Chủ động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Đại diện Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân tặng quà 35 ngư dân gặp nạn trên biển. Mặc dù còn gặp không ít khó khăn, song những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân (Quân chủng Hải quân), đã đoàn kết vượt khó vươn lên, không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, mà còn làm tốt công tác phòng, chống giảm nhẹ thiên tai (PCGNTT), tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trong mùa mưa bão.Thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" Đại tá Nguyễn Tiến Dũng, Chính ủy Vùng, cho biết: Đơn vị được giao nhiệm vụ phụ trách, quản lý và phối hợp PCGNTT, TKCN với bảy tỉnh, thành phố khu vực duyên hải miền trung từ Quảng Bình đến Bình Định, có chiều dài bờ biển hơn 850 km, vùng biển rộng khoảng 305 nghìn km2. Khu vực này về mùa mưa (từ tháng 9 đến tháng 12), thường xuyên xảy ra bão lũ với cường độ cao, thời gian kéo dài, sức tàn phá lớn. Trong đó, lực lượng của Vùng đóng...
Đại diện Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân tặng quà 35 ngư dân gặp nạn trên biển. |
Mặc dù còn gặp không ít khó khăn, song những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân (Quân chủng Hải quân), đã đoàn kết vượt khó vươn lên, không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, mà còn làm tốt công tác phòng, chống giảm nhẹ thiên tai (PCGNTT), tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trong mùa mưa bão.
Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”
Đại tá Nguyễn Tiến Dũng, Chính ủy Vùng, cho biết: Đơn vị được giao nhiệm vụ phụ trách, quản lý và phối hợp PCGNTT, TKCN với bảy tỉnh, thành phố khu vực duyên hải miền trung từ Quảng Bình đến Bình Định, có chiều dài bờ biển hơn 850 km, vùng biển rộng khoảng 305 nghìn km2. Khu vực này về mùa mưa (từ tháng 9 đến tháng 12), thường xuyên xảy ra bão lũ với cường độ cao, thời gian kéo dài, sức tàn phá lớn. Trong đó, lực lượng của Vùng đóng quân phân tán, nhiều đơn vị ở nơi đảo xa, lại có đơn vị thường xuyên đi biển thực hiện nhiệm vụ, trong điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, diễn biến bất thường… Nhất là hiện nay, thuyền của ngư dân ở các tỉnh, thành phố trong khu vực thường đi đánh bắt cá ở vùng biển xa. Thời điểm trước khi có bão, ngư trường thường có nhiều cá, vì thế không ít thuyền của ngư dân ở lại đánh bắt, khi mưa bão ập tới, biển động, sóng to, gió lớn, cho nên rất dễ bị gặp nạn. Bởi vậy, khi ngư dân phát tín hiệu cấp cứu, thì việc dò tìm, liên lạc qua bộ đàm với các tàu để TKCN gặp nhiều khó khăn.
Để ứng phó kịp thời các tình huống xảy ra trong mùa mưa bão, hằng năm, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch, phương án PCGNTT, TKCN sát yêu cầu, nhiệm vụ, coi đây là nhiệm vụ chiến đấu của Bộ đội Hải quân thời bình. Toàn vùng thực hiện tốt tư tưởng chỉ đạo: “phòng là chính; tích cực, chủ động, ứng cứu nhanh, có hiệu quả”; “cơ động nhanh, hiệp đồng tốt, cứu người trước, phương tiện sau” và triệt để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ và chỉ huy tại chỗ); huy động tổng lực về người, phương tiện, bằng mọi biện pháp để cứu người, tài sản, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Đặc biệt, trước mùa mưa bão năm nay, Bộ Tư lệnh Vùng đã chỉ đạo lực lượng tàu của đơn vị đang hoạt động trên các vùng biển, vừa thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, vừa sẵn sàng tham gia TKCN các tàu, thuyền của ngư dân gặp nạn. Thường xuyên duy trì hai tàu trực tại bến, hai tàu trực tuần tra trên biển. Khi có mưa bão, hai tàu vận tải sẽ làm nhiệm vụ thông báo bão, áp thấp nhiệt đới; các tàu chống lật, tàu kéo, tàu vận tải, tàu phóng lôi… chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc quân y, dầu, mỡ cung cấp cho ngư dân sẵn sàng cơ động tham gia TKCN khi có lệnh. Đồng thời, Vùng còn chuẩn bị lực lượng, phương tiện giúp đỡ và ứng cứu nhân dân trên bờ, gồm bảy đội công tác, mỗi đội từ 40 đến 50 người, được trang bị một xuồng cao tốc ST 650, hai xuồng Compzit, xuồng cao-su, một xe ô-tô U-oát, hai xe tải, một xe cẩu, xe nâng, cùng hàng nghìn bao cát, cọc tre, phao cứu sinh… và một tổ cứu thương có đầy đủ phương tiện, cơ số thuốc, cùng lương thực, thực phẩm, sẵn sàng cơ động đến các quận, huyện trên địa bàn TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam trước, trong và sau bão. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị còn coi trọng công tác huấn luyện, luyện tập các phương án tại bến, hiệp đồng với lực lượng Không quân, Bộ đội Biên phòng diễn tập trên biển. Tổ chức diễn tập, trao đổi kinh nghiệm phòng, chống cháy nổ, TKCN với Hải quân nước ngoài, nhằm nâng cao khả năng cơ động, ứng phó của các lực lượng trong toàn Vùng.
Tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”- Người chiến sĩ Hải quân
Đến thăm Hải đội tàu tên lửa 132, Lữ đoàn 172 của Vùng vào một ngày cuối tháng tám, khi mặt trời đã xế trưa, thời tiết nắng nóng như đổ lửa, vậy mà trên Quân cảng của đơn vị, cán bộ, thủy thủ, nhân viên các tàu của Hải đội vẫn sôi nổi luyện tập phương án PCGNTT, TKCN. Chúng tôi xuống thăm tàu HQ 354, đúng lúc cán bộ, thủy thủ, nhân viên của tàu vừa tổ chức luyện tập xong bài tập thực hành cứu vớt, sơ cứu, cấp cứu người bị nạn trên biển. Nở nụ cười thật tươi trên khuôn mặt còn ướt đẫm mồ hôi, Thượng úy Hà Sơn Quý, Thuyền trưởng của tàu, quê ở xã Kỳ Hoa, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), phấn khởi cho biết: Tuy là tàu huấn luyện chiến đấu, nhưng anh em cán bộ, thủy thủ, nhân viên của tàu đều được huấn luyện, luyện tập thuần thục các phương án và phương pháp xử lý các tình huống xảy ra trên biển. Đến nay, tàu của các anh đã chuẩn bị đầy đủ các trang bị, vật chất phục vụ công tác tránh bão; bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm, thuốc quân y…, sẵn sàng tham gia TKCN khi có lệnh.
Gặp Thượng tá Phạm Văn Hùng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 172, dáng người chắc khỏe, nước da sạm nắng đang cùng cán bộ đơn vị đi kiểm tra các tàu của Hải đội luyện tập các phương án SSCĐ. Tranh thủ lúc nghỉ giải lao, anh Hùng cho biết: Là đơn vị tàu tên lửa phóng lôi, những năm qua, cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, đơn vị các anh còn làm tốt công tác PCGNTT, TKCN. Trong đó, các cơ quan, đơn vị đã chủ động điều chỉnh kế hoạch phù hợp với đặc điểm, tình hình, lực lượng và phương tiện hiện có; tổ chức huấn luyện, diễn tập thuần thục theo đúng phương án đã đề ra. Các lực lượng làm nhiệm vụ TKCN đều được chuẩn bị dự trữ hai cơ số lương thực, thực phẩm, thuốc quân y, xăng, dầu… Khi có sự cố do thiên tai gây ra, nhận lệnh của cấp trên, chỉ sau 30 phút là lực lượng tàu, thuyền của đơn vị sẽ rời bến lên đường làm nhiệm vụ trên biển và sau hai giờ thì lực lượng, phương tiện: xe ô-tô, xe cẩu, xuồng cao tốc của đơn vị sẽ cơ động đến các địa phương trong khu vực để kịp thời thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.
Trò chuyện cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị, chúng tôi thêm thấu hiểu những khó khăn, vất vả trong công tác TKCN của những người lính Hải quân. Bởi khi mưa bão xảy ra, tàu của ngư dân hoạt động trên biển thì tìm chỗ tránh trú bão, vậy mà tàu của các anh đã không quản hiểm nguy, vượt sóng to, gió lớn trong mưa bão ra khơi để thực hiện nhiệm vụ, sẵng sàng TKCN tàu, thuyền của ngư dân. Khi bão, gió đến cấp chín, cấp mười, tàu của các anh mới được lệnh rút vào khu vực an toàn… Được biết, từ năm 2011 đến nay, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đã tổ chức được hơn 15 đợt TKCN, huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, cùng hàng chục lượt tàu, xuồng cứu nạn trên biển. Trong đó, tháng 1-2011, tàu HQ 629 của Vùng đã cứu tàu QNg 95263 của tỉnh Quảng Ngãi, với 22 thuyền viên gặp nạn trên biển cách bờ 55 hải lý, cấp thuốc, lương thực, thực phẩm, sơ cứu người bị nạn đưa vào bờ an toàn. Trong cơn bão số 1, đã cứu được 14 ngư dân gặp nạn tại khu vực đảo Hoàng Sa; tham gia TKCN tàu QNa 0063 của Tiểu đoàn 70, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam gặp nạn, tại khu vực Cù Lao Chàm (TP Hội An). Từ đầu năm 2012 đến nay, tàu của Vùng đã kịp thời cứu nạn tàu Hải Anh 127 của tỉnh Quảng Bình, cùng tám ngư dân gặp nạn, tại khu vực đông bắc của vùng biển Thuận An lai kéo về cảng Chân Mây (Huế) an toàn. Cứu nạn, tiếp nhận, bàn giao tàu cá QB 92836 cùng tám ngư dân xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) gặp nạn trên biển, cách Đà Nẵng 120 hải lý, trong điều kiện sóng to, gió lớn, lai kéo về cảng, bàn giao cho địa phương.
Bằng tinh thần tích cực, chủ động trong công tác PCGNTT, TKCN của cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân những năm qua, không chỉ góp phần thiết thực hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, mà còn xây dựng Vùng vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ… Đặc biệt, 5 năm trở lại đây, Vùng 3 Hải quân vinh dự hai lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thưởng thi đua xuất sắc; ba lần được Bộ Quốc phòng tặng Cờ đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua quyết thắng toàn quân. Năm 2010, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba. Với thành tích kể trên, đã góp phần tỏa sáng phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”- Người chiến sĩ Hải quân trong thời kỳ mới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()