LSO-Mặc dù y học ngày nay đã có nhiều tiến bộ, song tai biến sản khoa (TBSK), luôn tiềm ẩn những hiểm nguy cho các bà mẹ và là thách thức lớn đối với ngành y tế. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới-WHO, mỗi năm trên thế giới có khoảng 80.000.000 ca đẻ thì trong đó khoảng 10.000.000 ca có tai biến, và trong số 10.000.000 ca tai biến này thì khoảng 358.000 ca tử vong mẹ. Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y tế, so với năm 1990 thì đến năm 2009, tử vong mẹ đã giảm 3 lần, song hiện mỗi năm vẫn có trên 600 ca tử vong mẹ. Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Khoa sản Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnhBác sĩ Vũ Bích Ngà, Khoa sản Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh cho biết: Năm tai biến thường gặp trong sản khoa mà Bộ Y tế cảnh báo, đó là tai biến chảy máu (băng huyết), nhiễm trùng, sản giật, vỡ tử cung và uốn ván sơ sinh. Đứng hàng đầu trong các tai biến sản khoa là chảy máu, đây cũng là một trong...
LSO-Mặc dù y học ngày nay đã có nhiều tiến bộ, song tai biến sản khoa (TBSK), luôn tiềm ẩn những hiểm nguy cho các bà mẹ và là thách thức lớn đối với ngành y tế. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới-WHO, mỗi năm trên thế giới có khoảng 80.000.000 ca đẻ thì trong đó khoảng 10.000.000 ca có tai biến, và trong số 10.000.000 ca tai biến này thì khoảng 358.000 ca tử vong mẹ. Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y tế, so với năm 1990 thì đến năm 2009, tử vong mẹ đã giảm 3 lần, song hiện mỗi năm vẫn có trên 600 ca tử vong mẹ.
Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Khoa sản Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh
Bác sĩ Vũ Bích Ngà, Khoa sản Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh cho biết: Năm tai biến thường gặp trong sản khoa mà Bộ Y tế cảnh báo, đó là tai biến chảy máu (băng huyết), nhiễm trùng, sản giật, vỡ tử cung và uốn ván sơ sinh. Đứng hàng đầu trong các tai biến sản khoa là chảy máu, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong cho sản phụ. Trong điều kiện y tế hiện nay, các TBSK nói trên có thể phòng ngừa và phát hiện sớm nếu chúng ta làm tốt công tác quản lý thai nghén tại tuyến y tế cơ sở theo đúng “Hướng dẫn chuẩn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản”. Chẳng hạn tai biến vỡ tử cung, có thể phòng ngừa nếu thai phụ được khám định kỳ đầy đủ để phát hiện trường hợp thai nghén có nguy cơ cao như: có sẹo mổ cũ ở tử cung, bụng chửa quá to, thai phụ đã đẻ nhiều lần thì phải chọn nơi đẻ an toàn nhất cho họ là nơi có khả năng phẫu thuật. Với tai biến sản giật, nếu được khám thai phát hiện tình trạng tăng huyết áp, phù nề, nước tiểu có prô-tê-in ngay từ ban đầu, thai phụ sẽ được theo dõi, điều trị và có thể ngăn chặn được cơn sản giật xảy ra…
Tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh, mỗi năm tiếp nhận hàng ngàn trường hợp đến khám thai và sinh nở. Để phòng ngừa và hạn chế thấp nhất những ca TBSK, giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh, Bệnh viện không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ sinh sản: làm tốt công tác quản lý thai nghén; tăng cường chăm sóc sản phụ trong đẻ, theo dõi, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh sau đẻ; trang bị đủ vật tư y tế đảm bảo phục vụ hồi sức và cấp cứu… Cùng với đó là chú trọng công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn sản phụ “làm mẹ an toàn”, giúp họ biết cách chăm sóc sức khoẻ bản thân và thai nhi ngay từ đầu thai kỳ để phòng ngừa, phát hiện sớm TBSK có thể xảy ra.
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện tiếp nhận trên 1.500 ca sinh nở, trong đó có một số trường hợp TBSK (chủ yếu là chảy máu sau sinh), song các ca tai biến này đều được phát hiện, xử lý kịp thời, không để xảy ra tử vong. Theo bác sĩ Ngà, bên cạnh nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế, sự chủ động của các sản phụ trong chăm sóc sức khoẻ thai sản góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa TBSK, giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh. Thực tế cho thấy, phần lớn sản phụ khi đến bệnh viện khám và sinh nở hiện nay đều được quản lý thai nghén từ tuyến y tế cơ sở và đã được tư vấn về TBSK. Đây là kết quả của việc triển khai rộng khắp chương trình “Giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh” mà Lạng Sơn là một trong 14 tỉnh, thành của cả nước đã và đang thực hiện.
Chị Chu Thị Hiệu, 30 tuổi, ở xã Xuân Mai, huyện Văn Quan vừa trải qua một ca sinh khó tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh cho biết: Ngay từ lúc mới mang thai, chị đã được cán bộ y tế xã, huyện tư vấn về làm mẹ an toàn như khám thai đúng kỳ và đầy đủ, tiêm phòng đủ 2 mũi uốn ván, uống viên sắt; về một số tai biến có thể xảy ra trong thai kỳ và lúc chuyển dạ như băng huyết, nhiễm khuẩn hậu sản, sản giật…; các y bác sĩ cũng khuyến cáo nếu thấy dấu hiệu bất thường như ra huyết, tăng huyết áp, phù nề thì phải đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, xử lý kịp thời; chọn nơi sinh để “vượt cạn an toàn”.
Mang thai và sinh nở là thời kỳ hạnh phúc đối với mỗi bà mẹ song cũng là thời kỳ tiềm ẩn những nguy hiểm cho cả mẹ và con bởi những TBSK có thể xảy ra bất kể lúc nào. Khám thai đúng kỳ và đầy đủ là một trong những cách giúp sản phụ phòng ngừa, hạn chế những rủi ro này. Song theo các bác sĩ, bên cạnh việc thăm khám thường xuyên, theo dõi sự phát triển của thai nhi, các bà mẹ cần quan tâm đến việc kiểm tra sức khỏe tổng thể như đo huyết áp; kiểm tra tim mạch; làm các xét nghiệm máu để kiểm tra xem bản thân có thiếu máu hay không; xét nghiệm nước tiểu để chẩn đoán có bị viêm niệu đạo, viêm thận hay không…. Làm tốt điều đó sẽ hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ TBSK, giúp các sản phụ “mẹ tròn, con vuông”.
Bảo Vy
Ý kiến ()