Chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
LSO-Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không xuất hiện các ổ dịch lớn, phức tạp. Tuy nhiên, nguy cơ về dịch bệnh gia súc, gia cầm vẫn luôn tiềm ẩn, đòi hỏi công tác phòng, chống phải luôn chủ động. Theo đánh giá của Chi cục Thú y, hiện nay thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa nắng nóng, đây chính là cơ hội cho các mầm bệnh tái bùng phát thành dịch như: bệnh lở mồm long móng gia súc, bệnh tai xanh ở lợn, bệnh cúm gia cầm, bệnh dại ở chó, mèo...
Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi tại khối 8, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn |
Xuất hiện các ổ bệnh nhỏ
Ngay từ đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ổ bệnh cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm ở thôn Kéo Phị A, xã Bằng Hữu, huyện Chi Lăng. Cụ thể, ngày 2/1/2016, nhận được tin báo gia cầm chết bất thường, cán bộ thú y đã kiểm tra và phát hiện triệu chứng điển hình của loại bệnh này.
Ngay sau đó, Chi cục Thú y đã chỉ đạo trạm thú y huyện phối hợp cùng Ban chỉ đạo phòng chống dịch xã Bằng Hữu thực hiện ngay các biện pháp chống dịch đồng bộ như: tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, lấy mẫu giám sát chủ động ở đàn gia cầm xung quanh ổ dịch, đàn gia cầm các xã giáp ranh và gia cầm được buôn bán tại các chợ Vạn Linh, thị trấn Đồng Mỏ. Đồng thời tiêu hủy 411 con gia cầm.
Cũng trong khoảng cuối năm 2015, đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số ổ bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc tại 44 hộ của 6 thôn trên địa bàn 5 xã thuộc 2 huyện là Văn Quan và Văn Lãng, tổng số gia súc mắc bệnh là 93 con.
Diễn biến mới trong đợt phát bệnh lần này là cán bộ thú y đã xác định 21 con lợn bị mắc lở mồm long móng trên địa bàn huyện Văn Lãng. Điều đáng nói là hầu hết số lợn này đều được các hộ gia đình mua từ các thương lái, không rõ nguồn gốc, sau đó phát bệnh và lây lan sang các gia súc khác.
Cùng với việc xuất hiện các ổ bệnh, từ đầu năm đến nay, thông qua việc lấy mẫu giám sát dịch bệnh, cơ quan chuyên môn đã phát hiện thấy vi rút cúm gia cầm chủng A/H5N6 lưu hành trên vịt được buôn bán tại chợ Hội Hoan, huyện Văn Lãng. Cùng với đó là trong thời gian gần đây tình trạng lợn xuất khẩu qua địa bàn, một số không xuất được, quay đầu về nội địa cũng gây nguy cơ tiềm ẩn lây nhiễm dịch bệnh.
Điểm lại những diễn biến đáng chú ý về dịch bệnh gia súc, gia cầm từ đầu năm đến nay để thấy rằng, mặc dù không xuất hiện các ổ dịch bệnh lớn, phức tạp, nhưng nguy cơ xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh luôn tiềm ẩn.
Chủ động phòng chống
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: cùng với các nguy cơ, điều kiện thời tiết giao mùa hiện nay cũng rất dễ gây bùng phát dịch bệnh. Chính vì vậy, Chi cục Thú y đã chỉ đạo trạm thú y các huyện, thành phố tham mưu cho các huyện, thành phố tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Trong đó chú trọng đến phun tiêu độc khử trùng và triển khai tốt kế hoạch tiêm phòng. Đồng thời phối hợp với trạm khuyến nông tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chăn nuôi an toàn.
Công tác giám sát dịch bệnh tiếp tục được tăng cường, phối hợp với dự án FAO/Cơ quan Thú y Vùng 2 triển khai lấy mẫu giám sát vi rút Cúm A/H5N1, H5N6, H7N9 tại 4 chợ trên địa bàn tỉnh (Na Dương, huyện Lộc Bình; Thất Khê, huyện Tràng Định; Hội Hoan, huyện Văn Lãng; Đồng Đăng, huyện Cao Lộc). Đồng thời phân công cán bộ kỹ thuật kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh ở các thôn bản, các cơ sở chăn nuôi, đảm bảo phát hiện nhanh, chẩn đoán chính xác, báo cáo kịp thời và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống khi có dịch xảy ra.
Ông Nguyễn Nam Hùng cho biết thêm: Ngoài ra, Chi cục thú y cũng đang tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, kiểm tra vệ sinh thú y. Phối hợp với các lực lượng chức năng ngăn chặn, bắt giữ, tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật nhập lậu không rõ nguồn gốc, lưu thông trên địa bàn của tỉnh. Nỗ lực hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ dịch bệnh trong nội địa và triệt tiêu các nguy cơ xâm nhiễm.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()