Chủ động phòng trừ sâu róm hại thông
– Hiện nay, thời tiết mưa nắng xen kẽ là điều kiện thuận lợi để sâu róm thông phát triển gây hại. Để giảm thiểu thiệt hại, tránh nguy cơ bùng phát thành dịch, cơ quan chuyên môn, người dân đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ.
Anh Lương Văn Hoàng, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc cho biết: Gia đình tôi có hơn 2 ha thông, đầu tháng 8, phát hiện cây thông xuất hiện sâu róm, tôi đã báo cáo chính quyền xã và được hướng dẫn cách phòng trừ. Theo đó, gia đình ngừng khai thác nhựa thông, tiến hành phun thuốc diệt trừ và theo dõi rừng thường xuyên.
Người dân xã Công Sơn, huyện Cao Lộc tích cực phát rừng, kiểm tra sâu róm hại thông
Hiện nay, Cao Lộc có trên 21.400 ha thông. Thời điểm này, sâu róm thông thế hệ 2 cấp tuổi 2 – 3 đang gây hại rừng thông tại các xã: Cao Lâu, Hải Yến, Thanh Loà, Xuất Lễ… với tổng diện tích nhiễm 71 ha. Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) huyện cho biết: Trước tình hình đó, chúng tôi đã ban hành công văn về việc tăng cường điều tra, phòng trừ sâu róm hại cây thông gửi tới UBND các xã, thị trấn để hướng dẫn cách phòng trừ. Đồng thời, cử cán bộ bám sát, điều tra theo dõi định kỳ hằng ngày nhằm kịp thời dự báo tình hình, mức độ gây hại và các biện pháp khống chế. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2022 đến nay, trung tâm đã tổ chức 19 lớp tập huấn lồng ghép chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 859 học viên, trong đó, có nội dung trồng, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh trên cây thông. Nhờ đó, người dân đã phun phòng trừ 65 ha.
Còn tại Đình Lập, theo kết quả điều tra định kỳ của TTDVNN huyện, trên địa bàn huyện cũng xuất hiện sâu róm hại thông. Mặc dù xuất hiện rải rác, chưa đến ngưỡng phòng trừ song để không phát sinh thành dịch, diện tích lan rộng, TTDVNN huyện đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đi thực tế điều tra sâu bệnh hại, ban hành công văn gửi UBND các xã, thị trấn chỉ đạo cán bộ nông lâm, khuyến nông viên cơ sở tăng cường theo dõi đồi rừng, hướng dẫn người dân chủ động phòng trừ sâu róm hại thông.
Hiện nay, trồng thông đem lại hiệu quả kinh tế cao, được bà con nông dân trồng nhiều huyện như: Lộc Bình, Đình Lập, Cao Lộc, Chi Lăng… Theo kết quả điều tra dịch hại cây trồng của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, sâu róm thông đã và đang phát sinh gây hại từ đầu tháng 8 đến nay với diện tích nhiễm 71 ha phân bổ tại Cao Lộc. Ngoài ra, còn xuất hiện rải rác tại các huyện Lộc Bình, Đình Lập. Vòng đời của sâu róm thông gồm 4 pha (trứng, sâu non, nhộng, trưởng thành). Trong đó, pha sâu non gây hại ăn trụi lá làm cho cây sinh trưởng phát triển kém, khả năng cho nhựa giảm, khi bị hại nặng đến mức cháy lá kèm theo khô hạn kéo dài cây có thể bị chết. Hiện nay, sâu róm thông đang ở giai đoạn phát triển thế hệ 2 (sâu non), tuổi từ 1 đến 3, mật độ sâu non trung bình 10 – 20 con/cây, cao 40 – 50 con/cây.
Để tránh phát sinh thành dịch, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã cử cán bộ phối hợp với TTDVNN các huyện tăng cường điều tra sâu bệnh hại theo tuần, từ đó, xây dựng kế hoạch và các biện pháp phòng trừ. Theo đó, đối với diện tích nhiễm, cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân phun các loại thuốc sinh học, lúc sâu non tuổi 1, 2, 3 và phun vào buổi sáng, chiều mát. Đối với các diện tích xuất hiện rải rác, chưa đến ngưỡng phòng trừ, người dân tích cực diệt trừ thủ công. Cùng đó, chi cục cũng ban hành quy trình phòng trừ sâu róm thông, trong đó, nêu cụ thể các giải pháp phòng trừ gửi TTDVNN các huyện, thành phố nhằm kịp thời hướng dẫn người dân áp dụng phòng trừ có hiệu quả.
Bên cạnh sự chủ động của cơ quan chuyên môn, người dân đã tích cực áp dụng các biện pháp thăm rừng thường xuyên, phun thuốc theo từng giai đoạn, vòng đời phát triển của sâu róm. Nhờ đó, đến nay, các diện tích nhiễm cơ bản được phun phòng trừ, tỷ lệ gây hại ở mức độ thấp và không phát sinh thành dịch.
Ông Hoàng Văn Lợi, Phó trưởng Phòng Trồng trọt, Bảo vệ và Kiểm dịch Thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Theo công tác dự tính dự báo, hiện nay, diện tích nhiễm ở mức nhẹ – trung bình. Nhưng nếu không chủ động phòng trừ, sâu sẽ tiếp tục phát triển theo các vòng đời, tỷ lệ gây hại cao và có khả năng phát sinh thành dịch. Do vậy, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác dự tính, dự báo để có các biện pháp phòng trừ hợp lý. Ngoài ra, tuyên truyền người dân tích cực bám rừng, phun thuốc, sử dụng bẫy đèn khi phát hiện sâu bệnh, không để gia trên diện rộng.
Với sự chủ động, tích cực của ngành chức năng và người dân, tin tưởng rằng, thời gian tới, các diện tích thông nhiễm sâu bệnh được phòng trừ triệt để, không phát sinh trên diện rộng, đảm bảo hiệu quả kinh tế cho người dân.
Ý kiến ()