Chủ động ứng phó sạt lở đất
- Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số đợt mưa lớn kéo dài dẫn tới tình trạng sạt lở đất gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân. Trước thực tế đó, các cấp, ngành liên quan đã nhanh chóng triển khai các giải pháp để khắc phục.
Ngày 30/7/2024, mưa lớn kéo dài trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đã khiến cho một số khu vực bị sạt lở, trong đó phường Chi Lăng bị ảnh hưởng nặng nhất. Cụ thể theo báo cáo nhanh của UBND phường Chi Lăng, trên địa bàn có 33 điểm sạt lở tại các tuyến đường giao thông và khu vực nhà dân, trong đó có điểm sạt lở nghiêm trọng tại đường Văn Vỉ dài 35 m và một ngôi nhà cấp 4 bị vùi lấp hoàn toàn.
Ngay sau khi nắm bắt thông tin việc sạt lở, các đơn vị liên quan đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để khắc phục sự cố.
Ông Lành Văn Trí, Chủ tịch UBND phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Ngay khi nắm bắt được thông tin, lãnh đạo UBND phường cùng các cơ quan liên quan đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường tổ chức hỗ trợ di dời người và tài sản của Nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; cắm biển, chăng dây cảnh báo ở các địa điểm để người dân biết và có biện pháp phòng, chống sạt lở cũng như lựa chọn phương án di chuyển phù hợp; kịp thời hỗ trợ vật chất khẩn cấp cho gia đình bị sập nhà hoàn toàn… Hiện nay, các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức kiểm tra, rà soát, hỗ trợ để người dân từng bước ổn định cuộc sống cũng như đánh giá thiệt hại và nhanh chóng khắc phục trong những ngày tới.
Tương tự, mưa lớn kéo dài khiến người dân xã Tam Gia, huyện Lộc Bình đối diện với nguy hiểm do nguy cơ sạt lở đất. Cụ thể từ ngày 8/6/2024 đến ngày 9/6/2024, do mưa lớn khiến cho khu vực sườn đồi thuộc thôn Còn Chè, xã Tam Gia, huyện Lộc Bình xuất hiện các vết nứt lớn, tiềm ẩn nguy hiểm cho 8 hộ dân sinh sống tại khu vực đó.
Ngay sau khi phát hiện sự cố nghiêm trọng đó, các cấp, ngành liên quan đã trực tiếp đến kiểm tra, đánh giá thực trạng và nhanh chóng đưa ra giải pháp khắc phục.
Ông Chu Văn Lợi, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tam Gia cho biết: Để khắc phục sự cố nguy hiểm tại thôn Còn Chè, UBND xã đã phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, vận động người dân chủ động di dời đến nơi an toàn; triển khai một số biện pháp khắc phục tạm thời như mở lối thoát nước, làm đường, che bạt… Cùng với đó, trước mỗi đợt mưa, UBND xã cùng các cơ quan chuyên môn tổ chức ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng ứng phó, khắc phục khi có sự cố xảy ra. Hiện nay UBND tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai sạt lở sườn đồi tại thôn Còn Chè, các cấp, ngành liên quan đang triển khai dự án di dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Cùng với 2 xã, phường kể trên, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh có một số đợt mưa lớn kéo dài, theo thống kê sơ bộ, các đợt mưa lớn này đã gây sạt lở ở hơn 200 điểm, trong đó phần lớn ở các tuyến đường giao thông. Ngay sau khi có sự cố sạt lở đất, các cấp, ngành liên quan đã nhanh chóng bắt tay vào khắc phục.
Ông Nguyễn Phúc Đạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh cho biết: Ngay sau khi có sự cố sạt lở đất, đặc biệt là những vị trí sạt lở lớn, nguy hiểm, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, huyện đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để kịp thời nắm bắt diễn biến, tình hình thực tế và có phương án xử lý. Trong đó chỉ đạo các lực lượng tại chỗ nhanh chóng di dời người, tài sản ở vị trí sạt lở ra các khu vực an toàn; tổ chức hỗ trợ người dân dọn dẹp, ổn định chỗ ở…
Đối với tình trạng sạt lở trên các tuyến đường giao thông, ngay khi có sự cố sạt lở, Sở Giao thông Vận tải cùng các cơ quan, đơn vị liên quan đã có mặt để khắc phục sự cố bước đầu, đảm bảo giao thông. Đồng thời sau đó triển khai các bước để dọn đất đá, bùn cũng như làm kè rọ đá, hoàn trả nền đường… Cụ thể từ đầu năm 2024 đến nay, các đơn vị liên quan đã tiến hành dọn trên 2.500 m3 đất, đá tại các điểm sạt lở taluy dương; thống nhất phương án làm kè rọ đá ở các điểm taluy âm…
Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, dự báo tháng 8 và tháng 9/2024, lượng mưa trên địa bàn tỉnh ở mức bằng và cao hơn từ 10 đến 30% so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 8 đến tháng 10, mực nước đỉnh lũ trên các sông khu vực tỉnh Lạng Sơn ở mức báo động 1 đến báo động 2, các sông suối nhỏ ở mức báo động 2 đến báo động 3. Nguy cơ lũ quét và sạt lở đất cao.
Trước diễn biến mưa lũ, sạt lở đất vẫn còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, các cấp, ngành liên quan cùng người dân cần tiếp tục nâng cao cảnh giác, chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai nói chung, trong đó có hiện tượng sạt lở đất. Từ đó góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản.
Ý kiến ()