Chủ động phòng, chống nóng cho đàn vật nuôi
(LSO) – Bước vào mùa hè, có những ngày nhiệt độ ở mức gần 40 độ C và dự báo sẽ còn tiếp tục xuất hiện những đợt nắng nóng cao điểm. Để phòng chống nóng, bệnh dịch lây lan và đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi, nhiều hộ chăn nuôi đã thực hiện các biện pháp…
Theo thông tin dự báo từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lạng Sơn, mùa hè năm nay có thể sẽ có nhiều đợt nắng nóng với nhiệt độ cao hơn so với trung bình các năm trước từ 0,5 đến 2 độ. Trước diễn biến thời tiết phức tạp, đàn vật nuôi rất dễ bị ảnh hưởng tới khả năng sinh trưởng, phát triển. Ngoài ra, nhiệt độ cao cũng là điều kiện để các loại dịch bệnh lây lan ở gia cầm. Vì vậy, ngay từ đầu tháng 5/2020, nhiều hộ chăn nuôi đã chủ động các biện pháp phòng, chống nóng cho đàn vật nuôi.
Tại trang trại của anh Hoàng Văn Trưởng (xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình) hiện nuôi khoảng 700 con gà thịt và 300 con gà đẻ trứng. Do ảnh hưởng của đợt nắng nóng đầu tháng 6/2020, khoảng 30 con gà đẻ và gà thịt trong trại của anh đã bị sốc nhiệt và chết. Nhiệt độ cao cũng khiến khoảng 1.000 quả trứng gà của trang trại anh Trưởng bị hỏng.
Anh Hoàng Văn Trưởng thay trấu độn chuồng cho đàn gà
Anh Trưởng chia sẻ: Ngay sau khi gặp phải tình trạng trên, tôi đã chủ động lắp đặt hệ thống quạt trần làm mát bên trong chuồng trại kết hợp với sử dụng rơm rạ để trải lên trên mái chuồng. Đồng thời giãn mật độ nuôi đối với đàn gà theo cân nặng và giai đoạn phát triển của từng loại gà, thay trấu độn chuồng thường xuyên. Ngoài ra, tôi đã mua thêm cả tủ lạnh để bảo quản trứng gà.
Còn tại hộ ông Đinh Văn Đạt (xã Tân Liên, huyện Cao Lộc) đang nuôi 5 con lợn thịt (trước thời điểm bệnh dịch tả lợn châu Phi luôn duy trì nuôi trên 10 con). Vào năm 2018, gia đình ông đã xảy ra trường hợp lợn chết do nhiệt độ tăng quá 40 độ C mà không được làm mát kịp thời. Vì vậy, bước vào mùa hè năm nay, ông đã chủ động giảm mật độ nuôi đối với đàn lợn xuống theo tiêu chuẩn 2,2 m2/con. Cùng đó, ông thường xuyên sử dụng máy bơm để tắm cho lợn 2 lần mỗi ngày để đảm bảo làm mát cho đàn lợn kết hợp với tăng cường bổ sung chất điện giải, Bcomplex và một số khoáng chất cho lợn.
Ông Đạt cho biết: Ngoài những biện pháp trên, tôi còn bố trí hệ thống quạt điện và rèm che để giảm bớt nắng nóng cho lợn. Cùng đó, thường xuyên tưới nước lên mái chuồng, dọn dẹp chất thải, vệ sinh chuồng trại thoáng mát. Để phòng bệnh mùa hè cho đàn lợn, tôi thực hiện tiêm phòng đầy đủ vắc xin đối với một số bệnh như: dịch tả, tụ huyết trùng… để tăng miễn dịch cho đàn lợn.
Tìm hiểu thực tế tại một số huyện như: Cao Lộc, Chi Lăng, Hữu Lũng… được biết, đối với một số loại vật nuôi như: trâu, bò, dê… đang được người chăn nuôi thực hiện nhiều biện pháp chống nóng. Chủ yếu là giảm mật độ nuôi trong chuồng trại, thay đổi chế độ ăn uống, vệ sinh cho vật nuôi và chuồng trại.
Thông thường, giờ chăn thả đối với các loài vật nuôi sẽ từ 6 giờ sáng tới 9 giờ sáng và 4 giờ chiều tới 6 giờ chiều, qua đó đảm bảo vật nuôi ít bị ảnh hưởng của nắng nóng. Đối với chế độ ăn uống, các hộ chăn nuôi thường cho ăn thức ăn thô xanh kết hợp với thức ăn tinh, bổ sung vitamin C và chất điện giải và một chút muối ăn. Cùng với đó thường xuyên tắm mát cho đàn vật nuôi, giúp các loài vật nuôi đảm bảo sức khỏe, tăng khả năng chống các bệnh ngoài da và lây lan dịch bệnh mùa hè.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 117,53 nghìn con trâu, bò; 103,1 nghìn con lợn và 4,78 triệu con gia cầm. Theo khuyến cáo từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, vào mùa hè, đàn vật nuôi rất dễ bị ảnh hưởng tới sinh trưởng và phát triển. Nhất là đối với gia cầm, thường xảy ra bệnh hen và bị chết do nhiệt độ cao và các dịch bệnh mùa hè.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Vào mùa hè, các hộ chăn nuôi cần chủ động vệ sinh chuồng trại thoáng mát, sử dụng các thiết bị làm mát và dụng cụ để che chắn cho vật nuôi. Riêng đối với các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, cần có phương án dự phòng khi xảy ra mất điện vẫn đảm bảo việc làm mát cho đàn vật nuôi. Đồng thời bổ sung các chất dinh dưỡng và khoáng cần thiết cho gia súc, gia cầm, đặc biệt là vitamin C để giải nhiệt cho vật nuôi. Bên cạnh đó, cần tiến hành tiêm phòng đầy đủ theo quy định một số bệnh mùa hè thường xảy ra ở đàn vật nuôi như tụ huyết trùng, Ecoli, bệnh tả… Đối với các huyện, xã cần theo dõi, bám sát tình hình của đàn vật nuôi tại địa phương. Tăng cường tuyên truyền bà con thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi…
Từ năm 2019 đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các ngành chức năng tổ chức gần 10 lớp tập huấn, tuyên truyền về kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ chăn nuôi, cán bộ, công nhân viên. Trong đó, bao gồm các nội dung về phòng, chống bệnh dịch, ứng phó với diễn biến thời tiết cực đoan, nắng nóng đối với đàn vật nuôi. Đồng thời, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã tiến hành tiêm phòng bệnh dịch cho 49.289 con trâu, bò; 246.000 con gia cầm và gần 10.000 con lợn. Nhờ đó, từ năm 2019 đến nay, không có thiệt hại nào đáng kể xảy ra ở đàn vật nuôi do nắng nóng, thời tiết cực đoan.
Ý kiến ()