Chủ động phòng chống dịch bệnh mùa hè
LSO-Cùng với cả nước, Lạng Sơn đã thực sự bước vào những ngày hè với những đợt nắng nóng lên tới 35-360C. Lúc này công tác phòng chống dịch bệnh mùa hè đã và đang được ngành y tế quan tâm và triển khai.
Cán bộ Trạm Y tế phường Vĩnh Trại tiêm chủng cho trẻ em trong chiến dịch tiêm phòng sởi |
Về bệnh sởi, đúng như dự báo của ngành y tế, sau tuần nghỉ lễ 30/4&1/5, số người bị sốt phát ban nghi sởi có tăng lên so với những tuần cuối tháng 4. Lũy kế đến hết ngày 18/5/2014, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 110 trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Qua xét nghiệm 21 mẫu, đã có 8 trường hợp mắc sởi, trong đó có 3 trường hợp là người lớn từ 19-33 tuổi và 3 trường hợp là trẻ em. Tuân thủ phác đồ điều trị và những kinh nghiệm tích lũy được, Khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện đa khoa tỉnh và các trung tâm y tế đã điều trị kịp thời, không để xảy ra biến chứng nặng và tử vong.
Công tác tiêm vét vacxin phòng sởi đã được thực hiện một cách nghiêm túc. Tính đến hết ngày 15/5/2014, toàn tỉnh đã có 7.753 trẻ được tiêm vét/8043 trẻ, đạt tỷ lệ 96,3%, tăng 1,3% so với chỉ tiêu Bộ Y tế giao, trong đó hầu hết các huyện đều đạt trên 95%, trừ huyện Văn Quan mới đạt 87%. Tuy không nằm trong tốp 11 tỉnh trọng điểm phải nâng tuổi tiêm cho trẻ từ 2-10 tuổi, song Trung tâm y tế dự phòng tỉnh vẫn theo dõi sát diễn biến của bệnh sởi và sự chính xác trong báo cáo của các địa phương và sẽ xin Bộ Y tế cho nâng tuổi tiêm ở từng huyện nếu thấy cần thiết. Về bệnh Ru be la, thủy đậu và tay- chân- miệng, Lạng Sơn là địa bàn có số mắc thấp và giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2013 với dăm bảy ca lẻ tẻ tại một số địa phương. Đây là thực trạng đáng mừng vì chúng ta không phải đương đầu tình trạng “bệnh chồng bệnh” như những địa phương khác, nhất là các tỉnh phía nam.
Song song với chiến dịch tiêm vét vacxin phòng sởi, đề phòng bệnh sởi quay trở lại, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế tại hội nghị phòng chống dịch bệnh mùa hè ngày 15/5/2014, ngành y tế Lạng sơn đã triển khai nhiều công việc. Theo đó, tăng cường phòng chống bệnh sởi, bệnh dại, bệnh sốt xuất huyết ở mức độ cao; duy trì công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm như H5N1, H7N9. Song song với phòng chống các dịch bệnh lưu hành trên phạm vi cả nước, ngành y tế quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh mùa hè, siết chặt quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có thức ăn đường phố, phòng tránh ngộ độc thực phẩm cho người dân. Tăng cường thực hiện công tác vệ sinh môi trường, theo dõi, khoanh vùng, quản lý bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, nhất là những vùng thường có sự giao lưu, thăm thân với người trong vùng lưu hành sốt rét.
Đối với trẻ em, đã bước vào giai đoạn nghỉ hè của học sinh các cấp, không còn môi trường tâp trung đông người và như vậy, cơ hội phát tán, lây truyền ra cộng đồng sẽ giảm. Tuy vậy, nhiều gia đình do bận bịu với công việc, ít có điều kiện chăm sóc, theo dõi con em mình về sinh hoạt, ngay giờ giấc ăn ngủ cũng không được nền nếp như ở trường. Bị đảo lộn trong sinh hoạt và ăn uống, trẻ em thường có nguy cơ mắc các loại bệnh về đường tiêu hóa; thậm chí do ăn uống kém, trẻ bị suy giảm miễn dịch và bị các loại vi rút tấn công. Theo quy luật, mùa hè với thời tiết nắng nóng, các bệnh về đường hô hấp đặc biệt là sởi, cúm… sẽ giảm; song các loại bệnh lây qua đường tiêu hóa sẽ tăng, trong đó có bệnh tay- chân-miệng.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khuyến cáo các gia đình phải đặc biệt theo dõi trẻ ngay từ tháng đầu của kỳ nghỉ hè khi về sinh hoạt với gia đình hoặc thay đổi nơi gửi trẻ. Bồi dưỡng những kiến thức sơ đẳng về cách phát hiện bệnh sốt phát ban nghi sởi, rubela, thủy đậu, tay-chân-miệng, các bệnh do rối loạn đường tiêu hóa để theo dõi và đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và điều trị. Cố gắng trong điều kiện có thể, chăm lo cho trẻ có được những bữa ăn tương đương như ở trường về cả chế độ dinh dưỡng, thói quen dinh dưỡng và giờ giấc để hệ tiêu hóa của trẻ không bị thay đổi quá đột ngột, tạo điều kiện cho vi rút xâm nhập và gây bệnh.
Cùng với việc chăm sóc trẻ tại nhà, việc quản lý trẻ cần phải được các gia đình lưu tâm để tránh những tai nạn sinh hoạt đáng tiếc xảy ra như ngã cây, đuối nước, say nắng. Tránh đưa trẻ đi chơi, đi tham quan xa vào những ngày nắng nóng, đến những tỉnh từng bùng phát bệnh sởi, hoặc lưu hành bệnh tay-chân-miệng, nhất là các tỉnh miền nam.
MINH HỒNG
Ý kiến ()