Chủ động phòng chống cúm gia cầm
LSO-Lạng Sơn là tỉnh biên giới giáp với Trung Quốc, trước tình hình dịch cúm gia cầm A/H7N9 xảy ra tại Trung Quốc từ đầu năm 2017 đến nay, cùng với các cấp, các ngành trong tỉnh, Chi cục Thú y đã chủ động triển khai các giải pháp để phòng chống.
Cán bộ Trạm Thú y thành phố phun tiêu độc khử trùng tại khu vực buôn bán gia cầm chợ Giếng Vuông, thành phố Lạng Sơn |
Ông Hà Viết Nhân, cán bộ trạm Thú y thành phố Lạng Sơn cho biết: Để phòng chống xâm nhiễm cúm gia cầm, hằng ngày từ 15 giờ đến 17 giờ chúng tôi đều tiến hành phun tiêu độc khử trùng tất cả các ô chợ khu vực buôn bán gia cầm. Cùng với đó, tổ chức kiểm dịch vận chuyển, kiểm tra vệ sinh thú y đối với các hộ buôn bán, vận chuyển gia cầm trong chợ; tuyên truyền cho các hộ buôn bán gia cầm và người dân nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của dịch cúm gia cầm. Từ đó không buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; không tham gia vận chuyển gia cầm, các sản phẩm gia cầm nhập lậu hoặc tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu.
Ông Lý Minh Hải, Trạm trưởng Trạm Thú y thành phố cho biết: Để phòng chống cúm gia cầm trên địa bàn, trạm tham mưu cho UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các phòng ban, cơ quan chức năng triển khai các biện pháp ngăn chặn. Đồng thời, trạm tiến hành phun tiêu độc khử trùng sau mỗi phiên chợ tại các chợ buôn bán gia cầm trên địa bàn thành phố. Trong đó, đối với chợ Giếng Vuông, khu vực buôn bán gia cầm thực hiện phun vào cuối giờ chiều hằng ngày. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc, trạm sẽ báo cáo để xử lý. Trường hợp nếu phát hiện có cúm gia cầm ở chợ, thì sẽ đóng cửa chợ 7 ngày và thực hiện các biện pháp theo quy định.
Văn Lãng là một trong những huyện biên giới, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm nhiễm cúm gia cầm, vì vậy Trạm Thú y huyện Văn Lãng chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa. Cụ thể như: tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện phòng chống dịch cúm gia cầm A/H7N9; tiến hành phun tiêu độc khử trùng tập trung tại 6 xã, thị trấn có chợ buôn bán gia cầm gồm: Tân Lang, Hoàng Việt, Tân Thanh, Hội Hoan, Hoàng Văn Thụ, Na Sầm. Ngoài ra, cấp thuốc sát trùng cho thú y viên phối hợp UBND các xã, thị trấn tiến hành phun tiêu độc khử trùng tại các thôn, hộ gia đình chăn nuôi gia cầm. Cùng với đó, chỉ đạo thú y viên các xã, thị trấn tuyên truyền cho người dân, nhất là ở 5 xã giáp biên không buôn bán, vận chuyển, tiếp tay cho buôn lậu gia cầm từ Trung Quốc về Việt Nam; không tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc…
Để phòng chống cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh, Chi cục Thú y tỉnh đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các biện pháp phòng chống. Đồng thời, chi cục cũng chỉ đạo trạm thú y các huyện triển khai tăng cường các biện pháp, trong đó, phối hợp với các lực lượng chức năng tiếp nhận và xử lý sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới bị bắt giữ; thực hiện phun tiêu độc, khử trùng tại các chợ buôn bán gia cầm sống sau mỗi phiên chợ; duy trì hoạt động 24/24 giờ tại Trạm kiểm dịch động vật Hữu Lũng; tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật;…
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Gia cầm mắc bệnh cúm A/H7N9 không có biểu hiện lâm sàng (không có biểu hiện bệnh). Vì vậy, từ 1/3/2017, chi cục thành lập 5 tổ lấy mẫu giám sát chủ động trên gia cầm sống ở các chợ trên địa bàn thành phố và các huyện biên giới. Qua đó, nhằm sớm phát hiện vi rút xâm nhập để có hướng xử lý kịp thời, có hiệu quả. Cùng với đó, đã chuẩn bị khoảng 5.000 lít thuốc sát trùng, đảm bảo cấp phun tiêu độc khử trùng trên địa bàn toàn tỉnh.
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()