Chủ động phòng, chống cháy rừng
Vào mùa khô hằng năm, nguy cơ cháy rừng tăng cao, các địa phương có rừng lại bước vào thời kỳ cao điểm phòng, chống cháy. Tuy vậy, nhiều vụ cháy rừng đáng tiếc vẫn xảy ra, để lại bài học sâu sắc cho lực lượng chức năng và cộng đồng xã hội.
Năm 2016, cả nước đã xảy ra hàng chục vụ cháy rừng, gây thiệt hại hơn 3.000 ha rừng. Năm 2017, một năm được đánh giá về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng có nhiều nỗ lực, cả nước cũng đã để xảy ra 182 vụ cháy rừng, với tổng diện tích rừng bị thiệt hại là hơn 350 ha. Bước sang năm 2018, mặc dù mới chớm bước vào mùa nắng nóng nhưng cháy rừng đã xảy ra tại một số địa phương như Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau, Ðác Lắc, Gia Lai, Lai Châu, Lạng Sơn, Ðiện Biên, Hải Phòng… Các vụ cháy rừng mặc dù chưa gây thiệt hại lớn về người và tài nguyên, song việc tại nhiều nơi có rừng xảy ra cháy cho thấy diễn biến thời tiết khắc nghiệt, ý thức cộng đồng chưa được nâng cao.
Ðể hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, ngay từ bây giờ, các địa phương có rừng cần phải triển khai ngay phương án chữa cháy rừng, huy động khẩn trương các lực lượng tại chỗ và phân công cụ thể lãnh đạo trực tiếp đến các điểm cháy rừng để chỉ đạo việc chữa cháy, không để xảy ra cháy lớn. Mặt khác, cấp ủy, chính quyền các cấp duy trì thường xuyên việc tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy rừng trong cộng đồng dân cư; tổ chức lực lượng thường trực hằng ngày. Các tỉnh chỉ đạo các lực lượng trên địa bàn bố trí nhân sự, phương tiện hỗ trợ chữa cháy rừng trong trường hợp cháy lớn.
Mới đây, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công điện khẩn về việc phòng cháy, chữa cháy rừng. Công điện nêu rõ, hiện nay, tình trạng nắng nóng, khô hạn diễn biến phức tạp, nguy cơ cháy rừng cao, nhiều địa phương có nguy cơ cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm. Chi cục kiểm lâm các tỉnh, thành phố khẩn trương tổ chức đoàn công tác, phối hợp với chính quyền các cấp tại các vùng trọng điểm cháy rừng để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc phòng, chống cháy rừng. Chủ rừng chủ động xử lý thực bì, làm giảm vật liệu cháy ở các khu rừng dễ cháy, làm mới, tu sửa đường băng cản lửa, các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng ở các diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao. Các đơn vị rà soát, xác định vùng trọng điểm cháy rừng trong phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; bố trí các điểm chốt chặn, trạm kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng; bố trí lực lượng, các điểm chốt, trạm canh gác, tuần tra, phương tiện và có phương án chữa cháy rừng cụ thể cho khu vực này. Ðồng thời, duy trì chế độ ứng trực, phát hiện kịp thời điểm cháy; hướng dẫn khách tham quan du lịch tại những khu vực trọng điểm cháy rừng cao.
Cháy rừng làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, thiệt hại kinh tế, cuộc sống xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ðó là những hệ lụy mà hàng chục năm sau con người không dễ khắc phục. Do vậy, việc chủ động phòng ngừa được đặt lên hàng đầu cho cả cộng đồng xã hội, nhất là vào thời điểm nắng nóng, rừng dễ cháy. Cùng với đó, các cấp chính quyền, các lực lượng và người dân cần khẩn trương triển khai các biện pháp chống cháy rừng hiệu quả để hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại đáng tiếc do cháy rừng gây ra.
Theo Nhandan
Ý kiến ()