Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng vụ xuân
LSO-Vụ xuân là một trong những vụ gieo trồng chính trong năm được các cấp, ngành chức năng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đặc biệt, chủ động dự báo, phòng trừ sâu bệnh, hạn chế dịch bệnh gây hại, đảm bảo cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.
Nguời dân xã Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn cấy lúa xuân |
Trên cánh đồng các xã như: Nhật Tiến, Minh Tiến, Vân Nham, Tân Lập, Thiện Kỵ (Hữu Lũng)…, bà con nông dân đang tập trung chăm sóc lúa, ngô và hoa màu. Ông Nguyễn Văn Tuấn, thôn Đoàn Kết, xã Nhật Tiến cho biết: Vụ xuân 2018, gia đình đã cấy xong 5 sào lúa, 3 sào ngô. Để cây trồng phát triển tốt, tôi thường xuyên theo dõi đồng ruộng để phát hiện, diệt trừ sâu bệnh kịp thời. Hiện trên cây lúa, ốc bươu vàng đã xuất hiện và lác đác có rầy gây hại với mật độ thấp, tôi chủ động bắt ốc và theo dõi, nếu mật độ rầy gây hại lớn sẽ thông báo với khuyến nông viên để có biện pháp diệt trừ kịp thời. Trên cây ngô xuất hiện sâu sám gây hại nhưng với mật độ thấp, gia đình sử dụng biện pháp thủ công bắt, giết sâu trưởng thành.
Trên địa bàn huyện Hữu Lũng, lúa xuân đang giai đoạn bén rễ, hồi xanh đã xuất hiện một số loại sâu, bệnh gây hại như: ốc bươu vàng, dòi đục nõn, rầy các loại, bọ trĩ, vàng sinh lý; cây ngô đang phát triển ở giai đoạn từ 4 đến 5 lá, xuất hiện sâu gai gây hại… Ông Dương Mạnh Hùng, Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Hữu Lũng cho biết: Các loại sâu trên đều nằm trong ngưỡng phòng trừ, riêng sâu gai hại ngô gây hại đến ngưỡng nhiễm tại 2 xã Hữu Liên và Yên Thịnh với diện tích 0,3 ha vào cuối tháng 3/2018. Ngay sau khi phát hiện, trạm cử cán bộ xuống kiểm tra, đồng thời ra văn bản tham mưu cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông, Trạm Khuyến nông huyện thông báo, hướng dẫn người dân cách phòng trừ. Qua đó, đến nay toàn bộ diện tích nhiễm được khống chế và đạt trong ngưỡng phòng trừ.
Người dân xã Việt Yên, huyện Văn Quan phát hiện, xử lý sâu gai hại ngô |
Không chỉ huyện Hữu Lũng, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều đã và đang chủ động phòng trừ sâu bệnh gây hại. Trên địa bàn huyện Văn Lãng xuất hiện một số sâu bệnh như: rầy các loại, sâu đục thân hai chấm, châu chấu hại lúa; sâu gai, bọ rùa, kiến ba khoang, nhện hại ngô nhưng chưa đến ngưỡng phòng trừ. Để đảm bảo cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, Trạm Bảo vệ thực vật huyện tăng cường và mở rộng tuyến điều tra, bám sát địa bàn, dự tính, dự báo sinh vật gây hại trên cây trồng. Qua đó, tham mưu cho Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, UBND huyện chỉ đạo làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh.
Theo kế hoạch, vụ đông – xuân 2018, toàn tỉnh cấy khoảng 15.000 ha lúa, trồng 17.000 ha ngô, đến nay đã cấy được khoảng 8.200 ha lúa; trồng ngô được gần 12.000 ha. Hiện nay, các huyện, thành phố đang tiếp tục cấy lúa, trồng ngô (riêng Hữu Lũng, Tràng Định cấy xong lúa). Trong quá trình sản xuất, ngay từ đầu vụ, ngành chức năng và người dân chủ động phòng trừ sâu bệnh từ khâu làm đất, gieo mạ… Vì vậy, các loại sâu bệnh gây hại đều có mật độ thấp.
Ông Sầm Ngọc Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Công tác dự tính, dự báo, điều tra phát hiện dịch hại cây trồng được cơ quan chuyên môn thực hiện thường xuyên, theo dõi sát, nắm chắc diễn biến tình hình các loại sâu bệnh. Từ đầu năm 2018 đến nay, tình hình dịch hại ít, các đối tượng dịch hại phát sinh, gây hại có mật độ, tỷ lệ hại tương đương cùng kỳ nhưng diện phân bố hẹp, không gây ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất, chất lượng cây trồng. Thời gian tới, dự báo ốc bươu vàng trên cây lúa; sâu gai trên cây ngô; sâu xám trên cây ớt; rệp, bệnh đốm nâu trên cây thuốc lá sẽ phát sinh, phát triển gây hại. Chi cục đã và đang chỉ đạo các trạm tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại cây trồng, góp phần bảo vệ mùa màng cho người nông dân.
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()