Chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm
Ngày 23/2, Viện Sức khỏe cộng đồng quốc gia Campuchia xác nhận trường hợp dương tính với virus cúm gia cầm A/H5N1 là một bé gái 11 tuổi, trú tại huyện Sithor Kandal, tỉnh Prey Veng (tỉnh giáp biên giới Việt Nam). Ngay sau khi Campuchia xuất hiện trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm A/H5N1 trên người đầu tiên kể từ ca cuối cùng được phát hiện vào giữa tháng 3/2014, các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long đã chỉ đạo việc kiểm soát vận chuyển, mua bán gia cầm.
Đeo nhẫn số cho đàn gà giống trước khi xuống chuồng. (Ảnh PHÙNG CẢNH) |
Hiện nay, tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chưa ghi nhận ca bệnh cúm gia cầm trên người. Tuy nhiên, để chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm, các tỉnh đang kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, mua bán gia cầm và tiêm vắc-xin phòng, chống dịch.
Kiểm soát chặt chẽ
Cánh đồng lúa xã biên giới Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã bước vào mùa thu hoạch vụ lúa đông xuân. Theo Ủy ban nhân dân xã Thường Thới Hậu A, dự kiến 15 ngày nữa, 900ha đất trồng lúa này sẽ thu hoạch dứt điểm.
Ngay từ ngày đầu thu hoạch lúa, địa phương này cũng đã cho “mở đồng” để người dân, máy móc ra vào được thuận tiện. Nếu như mọi năm, hình ảnh từng đàn vịt chạy đồng trong và ngoài địa bàn được thả lùa về đây, khi mà lúa gặt đến đâu, vịt chạy đồng nối đuôi nhau đến đó. Nhưng năm nay, điều khiến chúng tôi bất ngờ khi hàng chục héc-ta lúa đã cắt nhưng trên cánh đồng vẫn chưa có đàn vịt chạy đồng nào xuất hiện.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thường Thới Hậu A, Nguyễn Thanh Tuấn cho biết: “Hằng năm, bà con nông dân thu hoạch lúa xong thì có hàng chục nghìn con vịt chạy đồng được người chăn nuôi thả vào cho đi kiếm thức ăn. Năm nay, để chủ động phòng ngừa dịch cúm gia cầm, chúng tôi một mặt tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã, một mặt kiểm soát chặt việc thả nuôi vịt chạy đồng. Theo đó, chúng tôi đã rà soát lại tổng số hộ và số vịt hiện có trên địa bàn xã. Đồng thời, đối với những chủ vịt nào có giấy chứng nhận tiêm phòng thì mới cho vịt vào đồng”.
Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp quản lý, bảo vệ tuyến biên giới dài hơn 17km thuộc 2 xã Tân Hộ Cơ và Bình Phú. Đơn vị thường xuyên trao đổi với lực lượng bảo vệ biên giới của tỉnh Prey Veng để nắm tình hình dịch bệnh, kịp thời tham mưu ủy ban nhân dân các cấp và báo cáo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, có giải pháp ứng phó, phòng dịch cúm gia cầm. Đồn tích cực trong phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền trong nhân dân về tình hình dịch bệnh ở nước bạn để chủ động phòng, chống.
Trường hợp ca tử vong do dịch cúm gia cầm tại huyện Sithor Kandal, tỉnh Prey Veng cách Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà hơn 100km. Những ngày qua, cửa khẩu này được lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ. Trung tá Thân Văn Cường, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các trạm chốt của đơn vị tăng cường tuần tra, kiểm soát khép kín biên giới nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp mua bán, vận chuyển trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm qua lại biên giới”.
Bên cạnh sự tích cực tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh của các địa phương, sự tuần tra kiểm soát của các cán bộ, chiến sĩ biên phòng, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, ngành thú y cũng thường xuyên đi địa bàn khảo sát, kiểm tra.
Hiện nay, tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chưa ghi nhận ca bệnh cúm gia cầm trên người. Tuy nhiên, để chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm, các tỉnh đang kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, mua bán gia cầm và tiêm vắc-xin phòng, chống dịch.
Phó Chi cục trưởng Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp Bạch Tuấn Kiệt cho biết: “Chúng tôi đã cử đoàn cán bộ đi trực tiếp khảo sát khu vực biên giới ở các huyện, thành phố để kiểm tra, nắm tình hình gia súc, gia cầm vận chuyển qua biên giới. Đồng thời nhắc nhở các cán bộ trực trạm kiểm dịch phải thường xuyên có mặt 24/24 giờ để giám sát chặt chẽ tình hình dịch cúm gia cầm”.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang, toàn tỉnh hiện có tổng đàn gia cầm ước khoảng 5,7 triệu con (gà 3,6 triệu con, vịt 2 triệu con). Trong đó, Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Kiên Giang có 16 trại gà quy mô 215.000 con/lứa tập trung tại các huyện Giang Thành, Hòn Đất, Giồng Riềng, An Minh và một trại vịt 15.000 con/lứa tại huyện Giang Thành, được nuôi gia công theo hình thức trang trại khép kín được tiêm phòng đầy đủ vắc-xin phòng bệnh. Còn lại phần lớn chăn nuôi nông hộ, phân tán, khó tiêm phòng đồng loạt.
“Chúng tôi sẽ tăng cường nắm bắt thông tin, giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là trên tuyến biên giới và hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, nuôi vịt chạy đồng… để kịp thời phát hiện, khoanh vùng, xử lý dứt điểm; tiếp tục cấp phát hóa chất sát trùng chăn nuôi; tiêm phòng bổ sung vắc-xin cúm gia cầm đạt tỷ lệ 80% gia cầm thuộc diện tiêm; tăng cường thanh tra chuyên ngành, kiểm soát giết mổ, kiểm dịch tại các tuyến giao thông chính tiếp giáp hai tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và phương tiện vận chuyển động vật từ tỉnh ngoài vào thành phố Hà Tiên, thành phố Phú Quốc qua tuyến Quốc lộ 80”- Phó Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang Nguyễn Đình Xuyên cho biết.
Nhằm ngăn chặn bệnh cúm gia cầm xâm nhiễm do vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan, chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai tổ chức kiểm tra. Nếu phát hiện phải xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm, các sản phẩm gia cầm trái phép; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam. Nghiêm cấm việc mua, bán gia cầm, các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc từ Campuchia vào tỉnh.
Tại Đồng Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chủ động phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nghiêm việc kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới, đặc biệt tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở.
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc gia Giang Thành kiểm tra người và phương tiện qua lại khu vực biên giới. |
Cấp bách tiêm vắc-xin cho gia cầm
Toàn tỉnh Đồng Tháp có khoảng 3,5 triệu con vịt và gà. Trong bối cảnh tỉnh Prey Veng (Campuchia) đã xuất hiện ca nhiễm và có trường hợp tử vong trên người do cúm A/H5N1, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp phối hợp các đơn vị, địa phương đang đẩy mạnh tiêm vắc-xin cúm gia cầm. Hiện nay, tỉnh đang trong giai đoạn tiêm phòng cúm gia cầm đợt 1 năm 2023, kéo dài từ ngày 1/1 đến 31/5. Tính từ ngày 1/1/2023 đến giữa tháng 2/2023, so với số lượng tổng đàn thuộc diện tiêm phòng vắc-xin cúm, Đồng Tháp đã tiêm mũi 1 cho gà đạt tỷ lệ 4,9%, cho vịt đạt 18,7%; tiêm mũi 2 cho vịt đạt 10,47%.
“Chi cục đã chỉ đạo nhân viên thú y cơ sở tăng cường giám sát dịch bệnh, đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc-xin cúm cho đàn gia cầm và tổ chức tiêm phòng bổ sung, tiêm phòng theo lứa tuổi khi có gia cầm mới phát sinh, nhằm sớm bao phủ vắc-xin”, Phó Chi cục trưởng Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp Bạch Tuấn Kiệt cho biết.
Theo Phó Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang Nguyễn Đình Xuyên, thời tiết thời gian tới diễn biến phức tạp, bất lợi cho sức đề kháng của vật nuôi, nhưng thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, phát tán. Do đó, ông Xuyên cho rằng nguy cơ xâm nhiễm, phát sinh cúm A/H5N1 và các chủng virus cúm nguy hiểm trên đàn gia cầm của tỉnh Kiên Giang thời gian tới là rất cao.
Nhận thức mối nguy cơ này, thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang đã chủ động giám sát, nắm bắt tình hình chăn nuôi, tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc-xin cúm gia cầm hằng tháng cho đàn gia cầm (bình quân hơn 200.000 liều/tháng); lũy kế đã tiêm gần 600.000 liều và đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai tiêm trên diện rộng. Riêng các trang trại chăn nuôi gia cầm của Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Kiên Giang đã tự tiêm hơn 20.000 liều. Cấp 1.927 lít benkocid miễn phí cho các hộ chăn nuôi tự phun xịt, khử trùng khu vực chăn nuôi.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, sở đã ra công văn yêu cầu phòng nông nghiệp 11 huyện, thị xã, thành phố tham mưu ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo các trạm chăn nuôi và thú y phối hợp trạm khuyến nông, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, tổ thủy sản và ban nông nghiệp các xã, phường, thị trấn nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác phối hợp phòng, chống dịch bệnh; kết hợp thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với việc giám sát dịch bệnh và tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch bệnh, tuyên truyền tính chất nguy hiểm của cúm A/H5N1…
Ý kiến ()