (tức từ ngày 22 đến 30 tháng Chạp) và khoảng 10 ngày sau Tết ở các tuyến đường dài. Để đáp ứng yêu cầu đủ lượng xe, kịp thời giải tỏa hành khách, ba bến xe lớn tại Hà Nội đã lên kế hoạch huy động thêm 1.780 lượt xe tăng cường thời gian cao điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Cùng với đó, bổ sung các biển hướng dẫn tại bến, thông báo tuyến giúp hành khách dễ nhận biết, hạn chế tình trạng “cò” chèo kéo khách. Những ngày cao điểm, Bến xe Mỹ Đình dự kiến đón 1.200 lượt xe/ngày, Bến xe Giáp Bát khoảng 1.120 lượt xe/ngày, Bến xe Gia Lâm khoảng 870 xe/ngày. Giám đốc Bến xe Giáp Bát Nguyễn Tất Thành cho biết, dự kiến trong các ngày cao điểm, lượng khách có khả năng tăng tới 80% so với ngày thường. Theo Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình Nguyễn Mạnh Tuấn: Dự kiến lượng khách trong các ngày cao điểm về bến sẽ tăng khoảng 150% so với ngày thường, chủ yếu ở các tuyến lên vùng Tây Bắc.
Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm trong dịp Tết là tình trạng một số đơn vị vận tải lợi dụng nhu cầu tăng cao để nhồi nhét hành khách, tăng giá vé tùy tiện. Phó Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền cho hay: Tổng cục chỉ đạo các đơn vị nâng cao năng lực vận tải, bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT), công bố số điện thoại đường dây nóng để khách hàng phản ánh đến cơ quan chức năng và đơn vị vận tải. Tổng cục cũng chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra tại các trạm thu phí BOT, bảo đảm trật tự và thông suốt trong quá trình thu phí, tránh hiện tượng phức tạp xảy ra. Tại Hà Nội, cơ quan quản lý nhà nước đã kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tới mức thấp nhất việc tăng giá vé bất hợp lý. Đối với tình trạng nhồi nhét, chở quá số người quy định, các bến xe có phương án huy động lực lượng kiểm tra kỹ phương tiện trước khi xuất bến, nếu chở quá số người quy định, sẽ buộc hạ tải mới cho đi tiếp. Với những trường hợp xe bắt khách, nhồi nhét dọc đường, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm nếu có thông tin phản ánh, biện pháp là từ chối phục vụ, không cho vào bến với xe khách hoặc đơn vị vận tải vi phạm.
Từ ngày 6-1, Bến xe Miền Đông bắt đầu bán vé trực tiếp và cả qua mạng, phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán, giá vé tăng từ 20 đến 60% so với ngày thường tùy theo thời gian và chặng đường. Ngoài việc bán vé tại quầy, bến xe sẽ tổ chức bán trực tuyến từ 5 giờ tới 19 giờ hằng ngày để người dân mua vé thuận lợi, tránh tình trạng tập trung lộn xộn tại bến xe. Lãnh đạo Bến xe Miền Tây cho biết, những ngày cao điểm Tết, dự báo lượng khách sẽ tăng khoảng 40% so ngày thường, những tuyến có cự ly dài, giá vé tăng cao nhất 60%.
Đường sắt nối toa, hàng không tăng chuyến
Dịp Tết Nguyên đán này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) dự kiến bán khoảng 300 nghìn vé, tăng gần 10 nghìn chỗ so với dịp Tết năm trước. Giữa tháng 12-2017, tại hai ga Hà Nội và Sài Gòn, hệ thống cửa soát vé tự động đã được đưa vào hoạt động. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội Phùng Thị Lý Hà đánh giá, sau gần hai tháng khai thác, hệ thống cửa soát vé tự động được hành khách đón nhận tích cực, ngoài hai ga Hà Nội và Sài Gòn, hệ thống này sẽ được triển khai tại các ga lớn trên cả nước. Với các cửa soát vé tự động, việc ùn tắc tại cửa ga trong những ngày cao điểm sắp tới sẽ được hạn chế. ĐSVN cũng bố trí nhân viên và phương tiện hỗ trợ hành khách là người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em hoặc người mang hành lý cồng kềnh,… Trong vài năm qua, khi ĐSVN triển khai hệ thống bán vé điện tử, tình trạng “cò vé, phe vé” giảm đáng kể, tỷ lệ khách mua vé online qua mạng in-tơ-nét đã tăng lên hơn 40%. Cửa soát vé tự động, hệ thống bán vé điện tử, đóng mới toa xe là những nỗ lực của ngành nhằm đổi mới chất lượng dịch vụ, dần xóa bỏ hình ảnh lĩnh vực đường sắt trì trệ, lạc hậu trong mắt hành khách lâu nay. Phục vụ dịp cao điểm Tết, ngành đường sắt đã chủ động công bố giá vé tàu và bán từ giữa tháng 10-2017, huy động 15 đôi tàu khách Thống Nhất, tăng gấp ba lần ngày thường. Sẽ có 90 toa xe khách đóng mới hoàn toàn được đưa vào sử dụng đúng dịp Tết. Trường hợp lượng vé không đáp ứng đủ nhu cầu, ngành chủ động kế hoạch nối thêm toa, lập thêm tàu mới tăng cường. Khảo sát trên hệ thống bán vé của ĐSVN, chặng TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội dịp trước Tết, gần như toàn bộ chỗ đã bán hết vé, số vé ít ỏi còn lại có giá khá cao, khoảng hai triệu đồng một vé. Giải tỏa tình trạng khan vé trên những tuyến cao điểm, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội đã lên phương án nối thêm toa, mỗi toa thêm 80 chỗ. Bên cạnh đường sắt, hàng không là loại hình vận tải được nhiều người lựa chọn, nhất là những hành khách có hành trình dài và hạn hẹp thời gian. Các hãng hàng không đều lên kế hoạch tăng chuyến phục vụ dịp cao điểm Tết. Qua khảo sát trang mua vé trực tuyến của Hãng Vietnam Airlines (VNA), trong dịp cao điểm Tết, giá vé chiều Hà Nội – TP Hồ Chí Minh dao động từ 1,1 đến 1,5 triệu đồng/vé, chiều ngược lại dao động từ 2 đến 3,5 triệu đồng/vé (chưa gồm thuế, phí). Trong khi đó, Hãng hàng không Jetstar Pacific cũng mở bán gần 540 nghìn chỗ để phục vụ nhu cầu tăng cao của hành khách trong giai đoạn này. Tuy vậy, số vé máy bay còn lại thực tế cũng không còn nhiều, sự chênh lệch về giá giữa các hãng không đáng kể.
Theo Thứ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ, nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm ATGT, trật tự xã hội trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân năm 2018, sau khi có công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cũng ban hành công điện hỏa tốc chỉ đạo việc bảo đảm ATGT, đáp ứng nhu cầu của hành khách. Về giá vé, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị vận tải trong ngành, cơ quan quản lý đẩy mạnh ứng dụng bán vé điện tử, niêm yết công khai giá vé, kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các đơn vị vận tải chèn ép, sang nhượng hành khách, tăng giá vé trái quy định. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, địa phương bằng mọi giá không để xảy ra tình trạng hành khách không kịp đón Tết cùng gia đình do thiếu phương tiện vận chuyển.
Dịp cao điểm Tết Nguyên đán, Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) bổ sung thêm hơn 1.100 chuyến bay, tương ứng gần 220 nghìn ghế, nâng tổng số ghế trên toàn mạng bay nội địa lên gần 1,5 triệu ghế, tăng 14% so cùng kỳ. Trong một số ngày cao điểm (từ ngày 9 đến 14-2 và từ ngày 20 đến 26-2), VNA sẽ tăng thêm khoảng 115 đến hơn 160 chuyến vào khung giờ đêm, tăng gấp ba lần so thường lệ. Việc tăng chuyến được áp dụng trên 15 đường bay nội địa; trong đó, Hà Nội – TP Hồ Chí Minh tăng khoảng 237 chuyến, TP Hồ Chí Minh – Đà Nẵng tăng khoảng 212 chuyến,… |
Theo Nhandan
Ý kiến ()