Chủ động phòng chống bệnh sởi
LSO-Hiện nay, cả nước đã có 43 tỉnh, thành phố ghi nhận có bệnh nhân mắc bệnh sởi. Trước những diễn biến phức tạp của dịch sởi, ngành y tế Lạng Sơn đã có sự chuẩn bị chu đáo về công tác dự phòng và điều trị để phòng, chống dịch sởi có nguy cơ bung phát.
Cán bộ Trạm Y tế xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định
tiêm cho trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng
Với chủ trương phát hiện sớm và tránh bỏ sót các trường hợp nghi mắc sởi cũng như kịp thời ngăn chặn nguồn lây cho cộng đồng, ngành y tế đã triển khai đồng bộ các giải pháp.
Đối với công tác dự phòng, từ tháng 12/2018, ngành y tế đã triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi – rubella cho trẻ em từ 1 đến 5 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh. Tính đến hết tháng 1/2019, đã có 54.657/57.272 trẻ trong độ tuổi từ 1 đến 5 tuổi được tiêm vắc xin sởi – rubella (đạt 96,5%), số trẻ còn lại sẽ tiếp tục được tiêm bổ sung trong chương trình tiêm chủng mở rộng định kỳ hằng tháng.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng được ngành y tế tăng cường. Trong chiến dịch tiêm vắc xin sởi – rubella, ngành đã treo 250 tờ áp phích, phát hơn 20.000 tờ rơi về tiêm phòng vắc xin sởi – rubella tại các điểm tổ chức tiêm như: trạm y tế xã, trường mầm non; thông báo hằng ngày trong thời gian triển khai chiến dịch trên hệ thống loa truyền thanh của 226 xã, phường, thị trấn. Do đó, nhận thức của nhân dân được nâng cao, góp phần cho công tác tiêm vắc xin phòng sởi đạt hiệu quả.
Ngoài việc chủ động dự phòng, công tác điều trị cũng được chú trọng nhằm chủ động ứng phó. Tất cả cơ sở điều trị từ tuyến tỉnh đến cơ sở đều được tập huấn nắm bắt lại các nội dung kiến thức về bệnh sởi và công tác điều trị bệnh sởi theo các bước cụ thể. Bác sỹ Kim Ngọc Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Hữu Lũng cho biết: Để nâng cao hiệu quả trong phòng chống dịch sởi, năm 2018, TTYT Hữu Lũng đã tổ chức tập huấn các nội dung kiến thức về bệnh sởi, cách điều trị bệnh cho cán bộ, nhân viên TTYT huyện, trạm y tế xã và nhân viên y tế thôn bản trên địa bàn. Mặt khác, trung tâm đã tăng cường hoạt động giám sát; phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tăng cường giám sát tại các trường học nhằm phát hiện sớm các ổ dịch để có các biện pháp xử lý kịp thời.
Bác sĩ Dương Anh Dũng, Trưởng Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Năm 2019, Lạng Sơn chưa ghi nhận trường hợp nào nghi mắc sởi. Dịch sởi bùng phát theo chu kỳ từ 4 đến 5 năm, năm 2019 được dự báo là năm chu kỳ của dịch sởi quay trở lại. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế, nhân dân cần chủ động thực hiện việc tiêm chủng vắc xin phòng sởi, đây là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tính từ ngày 1/1 đến ngày 19/2/2019, cả nước ghi nhận 5.246 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam và miền Bắc. Các tỉnh, thành phố có số mắc cao là: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Cà Mau, Điện Biên, Yên Bái. Bệnh nhân sởi cao nhất ở nhóm trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, nguyên nhân chủ yếu là không tiêm vắc xin phòng bệnh sởi (chiếm hơn 95%); trong đó, 16% trẻ mắc mới chưa đến tuổi tiêm chủng (bằng hoặc dưới 9 tháng tuổi). |
TRIỆU THÀNH
Ý kiến ()