Chủ động phòng lửa rừng trong mùa hanh khô
LSO-Từ đầu năm 2014 đến trung tuần tháng 11, toàn tỉnh đã xảy ra 18 vụ cháy rừng, diện tích thiệt hại trên 70 ha. So với cùng kỳ năm trước, số vụ cháy năm nay cao hơn 2 vụ và diện tích thiệt hại nhiều gấp hơn 2 lần. Đó là những con số đáng báo động trước mùa hanh khô 2014-2015.
Dân quân huyện Bắc Sơn diễn tập phòng chống cháy rừng |
Ngày 21/1/2014, tại thôn Pá Cuồng, xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc, 1,4 ha rừng thông đã bị thiêu rụi. Nguyên nhân sau đó được các cơ quan chức năng xác định là do chủ rừng đốt dọn thực bì, bất cẩn làm lửa lan rộng, cháy rừng của gia đình và lan sang cả rừng của hộ gia đình khác. Cũng do nguyên nhân bất cẩn, ngày 11/5/2014, tại thôn Cầu Lấn, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, một chủ rừng đã đốt dọn vườn gây cháy rừng. Rất may lần này diện tích ảnh hưởng chỉ có 0,5 ha và mức độ thiệt hại chỉ là 45%.
Đó chỉ là hai trong số rất nhiều ví dụ điển hình về sự bất cẩn của người dân gây cháy rừng. Ông Cao Xuân Cường, Trưởng phòng Quản lý Bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm cho biết: trong tháng 6/2014, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng tại 5 huyện trọng điểm (thành phố Lạng Sơn, Lộc Bình, Cao Lộc, Đình Lập, Tràng Định), tổng số vụ cháy tại thời điểm kiểm tra đã là 13 vụ, diện tích thiệt hại hơn 69,1 ha rừng.
Trong các huyện trọng điểm này thì tại vùng thông Lộc Bình, Đình Lập, số vụ cháy vẫn đứng đầu bảng. Đình Lập xảy ra 6 vụ và Lộc Bình xảy ra 3 vụ. Theo nhận định của đoàn kiểm tra liên ngành, nguyên nhân của các vụ cháy chủ yếu là do sự chủ quan của một bộ phận người dân, trong đó có cả các chủ rừng, đốt dọn thực bì, vệ sinh vườn, rừng để lửa cháy lan. Theo ông Cao Xuân Cường, ngoài sự bất cẩn, cũng không loại trừ các trường hợp mâu thuẫn cá nhân dẫn đến cố tình đốt rừng của nhau.
Trong vòng 4 năm qua, trang bị phòng chống cháy rừng của lực lượng kiểm lâm đã được cải thiện đáng kể. Thông qua dự án nâng cao năng lực phòng, chống cháy rừng, hiện nay đã có 19 phương tiện, gồm ô tô và mô tô tuần tra, kết hợp với kiểm tra lửa rừng. Những thiết bị chuyên dụng như bàn dập lửa i nốc, quần áo chữa cháy được trang bị 400 bộ. Các trang bị hiện đại khác như ống nhòm, máy định vị, máy thổi gió… cũng cơ bản đủ cơ số. Tuy nhiên, với địa hình phức tạp đặc thù của tỉnh miền núi, khi cháy rừng xảy ra lực lượng rất khó tiếp cận và khống chế lửa rừng.
Ông Nông Văn Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: biện pháp hữu hiệu nhất là phải phòng lửa rừng từ xa, một trong những biện pháp quan trọng là tuyên truyền công tác phòng, chống từ cơ sở và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng. Hiện nay, tại các xã trọng điểm về cháy rừng vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của 990 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng và đã có 482 thôn, bản đưa bảo vệ, phòng chống cháy rừng vào hương ước.
Để nâng cao năng lực của các tổ, đội này, Chi cục đã chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện tích cực tham mưu cho chính quyền cơ sở, xây dựng các phương án phòng, chống cháy rừng và kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền về phòng lửa rừng đến từng thôn, bản. Không chỉ trên địa bàn các huyện trọng điểm mà ngay cả các huyện ít xảy ra cháy rừng cũng phải chủ động triển khai thực hiện.
Ông Hoàng Dương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bắc Sơn cho biết: mặc dù Bắc Sơn hiếm khi xảy ra cháy rừng, nhưng với đặc thù rừng núi đá của Bắc Sơn, khi đã xảy ra cháy là cháy rất dai dẳng, khó tiếp cận và khống chế. Vì vậy, ngay đầu tháng 11 vừa qua, huyện đã chủ động tổ chức diễn tập phòng, chống cháy rừng và kiểm tra, kiện toàn lại các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng. Đồng thời rà soát điều chỉnh các phương án phòng, chống cháy rừng ở cơ sở cho phù hợp.
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn huyện Bắc Sơn |
Trung tuần tháng 11 vừa qua, UBND tỉnh cũng đã ban hành Công văn số 1025 về tăng cường công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng. Theo đó, chỉ đạo các lực lượng chức năng như kiểm lâm, công an, chính quyền các cấp… tăng cường phối hợp, rà soát lại các phương án bảo vệ rừng trong mùa khô 2014-2015. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các chủ rừng và cộng đồng dân cư; kịp thời dự báo, cảnh báo các nguy cơ và nâng cao năng lực hoạt động của các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng… Từ đó triệt tiêu các nguy cơ gây cháy, phòng lửa rừng từ xa.
NHƯ PHONG
Ý kiến ()