Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại na
LSO-Từ đầu năm 2020 đến nay, tại một số vườn trồng na ở huyện Chi Lăng xuất hiện một số loại sâu bệnh hại na. Để không làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây na, các cơ quan chuyên môn và người dân đang tích cực, chủ động phòng trừ sâu bệnh.
Người dân thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng
phòng trừ sâu bệnh bằng biện pháp thủ công
Những ngày đầu tháng ba âm lịch, các hộ dân thuộc Tổ sản xuất na an toàn VietGAP số 6 tại thôn Lũng Cút, thị trấn Đồng Mỏ đều có mặt tại vườn để theo dõi, chăm sóc cây trồng. Nhanh tay bắt những con bọ xít lưng gù, bà Đỗ Thị Mỵ cho biết: Bọ xít lưng gù thường xuất hiện tại từng nhóm 2 đến 3 cây na, do đó, ngay khi xuất hiện, chúng tôi phải vạch lá bắt từng con để không lây lan trên diện rộng. Ngoài bọ xít, khi na ra lá thường xuất hiện rệp, nếu không diệt trừ kịp thời sẽ làm xoăn lá, ảnh hưởng tới tốc độ sinh trưởng của cây. Hiện nay trên vườn na 1 ha của gia đình đã bắt đầu xuất hiện rệp, chúng tôi đang theo dõi và dự kiến thời gian tới sẽ phun thuốc phòng trừ.
Không chỉ nhà bà Mỵ, 27 hộ gia đình thuộc Tổ sản xuất na an toàn số 6 đang chủ động phòng trừ sâu bệnh hại bằng các biện pháp thủ công, biện pháp hóa học… Từ việc chủ động của người dân nên hiện vườn na 25 ha của tổ sản xuất chưa có dấu hiệu bị ảnh hưởng của sâu bệnh.
Tương tự, hiện nay, trên diện tích 450 ha na của xã Chi Lăng, bà con đang tích cực phòng trừ sâu bệnh. Ông Hoàng Văn Khai, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng cho biết: Ngay sau tết âm lịch, bà con đã chủ động cắt tỉa cành, hiện tại đã chuyển qua giai đoạn chăm sóc, bón phân. Để cây trồng không bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh, xã cử cán bộ phụ trách xuống kiểm tra, nắm tình hình, đồng thời niêm yết các khuyến cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện để bà con nắm và thực hiện.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng, hiện nay, diện tích na của toàn huyện vào khoảng 1.800 ha. Giai đoạn này, cây na bắt đầu nảy chồi, ra lá, đây cũng là thời điểm các loại côn trùng như: bọ xít lưng gù, rệp, nhện đỏ…xuất hiện làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây nếu không phòng trừ kịp thời.
Ông Hoàng Ngọc Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Trung tâm ra thông báo định kỳ khuyến cáo người dân vùng trồng na thường xuyên thăm vườn, khi phát hiện sâu bệnh hại cần báo ngay cho xã, cơ quan chuyên môn để có hướng chỉ đạo xử lý sớm, tránh để sâu, bệnh bùng phát ra diện rộng. Đồng thời đưa ra dự báo tình hình sâu bệnh, tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại na.
Vì đây là cây trồng chủ lực nên công tác tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh được chú trọng. Việc tập huấn được thực hiện trực tiếp ngay tại từng thôn, bản. Theo đó trung bình mỗi năm, trung tâm tổ chức được trên 100 cuộc cho người dân về công tác này. Khi cây na có hiện tượng bị sâu bệnh, người dân phản ánh trực tiếp tới xã và trung tâm. Qua việc tiếp nhận thông tin, trung tâm sẽ cử cán bộ phụ trách tìm hiểu tình hình và hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ cây trồng.
Hiện nay bọ xít lưng gù, nhện đỏ đang xuất hiện ở mật độ thấp, chỉ gây hại nhẹ; đối với rệp, tỷ lệ hại trung bình từ 1 – 2% cành cấp 1. Với sự chủ động của bà con, sự vào cuộc tích cực của cơ quan chuyên môn, đến thời điểm hiện tại, diện tích na trên địa bàn huyện đang sinh trưởng, phát triển tốt. Giai đoạn tới, cây sẽ bắt đầu ra hoa, thụ phấn, người dân và cơ quan chuyên môn tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh để chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa.
Ý kiến ()