Chủ động phòng chống lũ quét, sạt lở đất
LSO-Từ giữa tháng 6/2017 đến nay, tại một số huyện trên địa bàn tỉnh như: Tràng Định, Chi Lăng, Cao Lộc, Lộc Bình… đều đã có những thiệt hại do mưa kéo dài, sạt lở đất gây ra. Hiện ban chỉ huy phòng chống thiên tại (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các cấp đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực ứng phó khi có thiên tai xảy ra.
Lực lượng chức năng của tỉnh diễn tập phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn |
Thiệt hại trên 8 tỷ đồng do mưa lũ
Ông Đỗ Đức Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tràng Định cho biết: Từ ngày 25/6 đến giữa tháng 7/2017, trên địa bàn có mưa kéo dài, gây ra sạt lở đất tại một số điểm, do đó một số nhà đã bị sập. Cụ thể: 1 nhà ở xã Chí Minh bị sập hoàn toàn, 5 nhà bị sập và sạt lở taluy dương (đằng sau nhà), 2 căn nhà bị tốc mái. Về thủy lợi: sập, gẫy mương thủy lợi tại thôn Lĩnh Đeng, xã Đề Thám dài 30 m, khối lượng đất sạt lở là 150 m3. Về hoa màu: gần 5 ha lúa bị thiệt hại từ 50 – 70%, gần 1 ha lúa thiệt hại trên 70%; 2,7 ha thạch đen bị mất trắng. Trong đợt mưa cuối tháng 7, đã khiến 2 ha lúa mùa mới cấy ngập úng và 0,28 ha mạ bị vùi lấp.
Theo thống kê, lượng mưa trên địa bàn toàn tỉnh từ đầu tháng 6 đến nay cao hơn so với cùng kỳ năm 2016. Sau các đợt mưa, lượng nước trên các sông, suối đã tăng đáng kể, trên một số sông đã xuất hiện lũ như: sông Trung, sông Bắc Giang … Cùng đó, tại một số huyện đã xảy ra sạt lở đất. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, đã có 2 người bị thương; sập đổ 2 nhà, sạt lở taluy dương sau của 6 nhà, nguy cơ sạt lở 1 nhà; 11,5 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; sập, gẫy mương thủy lợi 5 công trình; xói lở hư hỏng mặt đường, lề đường với khối lượng trên 1.200 m3, sạt lở 10.000 m3 taluy dương và 210 m3 đá gây ách tắc giao thông… Ước tính ban đầu thiệt hại vào khoảng trên 8 tỷ đồng.
Chủ động các phương án ứng phó
Lạng Sơn hằng năm chịu ảnh hưởng trung bình từ 3 – 5 cơn bão, lượng mưa trung bình trong năm từ 1.200 – 1.600 mm. Toàn tỉnh có 3 hệ thống sông chảy qua, gồm: sông Kỳ Cùng (hệ thống sông Tây Giang); sông Thương, sông Hóa, sông Trung, sông Lục Nam (hệ thống sông Thái Bình); sông Phố Cũ, sông Đồng Quy (hệ thống sông ngắn Quảng Ninh). Do đặc điểm này, nên vào mùa mưa, có thể sẽ có lũ lớn xảy ra trên các sông, suối và lũ quét cục bộ tại một số khu vực. Cùng đó, nhiều năm qua, vào mùa mưa, hầu hết đều có tình trạng sạt lở đất đá xảy ra.
Ông Chu Văn Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi – Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cho biết: Những năm qua, Lạng Sơn thường xuyên bị ảnh hưởng bởi một số thiên tai như: lốc, lũ, lũ quét, sạt lở đất… gây ảnh hưởng đến giao thông, hoa màu và nhà cửa của bà con nhân dân. Nguyên nhân là do những năm gần đây, thời tiết diễn biến bất thường, nền địa chất ở nhiều nơi có độ gắn kết kém, độ dốc lớn, mưa cục bộ tập trung trong thời gian dài; đặc biệt nhiều nơi mái taluy của các tuyến đường và taluy nhà ở chưa đảm bảo an toàn. Theo ông Hải, giữa tháng 6 đến hết tháng 7/2017, đã xuất hiện 5 cơn bão nhưng chưa ảnh hưởng trực tiếp vào Lạng Sơn. Tuy vậy, theo dự báo, thời gian tới sẽ có nhiều đợt mưa lớn.
Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do mưa lũ, sạt lở đất đá gây ra, hiện các huyện như: Tràng Định, Chi Lăng, Đình Lập, Lộc Bình… tiếp tục rà soát lại các địa bàn thường xảy ra lũ quét; có kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng, xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất chi tiết để chủ động sơ tán người dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở đất và lũ quét khi có tình huống xảy ra.
Được biết, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh hiện đã rà soát lại các phương án PCTT nhằm đưa ra phương án ứng phó sát với thực tế hơn. Đồng thời, chủ động về vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác PCTT và TKCN. Đặc biệt là quán triệt phương châm “4 tại chỗ” ngay từ cơ sở.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()