Chủ động phòng trừ sâu róm hại thông
LSO-Theo số liệu mới nhất của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lạng Sơn, tính đến 14/10/2014, diện tích thông bị nhiễm sâu róm là gần 5.500 ha (sâu róm thế hệ 3), trong đó, diện tích nhiễm nặng trên 1.600 ha. Mặc dù hiện tại chưa có diện tích thông bị cháy do sâu róm hại, nhưng nếu không nhanh chóng phun thuốc trừ sâu thì nguy cơ lan rộng sẽ rất cao.
Cán bộ bảo vệ thực vật hướng dẫn phun thuốc trừ sâu |
Trung tuần tháng 10 vừa qua chúng tôi cùng với cán bộ bảo vệ thực vật thành phố Lạng Sơn đi thực địa, đánh giá mức độ phát sinh và gây hại của sâu róm hại thông. Qua xem xét, hiện diện tích nhiễm sâu róm thông trên địa bàn thành phố là 340 ha, trong đó có 26 ha thông bị nhiễm nặng. Trung bình mật độ gây hại là 100-150 con/cây, cá biệt có nơi lên đến 300 con/cây. Ông Đàm Văn Tùng, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật thành phố Lạng Sơn cho biết: sâu róm bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 3, đến nay nhiều diện tích thông trụi lá, điều này đe doạ nghiêm trọng đến tuổi thọ của cây. Trong đó có những diện tích rừng thông đã đến kỳ thu hoạch nhựa bị sâu róm tàn phá, gây thiệt hại lớn cho chủ rừng. Hiện việc phòng chống và diệt trừ sâu róm gây hại rừng thông đang gặp khó khăn, do diện tích rừng thông lớn, thiếu kinh phí…
Thực tế, hiện tại, không chỉ ở thành phố, tại một số huyện, sâu róm hại thông đang tiếp tục phát sinh ở mật độ khá dày. Nơi có diện tích nhiễm nhiều nhất là huyện Đình Lập, hiện đã có 4.000 ha thông bị nhiễm với mật độ ở mức cao từ 30 – 100 con/đèn/đêm, tỷ lệ nhộng vũ hóa 50 – 70% . Tiếp đến là huyện Cao Lộc (605 ha), Chi Lăng (470 ha), Lộc Bình (160 ha). Dự kiến, sâu róm hại thông thế hệ 3 sẽ vũ hóa trưởng thành và đẻ trứng rộ từ 7 – 15/10; sâu róm non thế hệ 4 bắt đầu xuất hiện, gây hại từ ngày 10/10 và có thể gây hại mạnh trên diện rộng từ cuối tháng 10 này.
Sâu róm hại thông phát sinh đang gây nhiều lo lắng cho cấp ủy, chính quyền và người dân. Điều đáng lo lắng đó là thời điểm này sâu non thế hệ 4 bắt đầu xuất hiện và có nguy cơ gây hại mạnh. Trước tình hình này, sau khi kiểm tra thực tế, ngày 15/10 vừa qua, Giám đốc Sở NN&PTNT đã ban hành kế hoạch phun trừ sâu róm hại thông thế hệ 4. Theo đó, Sở nông nghiệp giao trách nhiệm cho Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh và các Trạm Bảo vệ thực vật các huyện, thành phố phải khẩn trương phân bổ thuốc, chất phụ gia và bình phun thuốc. Cùng với đó, cán bộ kiểm lâm, bảo vệ thực vật… phải chủ động hướng dẫn kỹ thuật phun trừ sâu róm hại thông cho bà con.
Ông Hoàng Văn Đảy, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: hiện tại tuy chưa có diện tích thông nào bị cháy do sâu róm gây hại, nhưng với diện tích đã bị nhiễm, việc cần thiết đầu tiên là phải phun trừ sâu. Ngay sau khi được duyệt cấp kinh phí, đơn vị mua thuốc bảo vệ thực vật và phân bổ về các huyện, thành phố đang bị sâu róm hại. Cụ thể, ngày 20/10, phân bổ cho huyện Đình Lập 1.050 kg. Đến ngày 25/10 phân bổ cho thành phố là 750 kg, huyện Chi Lăng là 150 kg, Cao Lộc 750 kg; và đến ngày 5/11 sẽ phân bổ cho huyện Lộc Bình 300 kg. Tất cả thuốc phun trừ đều là thuốc sinh học, điều này giúp bảo vệ người phun cũng như môi trường sinh thái cho rừng. Không chỉ cấp thuốc, ngành còn triển khai 27 máy bơm công suất lớn để phục vụ bà con trồng thông trong công tác phun trừ.
Qua tìm hiểu được biết, sâu róm hại thông năm nay xuất hiện từ khoảng tháng 3/2014 và đơn vị bảo vệ thực vật cũng đã biết điều này, nhưng do việc cấp kinh phí phải thực hiện qua nhiều trình tự nên đến nay mới có kinh phí để mua thuốc và cấp cho bà con để thực hiện phun trừ. Điều đó cũng phần nào khiến diện tích nhiễm tăng. Ngoài ra, do kinh phí cấp còn ít, trong khi giá mua thuốc bảo vệ thực vật sinh học lại cao nên số lượng thuốc không mua được nhiều, dẫn đến khó diệt tận gốc sâu hại.
Nạn sâu róm hại thông xuất hiện từ những năm 2009 – 2010. Vào thời điểm đó, diện tích toàn tỉnh bị nhiễm đã lên đến 22.000 ha, với hàng trăm ha bị cháy, thiệt hại về kinh tế là khá lớn. Từ đó đến nay, trong công tác phòng, trừ sâu róm hại thông, chúng ta mới chỉ thực hiện ở mức độ khống chế chứ chưa tận diệt một cách triệt để sâu róm. Vì vậy, cứ khoảng 2 năm, sâu róm lại xuất hiện, phát sinh, phát triển và gây hại thông. Trao đổi với các cán bộ bảo vệ thực vật, được biết, việc diệt trừ sâu hại cây trồng nói chung, sâu róm hại thông nói riêng rất khó triệt để. Việc phun thuốc có thể giúp ngăn sâu róm phát sinh, nếu có tái phát thì cũng phải sau 5 – 6 năm. Tuy vậy, vì một số nguyên nhân khác nhau nên việc phun thuốc của tỉnh ta mới chỉ ngăn sâu phát sinh sau 2 năm.
Có thể thấy rằng, việc diệt trừ sâu róm hại thông không hề đơn giản, đòi hỏi chi phí rất lớn, trong khi kinh phí của Nhà nước hiện cấp còn hạn hẹp. Về lâu dài, đơn vị bảo vệ thực vật và bà con trồng thông cần thực hiện các biện pháp lâm sinh tổng hợp như tỉa thưa rừng, trồng thêm băng cây xanh bằng các loài cây lá rộng dưới tán rừng thông, tạo đai cách ly sâu, nâng cao sức chống chịu sâu bệnh của các cá thể và lâm phần rừng, kết hợp xây dựng môi trường cho các thiên địch tồn tại và phát triển… Đặc biệt, khi phát hiện có ổ trứng sâu róm tại rừng thông, bà con nên chủ động mua thuốc phun ngay chứ không thụ động chờ được cấp thuốc mới phun. Phun sớm, việc tiêu diệt sâu sẽ hiệu quả hơn.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()