Chủ động phòng, chống dịch lở mồm long móng
LSO-Nằm giữa 2 huyện vừa xuất hiện dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) ở trâu, bò là Bình Gia và Chi Lăng nên Văn Quan không khỏi lo lắng trước dịch bệnh. Chính vì vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh tiếp tục được huyện đẩy mạnh.
Nông dân huyện Văn Quan chăm sóc đàn gia súc |
Trong những năm qua, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là bệnh LMLM trên địa bàn huyện Văn Quan luôn được chính quyền, các ban ngành chức năng và người dân thường xuyên quan tâm theo dõi và có biện pháp xử lý kịp thời nên đã giảm thiểu thiệt hại cho người dân. Vào thời điểm những ngày đầu năm 2014, khi mà dịch LMLM đã xuất hiện ở 2 huyện liền kề là Chi Lăng và Bình Gia thì công tác phòng bệnh lại càng được huyện đẩy mạnh. Tính đến hết ngày 8/1/2014, Văn Quan vẫn chưa có con gia súc nào có triệu chứng điển hình của LMLM.
Ông Lương Đình Bảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Quan cho biết: ngay sau khi nhận được công văn chỉ đạo của UBND tỉnh về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh LMLM, huyện đã có công văn chỉ đạo xuống tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn về công tác phòng, chống bệnh LMLM. Đặc biệt là 9 xã nằm giáp ranh với huyện Bình Gia và Chi Lăng như Yên Phúc, Bình Phúc, Tri Lễ, Lương Năng… mà chính những xã này lại là những xã có phong trào chăn nuôi phát triển mạnh với tổng đàn trâu bò từ 500 đến gần 1.000 con/xã. Công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai nhanh chóng, đồng bộ. Một mặt huyện đẩy mạnh tuyên truyền để tiếp tục nâng cao ý thức người dân trong việc phòng chống dịch bệnh, mặt khác Trạm Thú y huyện đã tổng hợp tổng đàn gia súc để xin vắc xin về tiêm phòng cho đàn trâu, bò.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay là trong năm, huyện đã tiến hành tiêm vắc xin phòng, chống bệnh LMLM cho 16.000 lượt con trâu, bò, nhưng đó là chủng type O, còn hiện tại bệnh LMLM trên trâu, bò lại xuất hiện chủng vi rút mới là chủng type A. Do đó, để người dân tiếp tục hưởng ứng việc tiêm vắc xin phòng bệnh LMLM, công tác tuyên truyền cần phải được thực hiện thật tốt. Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, huyện đã chỉ đạo cán bộ thú y xuống trực tiếp các xã, thị trấn để phối hợp với chính quyền cơ sở xuống từng hộ dân để tuyên truyền.
Trong đó, đặc biệt chú trọng đối với các xã nằm giáp ranh với 2 huyện có dịch cũng như các điểm chợ trên địa bàn huyện như điểm chợ giáp ranh ở xã Lương Năng, xã Tri Lễ, xã Yên Phúc. Chị Nông Hải Yến, cán bộ Thú y huyện Văn Quan cho biết: vào thời điểm “nhạy cảm” này, cán bộ thú y huyện phải chia nhóm để xuống trực tiếp địa bàn phối hợp với thú y viên đến từng hộ dân để tuyên truyền về những nội dung phòng, chống dịch bệnh, những diễn biến mới của dịch bệnh, vận động nhân dân tiếp tục tiêm phòng cũng như hướng dẫn cách phòng, chống cho người dân. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát để khi phát hiện có trường hợp trâu, bò bị mắc bệnh có hướng xử lý kịp thời, không để bệnh lây lan.
Công tác phòng, chống bệnh cho gia súc, gia cầm nói chung và bệnh LMLM nói riêng đang được Văn Quan triển khai một cách đồng bộ từ huyện xuống tất cả các xã, thị trấn, thậm chí là từng hộ gia đình. Ông Hoàng Thanh Hiếu, Bí thư Đảng ủy xã Lương Năng cho biết: là một xã thuần nông trong đó chăn nuôi chiếm một phần quan trọng với tổng số đàn trâu là 554 con, đàn bò 243 con nên công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân phối hợp có hiệu quả. Chính vì vậy mà từ năm 1998 đến nay, bệnh LMLM ở trâu, bò đã không còn xuất hiện ở xã. Thỉnh thoảng có một vài con trâu, bò xuất hiện các biểu hiện của bệnh LMLM, ngay lập tức người dân đã báo cho cán bộ thú y để cùng phối hợp chữa dứt điểm cho số trâu, bò có biểu hiện bệnh, từ đó tránh được việc lan rộng bệnh. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hộ dân trong xã về nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, xã còn thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, tuyên truyền ở khu vực chợ nằm trên địa bàn xã, nơi có thể xuất hiện việc giết mổ hoặc vận chuyển trâu, bò bị bệnh đi nơi khác tiêu thụ.
Mặc dù chưa xuất hiện bệnh LMLM nhưng công tác phòng, chống bệnh cho đàn gia súc ở Văn Quan đã và đang được quan tâm một cách sát sao, đồng bộ từ huyện xuống cơ sở nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh, góp phần bảo vệ đàn gia súc cho người nông dân.
TÂM AN - ĐỨC ANH
Ý kiến ()