Chủ động phòng trừ sâu hại cây trồng
LSO-Tính đến hết tháng 5/2017, khung thời vụ gieo trồng các loại cây trồng vụ xuân đã kết thúc. Đây là thời điểm bà con nông dân tập trung vào chăm sóc, trong đó đặc biệt chú trọng đến phòng trừ các loại sâu hại.
Bà con nông dân xã Xuân Mai (Văn Quan) phun thuốc diệt trừ châu chấu hại ngô – Ảnh: KIM HUYÊN |
Đầu tháng 6 vừa qua, tại các huyện: Bắc Sơn, Hữu Lũng, Tràng Định, Lộc Bình đã xuất hiện rầy các loại trên lúa xuân với mật độ phổ biến 100 – 500 con/m2, mật độ cao từ 500 – 1.500 con/m2. Tổng diện tích nhiễm vào khoảng 23 ha. Ngay sau khi phát hiện, cơ quan chức năng và bà con nông dân đã chủ động phun thuốc phòng trừ được hơn 17 ha.
Ông Vi Đình Thiện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn cho biết: Vụ xuân năm nay toàn huyện gieo trồng được trên 3.800 ha cây trồng các loại. Trong đó, cấy lúa gần 70 ha; ngô trên 1.900 ha; thuốc lá 1.400 ha; lạc 250 ha; các cây trồng khác gần 200 ha. Thời điểm vừa qua, do thời tiết diễn biến bất thường nên một số diện tích cây trồng phát sinh sâu, bệnh gây hại cụ thể: trên lúa xuân xuất hiện rầy với mật độ 400 – 500 con/m2; trên cây ngô xuất hiện sâu róm với mật độ 10 – 20 con/m2; trên cây quýt xuất hiện sâu đục thân tỷ lệ hại 1 – 2% cây. Trước tình trạng đó, phòng chuyên môn đã chủ động theo dõi, hướng dẫn bà con nông dân phòng trừ sâu bệnh, hiện các diện tích nhiễm đã được phun thuốc phòng trừ nên các loại sâu hại không bùng phát trên diện rộng.
Ở các huyện: Văn Quan, Bình Gia, Cao Lộc, thời gian vừa qua cũng đã xuất hiện châu chấu hại lúa, ngô, nhưng do chủ động, bà con nông dân đã kịp thời phun trừ các ổ châu chấu từ thời điểm còn non. Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật, trong tuần đầu tiên của tháng 6/2017, trên lúa xuân ở một số huyện đã xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ (diện tích nhiễm gần 18 ha), châu chấu gây hại trên diện tích gần 3 ha. Tuy nhiên, do chủ động ngay từ đầu, nên các diện tích bị nhiễm đều đã được phòng trừ. Ông Hoàng Văn Dưỡng, Trưởng Phòng Kỹ thuật, Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết: Thời điểm này, sâu hại trên một số loại cây trồng như: rầy các loại, châu chấu trên cây ngô, bọ ánh kim trên cây hồi, sâu róm trên cây thông… có mức độ gây hại tăng dần so với tuần đầu tiên của tháng 6/2017, các huyện, thành phố đã chủ động nắm bắt tình hình, cũng như phun phòng trừ kịp thời nên diện tích nhiễm đã được kiểm soát, các loại sâu hại không bùng phát thành dịch.
Vụ xuân năm nay, diện tích cây lương thực trên địa bàn toàn tỉnh gieo trồng đạt 32.074 ha, rau các loại đạt 5.019 ha… Nhằm thực hiện thắng lợi vụ này, bắt đầu từ tháng 3, tháng 4 vừa qua, cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến huyện đã khuyến cáo về thời điểm một số loại sâu hại cây trồng xuất hiện để bà con nắm bắt và kịp thời phòng trừ. Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, bắt đầu từ thời điểm này, đặc biệt là khi lúa trổ đòng sẽ xuất hiện thêm một số loại sâu hại khác; trên cây ngô sẽ xuất hiện thêm sâu đục thân; cây ăn quả có múi thì đề phòng bệnh phấn trắng, bọ xít, rệp sáp… Đối với cây công nghiệp (chè, thạch đen, thuốc lá) có khả năng xuất hiện sâu ăn lá, rầy xanh; cây lâm nghiệp (hồi, thông) xuất hiện sâu róm, bọ ánh kim. Ông Sầm Ngọc Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết: Trong thời gian tới, dự báo sâu hại sẽ có diễn biến phức tạp, nông dân cần chủ động thăm đồng thường xuyên, tránh để bùng phát, lan ra diện rộng gây ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()