Chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi
LSO-Huyện Văn Lãng hiện có gần 14.000 con trâu, bò; 22.600 con lợn; 263.000 con gia cầm. Để đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, hạn chế sự phát sinh, lây lan dịch bệnh, các cấp chính quyền huyện và người chăn nuôi đã chủ động các giải pháp phòng chống.
Người dân xã Trùng Quán phát triển chăn nuôi lợn thịt |
Là hộ chăn nuôi nhiều với 500 con gà, 100 con vịt, gần 50 con lợn/lứa, ông Lương Gia Khánh, thôn Tồng Kịt, xã Trùng Quán luôn chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Ông Khánh cho biết: Những năm qua, gia đình luôn thực hiện tiêm phòng đầy đủ, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ cho đàn vật nuôi. Khi có biểu hiện của bệnh, tôi đều báo với thú y viên xã để được hướng dẫn điều trị kịp thời. Ngoài ra, tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi để chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Từ đầu năm 2017 đến nay, tôi đã phun tiêu độc khử trùng chuồng trại 2 lần, tiêm vắc-xin phòng bệnh tụ huyết trùng, niu-cát-xơn cho đàn gà, lở mồm long móng, tụ huyết trùng cho đàn lợn. Với sự chủ động đó, trong 5 năm trở lại đây đàn vật nuôi phát triển ổn định, không bị các dịch bệnh lớn xảy ra, góp phần tăng thu nhập trên 100 triệu đồng/năm từ chăn nuôi hiệu quả.
Qua tìm hiểu, không chỉ gia đình ông Khánh, nhiều hộ chăn nuôi đều có ý thức trong phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Ngoài ý thức chủ động phòng bệnh cho đàn vật nuôi của bà con, ngay từ đầu năm, UBND huyện Văn Lãng đã ban hành văn bản chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn huyện, UBND các xã, thị trấn chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn chặn có hiệu quả nguy cơ phát sinh và lây lan các dịch bệnh nguy hiểm ở động vật trên địa bàn toàn huyện năm 2017.
Theo đó, các đơn vị đã triển khai tích cực nhiều giải pháp, là đơn vị trực tiếp theo dõi tình hình dịch bệnh, Trạm Thú y huyện chủ động nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh. Cụ thể, Trạm phối hợp với các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh để người dân nhận thức được tính chất nguy hiểm của các bệnh truyền nhiễm ở gia súc, gia cầm và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống; hướng dẫn các hộ chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, kinh doanh sản phẩm động vật tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật; chủ động khai báo khi có dịch bệnh xảy ra, chấp hành nghiêm việc tiêu hủy, chôn lấp xác động vật chết để nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Trạm Thú y huyện còn chỉ đạo nhân viên thú y cơ sở tích cực theo sát việc chăn nuôi cũng như thực hiện vệ sinh thú y của các hộ chăn nuôi. Thường xuyên giám sát tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm đến tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời dịch bệnh gia súc, gia cầm. Ông Chu Văn Khánh, Trưởng Trạm Thú y huyện cho biết: Để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, trạm đã tiến hành phun tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi trên địa bàn huyện. Đồng thời yêu cầu các xã, thị trấn thống kê số lượng đàn gia súc, gia cầm để triển khai tiêm phòng vắc xin đợt I/2017. Bên cạnh đó, trạm phân công cán bộ trực tiếp xuống cơ sở, thực hiện giám sát dịch bệnh tới tận hộ chăn nuôi; hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng gia súc, gia cầm, phun tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã tiêm phòng tiên mao trùng cho 48 con trâu, bò; dịch tả lợn được 2.200 con; tụ huyết trùng, niu cát xơn được gần 22.000 con gia cầm. Hiện đàn vật nuôi ổn định, không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm. Trong tháng 4 và 5 trạm tiếp tục triển khai kế hoạch tiêm phòng cho đàn vật nuôi.
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()