Chủ động phòng chống bệnh dại trong mùa hè
(LSO) – Bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gặp ở mọi lứa tuổi và có nguy cơ tử vong rất cao. Mùa hè, thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh nhất. Chính vì vậy, việc chủ động phòng, chống bệnh dại trong thời điểm này là rất cần thiết.
Hơn mười ngày trước, trên đường đi làm về, bà H.T.Oanh, trú tại khối 6, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn bị một con chó nhà hàng xóm lao ra tấn công, cắn vào đùi. Sau đó, bà đã đi tiêm phòng, nhưng vẫn chưa hết hoàn hồn vì con chó dữ. Bà Oanh cho biết: “Nghĩ lại, tôi vẫn thấy sợ, tôi nghĩ các gia đình có nuôi chó, mèo cần rọ mõm hoặc xích, nhốt lại, chứ để chúng chạy rông ngoài đường rồi tấn công người như vậy rất nguy hiểm”.
Trường hợp của bà Oanh chỉ là một trong hàng ngàn người bị chó, mèo cắn mỗi năm. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (TTKSBT), trong hai năm: 2018 và 2019, mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 5.000 trường hợp phải tiêm phòng bệnh dại do vật nuôi cắn, chủ yếu là chó; năm 2019 có 1 trường hợp tử vong do bệnh dại. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, đã có 1.894 trường hợp phải tiêm phòng bệnh dại.
Bác sỹ thú y tại Phòng khám thú y thành phố Lạng Sơn tiêm phòng dại cho vật nuôi
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trước hết là do thói quen thả rông vật nuôi của người dân mà không rọ mõm, đặc biệt là ở các vùng nông thôn; công tác tiêm phòng dại cho chó, mèo chưa được người nuôi thực sự quan tâm; một số người dân còn chủ quan, nhận thức chưa đúng về bệnh dại và cách phòng chống…
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Giám đốc TTKSBT tỉnh cho biết: Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính chung cho nhiều loại động vật máu nóng, có vú. Trong đó, chó, mèo chiếm tỷ lệ cao. Hiện nay, bệnh dại chưa có thuốc đặc trị, chỉ có thể phòng hoặc điều trị dự phòng bằng vắc – xin và huyết thanh kháng dại. Do vậy, khi bị chó cắn, người dân cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, xử lý vết thương ban đầu và điều trị kịp thời. Để phòng, chống bệnh dại, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các cơ sở y tế tiến hành tuyên truyền lồng ghép về sự nguy hiểm của bệnh dại và cơ chế lây nhiễm. Qua đó, giúp người dân biết và thực hiện 3 bước khi bị vật nuôi cắn: rửa sạch vết thương, băng gạc và đi tiêm phòng dại.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ước tính có khoảng 133.000 con chó, mèo các loại. Ở nhiều nơi, đặc biệt tại các vùng nông thôn, chó thường nuôi theo đàn và thả rông, tiềm ẩn nguy cơ người dân bị chó cắn rất cao; cộng thêm vào thời điểm nắng nóng nên virus dại dễ phát triển … Vì thế, việc chủ động phòng chống bệnh dại rất cần được quan tâm. Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo sở phối hợp với các huyện, thành phố tăng cường tiêm vắc-xin phòng bệnh dại chó, mèo tập trung. Đồng thời tổ chức tuyên truyền lồng ghép về mối nguy hại từ bệnh dại, nâng cao nhận thức người dân trong việc chủ động tiêm phòng dại cho vật nuôi. Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã tiêm được cho hơn 22.000 con chó, mèo.
Để phòng, chống bệnh dại lây truyền từ động vật sang người, người nuôi chó, mèo cần nâng cao nhận thức, hiểu biết và nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về chăn nuôi động vật; chủ động tiêm phòng dại cho chó, mèo… Đối với người bị chó, mèo cắn, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tiêm phòng. Bên cạnh đó, các địa phương cần quản lý chặt chẽ việc chăn nuôi, vận chuyển, buôn bán chó, mèo và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm quy định về chăn nuôi động vật.
Bệnh dại do virus dại Lyssa và Vesiculo thuộc họ Rhabdoviridae lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ chó và mèo. Virus xâm nhập vào cơ thể qua các vết cắn, vết liếm, vết cào, da, niêm mạc bị tổn thương, vết thương hở. Thời gian ủ bệnh ở động vật có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng, có thể lâu hơn tùy thuộc vào vị trí vết cắn và số lượng virus xâm nhập cơ thể qua vết cắn. Bệnh khởi phát sẽ xuất hiện các triệu chứng ban đầu như: sốt, sợ hãi, đau đầu, mệt mỏi, khó chịu… Giai đoạn phát bệnh dại xuất hiện với các biểu hiện mất ngủ, sợ ánh sáng, tiếng động và gió. Ngoài ra, bệnh nhân có thể kèm theo các rối loạn như: giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp… |
THÙY DUNG – ĐẶNG DŨNG
Ý kiến ()