Chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm trong dịp tết
LSO-Giám sát của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho thấy, hiện nay có trên 80% số xã, trên 60% số huyện và 63% số chợ trên toàn quốc vẫn tồn tại vi rút H5N1 trên đàn gia cầm. Nếu chủ quan lơ là, lập tức nó sẽ bùng phát thành dịch và gây thiệt hại khôn lường cho chăn nuôi và sức khỏe con người.
Tại Lạng Sơn, trong năm 2013, qua giám sát của Chi cục Thú y tỉnh, cơ quan Thú y vùng II và Ban quản lý dự án VAHIP tại 6 chợ nội địa với 234 mẫu gộp; kết quả đã có 9/162 mẫu dương tính với vi rút cúm gia cầm H5N1. Qua giám sát lưu hành cúm gia cầm nhập lậu với 473 mẫu gộp; xét nghiệm 353 mẫu đã có 10 mẫu dương tính với type A, 6 mẫu dương tính với H5 và 2 mẫu dương tính với N1. Như vậy có thể khẳng định rằng vi rút cúm gia cầm vẫn tồn tại ở các địa phương và chỉ chờ “thời cơ” thuận lợi là bùng phát thành dịch. Bên cạnh đó, dịch cúm gia cầm H7N9 tại Trung Quốc đang lây lan trên diện rộng khiến 200 người mắc và 5 người tử vong ở một số tỉnh, trong đó có tỉnh gần biên giới nước ta. Đây là nguy cơ thường trực dịch bệnh nếu chúng ta lơ là.
Nông dân xã Đồng Tiến (Hữu Lũng) luôn chú trọng công tác phòng bệnh cho gia cầm |
Trong những năm qua, ở tỉnh ta đã rải rác xảy ra dịch cúm gia cầm ở các xã như Minh Sơn (Hữu Lũng) tháng 2-3/2011, Vũ Lễ, Đồng Ý (Bắc Sơn) tháng 5/2011 và tháng 9/2012. Qua phân tích có thể thấy dịch cúm bùng phát do những nguyên nhân như vệ sinh môi trường, vệ sinh chăn nuôi kém, vận chuyển chim cảnh, gia cầm từ nơi có dịch đến nơi khác mà không qua kiểm dịch. Cụ thể như người dân thôn Cã Ngoài (xã Minh Sơn) có tục sau khi thịt gà, vịt tết thì rải lông ra đường đi; khi xuất hiện đàn gia cầm chết rải rác không rõ nguyên nhân, người dân vẫn thiếu ý thức trong việc khoanh vùng, vệ sinh chuồng trại và phòng lây sang người như vẫn thả gà ra vườn, ra đồi. Còn ở xã Vũ Lễ lại có nguyên nhân từ chim cảnh lây sang gia cầm nuôi; ở xã Đồng Ý thì do người dân ở địa phương khác mang gà đến góp giỗ chạp tại nhà bà con, từ đó lây sang hàng xóm và trở thành dịch. Trong những ngày này, thực hiện Công điện của Bộ Y tế, Sở Y tế đã ban hành Công văn số 24, ngày 17/1/2014 chỉ đạo các trung tâm y tế sẵn sàng công tác phòng chống dịch. Đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền trong người dân về phòng chống dịch cúm H5N1 và H7N9 những ngày giáp tết, nhất là ở những nơi “nhạy cảm” như vùng biên giới, một số địa phương đã từng có dịch… đề phòng dịch H5N1 quay trở lại hoặc dịch H7N9 từ gia cầm không rõ nguồn gốc lây sang người.
Đối với công tác phòng, chống dịch nơi biên giới, từ khi thế giới và Việt Nam xuất hiện dịch SARS năm 2003, công tác phòng chống dịch bệnh nơi biên giới đã được quan tâm đầu tư một cách khá đồng bộ. Hiện nay, việc đảm bảo công tác hậu cần phòng, chống dịch đã được “ khởi động lại” ở mức độ cao, sẵn sàng đáp ứng khi dịch xảy ra. Trao đổi với bác sĩ Hoàng Văn Tạo, Phó Giám đốc Sở Y tế, chúng tôi được biết, ngành tăng cường chỉ đạo công tác kiểm dịch y tế quốc tế, trang bị thêm máy móc để kiểm tra cả “luồng” xuất cảnh và nhập cảnh. Kiểm tra lại các điểm dự phòng điều trị cách ly tại phòng khám đa khoa khu vực Đồng Đăng, Tân Thanh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Lộc Bình; kiểm tra hóa chất, vật tư phòng, chống dịch…
Tháng cận tết được xác định là “tháng cao điểm” trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm bởi vì đây là tháng thời tiết luôn có sự thuận lợi để dịch bùng phát; là tháng mà lượng thực phẩm, nhất là nhu cầu về gia cầm tăng rất cao, kèm theo đó là tình trạng vận chuyển, buôn bán gia cầm sôi động và phức tạp; tháng tết cũng là tháng mà các hoạt động giao lưu, tham quan, du lịch nội địa và quốc tế tăng. Những yếu tố đó là điều kiện để dịch bùng phát và lan nhanh ra diện rộng nếu không có những phương án đề phòng. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh, các lực lượng chức năng một mặt tăng cường chống gia cầm nhập lậu, kiểm soát tốt gia cầm nội địa. Mặt khác, đã có kinh nghiệm, bài học thực tế của những lần chống cúm gia cầm, ngành y tế và ngành nông nghiệp & phát triển nông thôn rất sẵn sàng cho nhiệm vụ của mình. Bác sĩ Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: song song với công tác tuyên truyền phòng, chống dịch, công tác giám sát, thông tin báo dịch, kiểm tra giám sát phòng, chống dịch và chuẩn bị cơ sở vật chất luôn tuân thủ theo chỉ đạo của ngành; công tác phối hợp liên ngành và phối hợp quốc tế được tăng cường.
Cán bộ thú y huyện Tràng Định tiêm phòng dịch bệnh cho các hộ nuôi vịt đàn – Ảnh: BT |
Tuy vậy, để dịch không xảy ra, mỗi người dân cần nêu cao trách nhiệm của mình với bản thân, gia đình và cộng đồng như không mua và sử dụng gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không tham gia vận chuyển và tiếp tay cho đầu nậu để gia cầm lậu vào nội địa; thực hiện vệ sinh môi trường trong giết mổ, vệ sinh nhà cửa, môi trường, chuồng trại, nhất là khu vực nông thôn. Vấn đề lớn nhất là cần báo cho cơ quan chức năng những biểu hiện bất thường của đàn gia cầm, tuyệt đối không được giấu dịch. Được như vậy, người dân sẽ có một cái tết an toàn và tiếp tục phát triển sản xuất sau tết.
TRẦN KIM
Ý kiến ()