Chủ động phòng dịch bệnh cho vật nuôi ở Bình Gia
LSO- Để chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, huyện Bình Gia đã triển khai nhiều biện pháp. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sửa chữa chuồng trại, tích trữ thức ăn khi mùa đông đang đến.
Gia đình anh Lương Văn Báo, thôn Bản Huấn, xã Hồng Thái hiện tại nuôi 5 con trâu, hơn 100 con gà. Để duy trì đàn vật nuôi phát triển ổn định, ngoài việc giữ gìn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, gia đình anh Báo luôn tuân thủ đúng các quy trình về chăm sóc, tiêm phòng mà cán bộ thú y hướng dẫn. Ngoài việc tiêm phòng định kỳ đầy đủ, anh còn dự trữ thức ăn, tăng thêm thức ăn tinh bột để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Anh Báo cho biết: do chủ động trong việc phòng chống dịch bệnh nên vài năm trở lại đây, đàn gia súc, gia cầm của gia đình tôi phát triển ổn định, không bị dịch bệnh lớn gây chết đàn vật nuôi. Hiện đang dần bước vào mùa đông, gia đình tôi chủ động vệ sinh, sửa chữa chuồng trại và dự trữ thức ăn để phòng chống đói, rét trong mùa đông.
Chị Triệu Thị Nhung, Thú y viên xã Hồng Thái cho biết: toàn xã có khoảng 1.000 con trâu, bò, 8.000 con lợn, gần 20.000 con gia cầm. Để chủ động phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, xã triển khai các văn bản chỉ đạo của cấp trên tổ chức tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại cho đàn vật nuôi. Vì vậy, 2 năm trở lại đây trên địa bàn xã không có dịch bệnh lớn xảy ra. Hiện tại đang bước vào mùa đông giá rét, xã chủ động tuyên truyền người dân dự trữ thức ăn, sửa chữa chuồng trại để đảm bảo đàn gia súc không bị chết đói, rét.
Cán bộ Trạm Thú y huyện hướng dẫn người dân cách phòng, trị bệnh cho đàn gia súc
Trao đổi với chúng tôi về tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của huyện, ông Nông Ngọc Thắng, Phó trưởng Trạm Thú y huyện cho biết: từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện cơ bản ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Tuy còn xảy ra một số bệnh thông thường như: tụ huyết trùng, phó thương hàn, tiêu chảy ở lợn; tiên mao trùng, tụ huyết trùng, tiêu chảy ở trâu bò; bệnh niu cát xơn, tụ huyết trùng ở gia cầm… nhưng do chủ động các biện pháp phòng chống từ trước nên bệnh được khống chế và xử lý kịp thời, không để phát sinh thành dịch lớn; không phát sinh bệnh cúm gia cầm.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, Trạm Thú y huyện đã tổ chức triển khai các biện pháp như: tham mưu cho UBND huyện ra các văn bản về phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; thường xuyên cử cán bộ phối hợp với các xã trực tiếp xuống từng thôn, bản để hướng dẫn, tuyên truyền người chăn nuôi chú trọng vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và theo dõi sát tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời. Khuyến cáo người dân không tự ý mua trâu, bò không rõ nguồn gốc về nuôi tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh,… Từ đầu năm đến nay, Trạm Thú y huyện triển khai tiêm phòng bệnh long móng lở mồm cho trâu, bò được gần 8.000 con, tụ huyết trùng được gần 2.000 con; trên đàn lợn, tiêm phòng dịch tả được gần 10.000 con; trên đàn gia cầm tiêm phòng tụ huyết trùng, niu cát xơn được gần 9.000 con.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có gần 20.000 con trâu, bò, 23.412 con lợn, 275.500 con gia cầm. Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh và duy trì ổn định tổng đàn gia súc, gia cầm, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, phòng chuyên môn chủ động xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh; thực hiện thống kê, quản lý chặt chẽ đàn vật nuôi, tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm. Đặc biệt, chỉ đạo các xã, thị trấn, phòng chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi dự trữ thức ăn, sửa chữa chuồng trại, không để đàn vật nuôi chết đói, rét trong mùa đông.
Bài, ảnh: ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()