Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi
(LSO) – Hiện nay, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên thế giới và trong nước đang có những diễn biến phức tạp. Để phòng dịch bệnh bùng phát và ngăn ngừa nguy cơ xâm nhiễm, ngành chức năng và người dân đã chủ động thực hiện các biện pháp.
Với gia trại quy mô trên 200 con lợn, gia đình ông Lý Văn Tiến, thôn Cảo, xã Vân Nham (Hữu Lũng) thường xuyên chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn. Ông Tiến cho biết: Để đàn lợn phát triển tốt, ngoài khâu chọn giống, gia đình tôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng định kỳ các loại bệnh. Cùng với đó, thực hiện phun tiêu độc khử trùng chuồng nuôi 1 lần/tháng. Qua đó, đàn lợn phát triển tốt, không xảy ra bệnh dịch, cho hiệu quả kinh tế. Hiện nay, ngoài các biện pháp trên, gia đình tôi giám sát chặt chẽ, không cho đàn lợn ăn thức ăn thừa, phòng ngừa bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Lạng Sơn phun tiêu độc khử trùng tại chợ Giếng Vuông
Trên địa bàn huyện Hữu Lũng hiện có 14.300 con trâu, 4.300 con bò, 50.000 con lợn, 900.000 con gia cầm. Để không xảy ra dịch bệnh, UBND huyện có các văn bản chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện tiêm phòng tụ huyết trùng, tiên mao trùng, lở mồm long móng cho gần 12.000 con trâu, bò; tiêm phòng dịch tả, lép-tô, tụ huyết trùng cho gần 63.000 lượt con lợn; niu-cát-xơn, tụ huyết trùng cho gần 135.000 con gia cầm. Vì vậy, đàn vật nuôi phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra.
Để tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, vào thời điểm cuối tháng 8, đầu tháng 9 này, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn thực hiện tháng phun tiêu độc khử trùng; tăng cường phòng, chống và chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Hiện các cơ quan, đơn vị chủ động triển khai các biện pháp, trong đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cấp 600 lít thuốc sát trùng cho các xã, thị trấn để thực hiện phun tiêu độc khử trùng các địa điểm như: chuồng trại chăn nuôi, chợ buôn bán gia súc, gia cầm, điểm giết mổ… thực hiện phun xong trong tháng 9 này.
Tại huyện Văn Lãng, ông Đinh Long Xuyên, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi luôn được chú trọng thực hiện, vì vậy, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi ổn định, chỉ xảy ra bệnh nhỏ lẻ và được xử lý kịp thời như: Niu-cát-xơn, tụ huyết trùng ở gia cầm; bệnh tiêu chảy, viêm phổi, đóng dấu ở lợn; tiên mao trùng ở trâu, bò; không có dịch bệnh lớn, nguy hiểm xảy ra. Hiện nay, cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn đang tích cực triển khai tháng phun tiêu độc khử trùng. Đến nay, huyện tiếp nhận 250 lít thuốc sát trùng, cấp phát cho các xã, thị trấn; thành lập tổ phun tập trung tại 6 xã, thị trấn. Cùng với đó, tăng cường kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn.
Người dân xã Vân Nham (Hữu Lũng) vệ sinh chuồng trại cho đàn lợn
Không chỉ hai huyện trên, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã và đang chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 112 nghìn con trâu, bò; 303 nghìn con lợn; 4,1 triệu con gia cầm. Để phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, cơ quan chức năng triển khai các biện pháp như: tiêm phòng dịch bệnh, phun tiêu độc khử trùng,… Theo đó, trong gần 9 tháng năm 2018, cơ quan chuyên môn tiêm phòng lở mồm long móng, tụ huyết trùng, tiên mao trùng cho trên 91.000 lượt con trâu, bò; tiêm dịch tả, lép-tô, tụ huyết trùng cho gần 202.000 con lợn; tiêm phòng niu-cát-xơn, tụ huyết trùng cho gần 512.000 lượt con gia cầm.
Trong 8 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số ổ dịch bệnh như: lở mồm long móng, tụ huyết trùng ở trâu, bò với tổng số con mắc là 100 con, xảy ra tại 3 huyện: Văn Quan, Bình Gia, Đình Lập; với sự chủ động của cơ quan chức năng, các ổ bệnh được khoanh vùng, khống chế và xử lý kịp thời, không để lây lan diện rộng. Đến thời điểm hiện nay, đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra.
Cùng với tiêm phòng, công tác kiểm dịch, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm và kiểm soát phương tiện chở gia súc, gia cầm lưu thông qua địa bàn tỉnh được triển khai quyết liệt. Từ đầu năm 2018 đến ngày 15/9, lực lượng chức năng đã kiểm dịch vận chuyển ngoại tỉnh hơn 2.000 chuyến xe ô tô chở các loại gia súc, gia cầm vào tỉnh. Qua đó, góp phần ngăn chặn hiệu quả mầm bệnh lây nhiễm vào địa bàn.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Thời gian qua, chi cục tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Trong đó, thực hiện tháng phun tiêu độc khử trùng (tháng 9/2018), hiện nay, chi cục đã cấp gần 4.000 lít thuốc sát trùng; 3.300 khẩu trang; 3.200 găng tay; 160 đôi ủng, các huyện, thành phố tiến hành phun từ ngày 10/9 đến 10/10 sẽ thực hiện xong. Cùng với đó, chi cục phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm qua địa bàn… Qua đó, không để phát sinh dịch bệnh và ngăn chặn sự xâm nhiễm các bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi.
ĐỖ HOẠT- TRÍ DŨNG
Ý kiến ()