Chủ động phòng chống dịch sởi
LSO-Theo thông báo của Bộ Y tế, từ đầu tháng 1 đến 17/2/2014, dịch sởi đã bùng phát với 24 tỉnh, thành phố có người mắc và đã có 3 ca tử vong. Đây là một bệnh nguy hiểm đối với trẻ em, nhất là những trẻ chưa được tiêm phòng.
Tiêm chủng mở rộng cho trẻ em tại Trạm Y tế xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn |
Bác sĩ Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh cho biết: cho đến nay Lạng Sơn chưa phát hiện trường hợp mắc sởi: song không vì vậy mà chủ quan. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, dịch sởi đã bùng phát ở một số xã, trong đó xã Tú Đoạn (Lộc Bình) đã có hàng trăm trẻ mắc và có trên 10 trẻ tử vong. Trên phạm vi toàn quốc, trung bình cứ 3 năm dịch sởi “quay lại” một lần; Lạng Sơn cũng không phải là ngoại lệ. Vậy đâu là nguyên nhân?
Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Trường, hằng năm tỷ lệ tiêm chủng đúng kỳ (tiêm lần 1 vào 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại lần 2 vào 18 tháng tuổi) của trẻ em Lạng Sơn đạt từ 92-94% (năm 2013, tỷ lệ tiêm chủng mới đạt 73%). Song với đặc điểm của vắcxin sởi, tỷ lệ trẻ được bảo vệ sau tiêm đạt khoảng 80%. Như vậy, hằng năm có khoảng 25-28% số trẻ chưa được miễn dịch với sởi. Tỷ lệ ấy cứ lũy kế theo thời gian và nhất định sẽ có đông trẻ mắc vào một thời điểm. Mặt khác, thời tiết Lạng Sơn lúc giao mùa (đông- xuân) với nóng, lạnh bất thường, nhất là lạnh kéo dài là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sởi hoạt động và gây bệnh. Một nguyên nhân quan trọng khiến sởi dễ lây diện rộng và thành dịch là do sởi lây qua đường hô hấp, tết nguyên đán, mùa lễ hội, người dân tụ tập với số đông để thăm thân và vui lễ với sự giao lưu rộng từ địa phương tới các vùng miền. Trẻ em, nhất là trẻ chưa tiêm chủng bệnh sởi, sức đề kháng thấp rất dễ bị nhiễm bệnh. Nếu không phát hiện, chữa trị kịp thời, bệnh sởi rất dễ gây biến chứng, thậm chí tử vong. Năm 2014, cùng với toàn quốc, Lạng Sơn đã vào “chu kỳ” bùng phát sởi. Do tâm lý nghi ngại về chất lượng vắcxin và rủi ro khi tiêm chủng, nên nhiều gia đình “bỏ tiêm”, tiêm không hết mũi hoặc cảm thấy đã tiêm sởi mũi 1 là đủ nên không cho trẻ đi tiêm mũi 2. Tất cả các yếu tố đõ sẽ khiến cho bệnh sởi “tái khởi động”. Những triệu chứng của bệnh sởi như sốt cao, ho khó thở, tiêu chảy…khiến các bậc cha mẹ và giáo viên dễ nhầm với các bệnh khác mà vẫn cho đi học hoặc điều trị tại nhà nên rất dễ gây biến chứng hoặc lây chéo thành dịch tại cơ sở trông giữ trẻ, trường mầm non, tiểu học.
Biện pháp tốt nhất là cho trẻ đi tiêm chủng và đảm bảo tiêm chủng an toàn. Đây là 2 mặt của một vấn đề để ngăn chặn, tiến tới thanh toán bệnh sởi trên địa bàn. Có một thực tế là sẵn có tâm lý nghi ngại công tác tiêm chủng, cộng với thời gian này trùng vào tết nguyên đán và lễ hội mùa xuân nên các bậc cha mẹ thường không đưa con đi tiêm chủng theo lịch. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, chính những bậc cha mẹ có học vấn cao, hiểu biết rộng, thậm chí là cán bộ, viên chức nhà nước lại “ngại” cho con đi tiêm chủng. Nguyên nhân chính là họ phân vân trước những thông tin trái chiều nhau về vấn đề an toàn tiêm chủng. Còn những người dân, nhất là nông dân, do ít tiếp xúc với các phương tiện thông tin nên người ta có “niềm tin” vào y tế nói chung và tiêm chủng nói riêng. Vấn đề quan trọng là ngành y tế cần chỉ đạo sát sao hơn nữa công tác tiêm chủng tại cơ sở, nhất là tiêm vắcxin sởi. Vì khác với các loại vacin khác, vắcxin sởi được bảo quản dạng khô, trước khi tiêm cán bộ y tế mới pha. Kỹ thuật pha, thời gian “lưu” vắcxin đã pha và kỹ thuật tiêm có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực phòng bệnh.
Hơn lúc nào hết, đưa trẻ đi tiêm chủng, trong đó có tiêm phòng sởi là việc làm cấp thiết nhất trong lúc này. Đối với các cháu trong độ tuổi từ 9-60 tháng tuổi, các bậc cha mẹ cần xem lại sổ tiêm chủng của con mình, nếu chưa được tiêm sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 cần đưa đến trạm xá để tiêm phòng. Các trạm xá cần xem lại sổ theo dõi tiêm chủng và bằng hoạt động của đội ngũ y tế thôn bản, nhắc nhở, vận động tiêm chủng bằng cách “đi từng nhà, rà từng đối tượng”. Không ngừng nâng cao tay nghề và tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, dùng vắcxin đúng hạn, pha vắcxin đúng hướng dẫn, tiêm đúng quy trình…sẽ phòng được bệnh cho trẻ em, trước hết là phòng bệnh sởi bùng phát.
Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn chuẩn bị máy móc, thiết bị, thuốc sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân – Ảnh: TRÍ DŨNG |
Trung tâm YTDP tỉnh chỉ đạo các đội YTDP cấp huyện nắm tình hình và phối hợp với các bệnh viện theo dõi, cập nhật thông tin ngay từ ca mắc sởi đầu tiên để có những khuyến cáo cụ thể và hướng dẫn cho người dân, đội ngũ giáo viên (nhất là giáo viên các trường mầm non) cách phát hiện, xử lý bệnh sởi ngay từ gia đình; cách ly trẻ kịp thời, tránh lây chéo ra cộng đồng.
MINH HỒNG
Ý kiến ()