Chủ động phòng chống cúm gia cầm
(LSO) – Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số ổ bệnh cúm gia cầm A/H5N6 tại các huyện: Tràng Định, Cao Lộc, Chi Lăng. Để phòng chống bệnh có hiệu quả, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân cần tiếp tục chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp.
Cuối tháng 7/2019, gia đình ông Lý Văn Hiện, thôn Nà Mò, xã Lộc Yên (Cao Lộc) phát hiện đàn gia cầm (gà, vịt) của gia đình bị ốm, có triệu chứng khó thở, ủ rũ, phân vàng, bỏ ăn, chảy nước dãi,… với tổng số 53 con. Từ ngày 27/7 đến 30/7, đàn gia cầm của gia đình ông Hiện có 16 con gà bị chết. Khi phát hiện đàn gà bị ốm với các triệu chứng như trên, ông Hiện đã báo chính quyền xã. Ngay sau đó, cơ quan chuyên môn huyện xuống kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm. Ngày 1/8/2019, khi nhận được kết quả mẫu bệnh phẩm xét nghiệm dương tính với vi rút cúm A/H5N6 của Chi cục Thú y Vùng II, cán bộ, nhân viên Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Cao Lộc và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của xã Lộc Yên tiến hành tiêu hủy toàn bộ số gia cầm của gia đình ông Hiện.
Nhân viên Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Lạng Sơn phun tiêu độc khử trùng tại chợ Giếng Vuông
Tại xã Gia Cát (Cao Lộc), ngày 23/7/2019, cơ quan chuyên môn xác định đàn gia cầm tại gia đình bà Đoàn Thị Viện, thôn Cổ Lương có triệu chứng điển hình của cúm A/H5N6. Ngay sau đó, cơ quan chuyên môn tiêu hủy toàn bộ 63 con gia cầm của bà Viện. Bà Viện cho biết: Ngày 7/7/2019, tôi mua 5 con vịt giống tại chợ Bản Ngà về nuôi nhốt chung với đàn gia cầm của gia đình, ngay sau đó xảy ra sự việc như trên.
Ông Vũ Hồng Quân, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cao Lộc cho biết: Ngay sau khi có kết quả mẫu bệnh dương tính với vi rút cúm A/H5N6, trung tâm phối hợp cơ quan chức năng, UBND xã tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm của các hộ trên. Đồng thời, triển khai các biện pháp khoanh vùng, tránh lây lan. Qua đó, đến nay, sau hơn 30 ngày không phát hiện ổ bệnh mới, không có gia cầm ốm, chết. Nguyên nhân phát sinh cúm gia cầm tại 2 hộ trên chưa xác định được rõ. Tuy vậy, đối với ổ dịch tại xã Gia Cát, chúng tôi nghi do lây nhiễm từ gia cầm mua ngoài chợ; tại ổ dịch xã Lộc Yên, nghi do lây nhiễm từ không khí, do chim bay từ vùng có dịch đến… Vì vậy, để phòng, chống bệnh cúm gia cầm hiệu quả, trung tâm tiếp tục triển khai các biện pháp về kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; triển khai phun tiêu độc khử trùng sau các buổi họp chợ tại chợ Bản Ngà và chợ Đồng Đăng… Hiện toàn huyện Cao Lộc có gần 220 nghìn con gia cầm.
Từ đầu năm 2019 đến nay, cúm gia cầm A/H5N6 không chỉ xảy ra tại Cao Lộc, mà còn xảy ra tại các huyện: Chi Lăng, Tràng Định. Theo đó, tại Chi Lăng, ngày 26/7/2019, cơ quan chuyên môn xác nhận xảy ra 1 ổ bệnh cúm gia cầm A/H5N6 tại thị trấn Đồng Mỏ, tiêu hủy 36 con gia cầm. Tại huyện Tràng Định, từ tháng 4 đến tháng 6/2019, xảy ra 5 ổ bệnh cúm gia cầm tại các xã: Đại Đồng, Đề Thám, Quốc Khánh, Bắc Ái; đã tiêu hủy 2.474 con gia cầm, 550 quả trứng vịt. Cơ quan chuyên môn các huyện, xã trên đã triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý, đến nay không phát sinh ổ bệnh mới.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 4,6 triệu con gia cầm, từ đầu năm đến nay, công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tiếp tục được cơ quan chức năng tích cực triển khai. Trong đó, Chi cục Thú y, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố phối hợp lấy mẫu giám sát bệnh cúm gia cầm tại các chợ buôn bán gia cầm trên địa bàn tỉnh; tiêm phòng niu cát xơn được gần 250 nghìn lượt con, tụ huyết trùng được 224 nghìn lượt con gia cầm; kiểm dịch vận chuyển gần 78 nghìn con, kiểm soát giết mổ 61,5 nghìn con gia cầm.
Mặc dù khống chế kịp thời, không để lây lan dịch bệnh, nhưng nguyên nhân phát sinh cúm gia cầm chưa xác định được chính xác. Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Cúm gia cầm A/H5N6 xảy ra trên địa bàn thời gian qua chưa xác định chính xác được nguyên nhân mà chỉ nghi do một số nguyên nhân như: người dân mua gia cầm không rõ nguồn gốc; lây nhiễm từ gia cầm vận chuyển qua địa bàn; lây nhiễm qua không khí… Vì vậy, để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn, người dân cần mua gia cầm rõ nguồn gốc; chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; tiêm phòng các bệnh để tăng sức đề kháng. Cùng với đó, khi phát hiện gia cầm có các triệu chứng bất thường, phải thông báo ngay cho cơ quan chuyên môn để xử lý kịp thời, hiệu quả.
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()