Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân
– Thời điểm này, thời tiết nắng mưa xen kẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sâu, bệnh phát triển trên lúa xuân. Chính vì vậy, hiện nay, cơ quan chuyên môn và người dân trên địa bàn tỉnh đang chủ động triển khai các biện pháp phòng, trừ, đảm bảo năng suất lúa xuân.
Vụ xuân năm nay, gia đình bà Hoàng Thị Phin, thôn Cốc Phường, xã An Sơn, huyện Văn Quan gieo cấy hơn một mẫu lúa. Qua kiểm tra, thăm đồng vào đầu tháng 5, bà Phin phát hiện trên lúa xuân xuất hiện rầy nâu, diện tích nhiễm khoảng 4 sào. Bà Phin cho biết: Ngay sau khi phát hiện, tôi đã chủ động mua thuốc phun trừ rầy cho diện tích lúa bị nhiễm và phòng cho diện tích lúa còn lại. Hiện nay, tôi vẫn thường xuyên thăm đồng để phát hiện sâu bệnh và xử lý kịp thời, không để ảnh hưởng đến năng suất lúa xuân.
Người dân xã An Sơn, huyện Văn Quan phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân
Vụ xuân này, huyện Văn Quan gieo cấy được hơn 1.500 ha lúa. Theo kết quả điều tra, theo dõi định kỳ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, hiện nay, lúa xuân đang ở giai đoạn đẻ nhánh, đẻ nhánh rộ, đứng cái, một số diện tích bắt đầu xuất hiện rầy nâu, rầy lưng trắng với mật độ trung bình từ 100-300 con/m2, mật độ cao từ 500-1.000 con/m2; sâu cuốn lá nhỏ có mật độ trung bình từ 3-5 con/m2; bệnh đạo ôn lá, tỷ lệ trung bình 1-2% lá, tỷ lệ cao từ 6-10% lá.
Bà Dương Ái Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Văn Quan cho biết: Để chủ động phòng trừ sâu, rầy, trung tâm đã gửi văn bản thông báo đến UBND các xã, thị trấn. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng trừ tổng hợp như: thăm đồng thường xuyên, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”, trong đó tăng cường sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học…
Không chỉ riêng huyện Văn Quan, hiện nay, các cơ quan chuyên môn và người dân tại các huyện, thành phố cũng đã chủ động triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân. Bà Hoàng Thị Nhung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hữu Lũng cho biết: Năm nay, toàn huyện gieo cấy khoảng 2.300 ha lúa xuân. Hiện lúa đang ở giai đoạn đứng cái, làm đòng, ôm đòng và một số diện tích lúa có xuất hiện sâu bệnh như: sâu cuốn lá nhỏ, bệnh vàng lá sinh lý. Để phòng trừ sâu, bệnh cho lúa, cán bộ trung tâm trực tiếp xuống địa bàn điều tra, dự báo dịch hại và phối hợp với khuyến nông viên các xã hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp phòng trừ dịch hại.
Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy được hơn 15.400 ha lúa. Hiện nay, lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh, đẻ nhánh rộ; còn trên trà lúa xuân sớm ở giai đoạn đứng cái, làm đòng. Theo điều tra mới nhất của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trên lúa xuân đã xuất hiện một số sâu bệnh hại như: rầy các loại, diện tích nhiễm nhẹ – trung bình 7,5 ha (tăng 4 ha so với cùng kỳ năm trước), diện tích phòng trừ 7,5 ha; sâu cuốn lá nhỏ, diện tích nhiễm nhẹ – trung bình 24 ha (tăng 21 ha so với cùng kỳ năm trước), diện tích phòng trừ 24 ha; bệnh đạo ôn lá, diện tích nhiễm nhẹ – trung bình 2 ha, diện tích phòng trừ 2 ha; bệnh vàng lá sinh lý, diện tích nhiễm nhẹ – trung bình 3 ha, diện tích phòng trừ 3 ha…
Theo đánh giá từ đơn vị, thời gian qua, người dân đã đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm sản xuất lâu năm, ý thức về tầm quan trọng của việc phòng trừ sâu bệnh của bà con ngày càng được nâng cao. Do đó, các diện tích lúa nhiễm sâu bệnh đến ngưỡng phòng trừ đều được bà con chủ động tiến hành xử lý ngay, nên diện tích lúa cơ bản sinh trưởng, phát triển tốt.
Bên cạnh điều tra, dự tính, dự báo sự phát triển của sâu bệnh để chủ động triển khai các biện pháp phòng trừ, từ đầu năm 2021 đến nay, để đảm bảo chất lượng của các loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tiến hành kiểm tra 14 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Qua kiểm tra, các cơ sở này cơ bản chấp hành tốt các quy định của pháp luật về quản lý buôn bán thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Hoàng Văn Lợi, Phó trưởng Phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Thời tiết trong giai đoạn hiện nay thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng, phát triển, nhưng cũng thuận lợi để sinh vật gây hại và một số bệnh trên lúa phát triển mạnh như: sâu đục thân hai chấm, bệnh vàng lá sinh lý, bệnh khô vằn, rầy các loại, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn… Vì vậy, thời gian tới, cơ quan chuyên môn tiếp tục tăng cường điều tra, dự tính, dự báo sự phát triển, gây hại của sâu bệnh để kịp thời khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng trừ.
Bên cạnh sự chủ động của các cơ quan chuyên môn, để đảm bảo năng suất lúa xuân, người dân cần chủ động thăm đồng thường xuyên, theo dõi diễn biến sâu bệnh gây hại lúa để có biện pháp phòng trừ, đảm bảo vụ xuân giành thắng lợi.
NGỌC MAI
Ý kiến ()