Chủ động phòng chống bệnh lùn sọc đen hại lúa mùa
(LSO) – Hiện nay, lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh rộ, trong đó, lúa mùa sớm ở giai đoạn đứng cái làm đòng – là thời điểm lúa có nguy cơ bị bệnh lùn sọc đen do lây nhiễm từ rầy lưng trắng truyền nhiễm từ nơi có nguồn bệnh. Để phòng chống bệnh lùn sọc đen, cơ quan chuyên môn, người dân tích cực các biện pháp.
Vụ mùa 2019, gia đình ông Nguyễn Văn An, thôn Đoàn Kết, xã Nhật Tiến (Hữu Lũng) cấy 5 sào lúa. Hiện lúa đang ở giai đoạn đứng cái, làm đòng, thời điểm này, ông An thường xuyên thăm đồng, chăm sóc lúa. Ông An cho biết: qua thăm ruộng tôi phát hiện lúa có biểu hiện không bình thường như: chóp lá xoăn lại, gân lá nổi rõ, sần sùi, cây đẻ nhiều nhánh; trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp trắng,…Cùng với đó, rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại với mật độ cao. Sau đó, tôi thông báo với cơ quan chuyên môn xuống kiểm tra, lấy mẫu, tôi được biết lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen. Toàn bộ 0,5 sào lúa nhiễm bệnh phải nhổ bỏ, phun diệt trừ rầy để tránh lây nhiễm sang diện tích lúa khác.
Vụ mùa năm nay, để phòng trừ bệnh lùn sọc đen hiệu quả, trước khi cấy, ông An vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ bờ ruộng, bờ mương, lúa ở giai đoạn mạ được phun phòng trừ rầy. Đặc biệt, trong giai đoạn lúa hiện nay, ông theo dõi sát sao mật độ rầy gây hại, nếu mật độ lớn sẽ phun diệt trừ; hạn chế bón nhiều phân đạm để tránh cây lúa phát triển bị lốp thân, lá.
Người dân xã Đồng Bục (Lộc Bình) kiểm tra, theo dõi sâu bệnh hại lúa
Hiện nay, trên các cánh đồng của huyện Hữu Lũng, bà con nông dân tích cực chăm sóc lúa nhằm không để sâu bệnh gây hại thành dịch.Hữu Lũng là huyện có diện tích lúa mùa lớn với trên 5.000 ha. Trước đây, trên địa bàn huyện đã xảy ra bệnh lùn sọc đen, lùn xoắn lá trên lúa. Như vụ mùa năm 2017, bệnh lùn sọc đen xảy ra ở thôn Gốc Me, xã Đồng Tân với diện tích 0,1 ha. Nguyên nhân gây bệnh được xác định do rầy lưng trắng truyền nhiễm. Tuy nhiên, nơi nguồn bệnh do rầy lưng trắng lây nhiễm chưa xác định được. Theo ông Dương Mạnh Hùng, cán bộ phụ trách lĩnh vực bảo vệ thực vật (Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện), có thể do rầy lưng trắng mang bệnh lùn sọc đen sống ký sinh trên các bờ cây bụi rậm quanh khu vực đó gây hại; hoặc có thể do rầy lưng trắng mang vi rút lùn sọc đen di trú từ nơi khác đến. Bệnh lùn sọc đen phát sinh không theo quy luật, có năm gây hại ở xã Tân Lập, Thiện Kỵ, có năm gây hại ở xã Minh Tiến, và năm 2017 gây hại ở xã Đồng Tân. Vì vậy, để phòng trừ bệnh lùn sọc đen, ngay từ đầu vụ, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, khuyến nông viên các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân vệ sinh đồng ruộng, phát quang bờ bụi rậm. Hiện nay, lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh rộ, đứng cái, làm đòng – nguy cơ truyền nhiễm bệnh lùn sọc đen do rầy là rất lớn. Vì vậy, trung tâm tăng cường điều tra, dự báo tình hình sâu bệnh gây hại, nhất là rầy lưng trắng. Khi có biểu hiện bệnh lùn sọc đen hoặc mật độ rầy gây hại đến ngưỡng phòng trừ sẽ lấy mẫu xét nghiệm để phòng trừ hiệu quả.
“Hiện nay, rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại với mật độ 100 con đến 150 con/m2, tuy chưa đến ngưỡng phong trừ nhưng người dân cần thăm đồng thường xuyên, bón phân cân đối để phòng trừ bệnh lùn sọc đen hiệu quả” – ông Hùng nhấn mạnh.
Cũng như Hữu Lũng, vụ lúa mùa năm 2017, huyện Lộc Bình đã xảy ra bệnh lùn sọc đen, do rầy lưng trắng truyền nhiễm nhưng không xác định được nguồn bệnh phát sinh. Vì vậy, để phòng trừ bệnh lùn sọc đen, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, khuyến nông viên các xã, thị trấn tuyên truyền hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ ngay từ đầu vụ. Bà Chu Mai Hương, Giám đốc trung tâm cho biết: Bệnh lùn sọc đen do rầy lưng trắng truyền nhiễm, vì vậy, chúng tôi mở rộng tuyến điều tra, để dự báo chính xác tình hình rầy gây hại; sử dụng bẫy đèn để theo dõi mật độ rầy. Khi mật độ rầy cao, chúng tôi sẽ lấy mẫu xét nghiệm và khuyến cáo người dân phun diệt trừ rầy gây hại.
Không chỉ hai huyện trên, cơ quan chuyên môn, người dân các huyện, thành phố trong tỉnh đã và đang tích cực thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa, nhất là phòng trừ rầy lưng trắng để tránh lây nhiễm bệnh lùn sọc đen gây hại.
Ông Hoàng Văn Lợi, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật – Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết: Để phòng chống bệnh lùn sọc đen hiệu quả, cơ quan chuyên môn, người dân cần theo dõi diễn biến rầy gây hại để diệt trừ kịp thời. Bệnh lùn sọc đen xuất hiện chủ yếu ở giai đoạn lúa đẻ nhánh, khi lúa bị bệnh, người dân phải nhanh chóng bao vây, phun trừ rầy lưng trắng bằng các loại thuốc đặc hiệu, sau đó nhổ tiêu hủy những cây bị bệnh. Còn với ruộng lúa bị nhiễm bệnh nặng thì phải tiêu hủy bằng cách cày vùi cả ruộng, trước khi cày vùi phải phun thuốc trừ rầy để tránh phát tán nguồn bệnh.
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()