Chủ động phòng chống các bệnh trong thời điểm giao mùa
LSO-Nhằm đảm bảo phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh mùa đông xuân nói riêng cho người, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ trong giai đoạn giao mùa, ngành y tế tỉnh đã tăng cường chỉ đạo công tác dự phòng, khám chữa bệnh (KCB), truyền thông… để ngăn ngừa dịch bệnh xảy ra, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Cán bộ y tế Lạng Sơn phun khử trùng tại khu vực chợ Giếng Vuông, phòng chống nguy cơ phát sinh dịch bệnh lây lan sang người |
Với thời tiết chuyển mùa đông – xuân, thường tạo ra sự thay đổi về nhiệt độ và độ ẩm, nóng lạnh, hanh khô, nồm ẩm, thuận lợi cho các bệnh như: bệnh đường hô hấp gồm viêm phế quản, viêm phổi và bệnh cảm cúm, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… phát triển. Theo số liệu thống kê của ngành y tế tỉnh, đến hết tháng 2/2017, toàn tỉnh có trên 700 ca mắc bệnh cúm; hơn 260 ca mắc tiêu chảy; thủy đậu gần 80 ca; quai bị trên 130 ca bệnh… đến các trung tâm y tế KCB. Do chủ động trong công tác chuẩn bị thuốc men, KCB tại các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh, nên các ca bệnh mắc đều được điều trị khỏi. Đồng thời, ngành y tế đã tăng cường tuyên truyền về công tác phòng chống dịch bệnh, do vậy thời gian qua tình hình bệnh truyền nhiễm không có diễn biến phức tạp, không có tử vong do mắc bệnh truyền nhiễm, không có bệnh truyền nhiễm lớn xảy ra trên địa bàn.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Ngành y tế tỉnh xác định dịp thời tiết chuyển mùa đông sang xuân là thời điểm thường có nhiều loại vi rút, vi khuẩn phát triển. Do vậy, Trung tâm đã thường xuyên tuyên truyền, phối hợp vận động, kiểm tra giám sát và truyền thông sức khỏe tới toàn thể nhân dân về biểu hiện của các bệnh thường gặp và các cách phòng, chống dịch bệnh. Cùng đó, thực hiện tốt công tác dự trữ, chuẩn bị các loại thuốc điều trị bệnh, thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, góp phần phòng dịch, ngăn ngừa bệnh phát sinh, phát triển.
Trong giai đoạn này, đối tượng dễ mắc bệnh là người già và trẻ nhỏ nên ngành y tế tỉnh cũng đã chú trọng tuyên truyền chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và trẻ em. Riêng đối với các đơn vị trường học, nhất là cấp học mầm non và tiểu học có đối tượng trẻ nhỏ ngành y tế tỉnh đã hướng dẫn cụ thể như: tăng cường công tác vệ sinh trường lớp phòng bệnh; đảm bảo khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng cho trẻ; bố trí chăn thảm cho trẻ ngủ và cửa chắn gió lùa khi lạnh và mở thông thoáng khi thời tiết nóng… nhằm hạn chế điều kiện phát tán các mầm bệnh.
Chị Nguyễn Thị Hương, cán bộ chuyên trách y tế Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Trong những ngày thời tiết thay đổi, các em dễ bị cảm, cúm, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp. Trước những nguy cơ đó, là cán bộ y tế chuyên trách, tôi đã thường xuyên nhắc nhở các em chú ý giữ gìn sức khỏe, nếu có dấu hiệu sức khỏe không tốt cần báo ngay cho thầy cô phụ trách và gặp cán bộ y tế nhà trường để có hướng điều trị. Song song với đó, nhà trường tuyên truyền đến phụ huynh học sinh cách chăm sóc, phòng bệnh cho con tại gia đình, góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho con em mình.
Ngành y tế khuyến cáo, để phòng bệnh hiệu quả, mỗi người cần thực hiện tốt công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở. Đối với trẻ nhỏ, sức đề kháng kém nên các bậc cha mẹ cần vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám bệnh, tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch, hạn chế cho trẻ đến những chỗ đông người… Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
HOÀNG TÙNG
Ý kiến ()