Chủ động phòng, chống bệnh dại
LSO-Mặc dù các cấp, ngành đã có nhiều biện pháp phòng, chống bệnh dại từ động vật lây truyền sang người, nhưng thời gian qua, tại Lạng Sơn vẫn xảy ra nhiều cái chết thương tâm do bị chó dại cắn. Để phòng, chống bệnh dại, bên cạnh sự vào cuộc của ngành chức năng, điều quan trọng nhất vẫn là người dân cần nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của bệnh dại để chủ động phòng ngừa.
Người dân bị chó cắn đến tiêm phòng tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh |
Bác sỹ Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính chung cho nhiều loại động vật máu nóng, có vú (chó, mèo chiếm tỷ lệ cao). Vi-rút dại chủ yếu lây truyền từ nước bọt của các loài động vật bị dại sang người thông qua vết cắn hoặc vết trầy xước trên cơ thể con người; cũng có thể khi động vật bị dại liếm vào vết thương, vào những chỗ da người bị trầy xước. Do đó, khi bị chó cắn, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, xử lý vết thương ban đầu và tư vấn điều trị kịp thời, bởi nếu phát bệnh dại, 100% sẽ tử vong.
Từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã có trên 1.800 người bị chó cắn phải đến các trung tâm y tế tiêm phòng, chưa phát hiện trường hợp nào tử vong nghi bị chó dại cắn. Tuy nhiên trước đó, năm 2016, tại 2 huyện: Văn Quan, Cao Lộc có 2 trường hợp nghi bị chó dại cắn nhưng chủ quan không đi tiêm phòng nên đã phát bệnh và tử vong. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 13 điểm tiêm phòng, có đầy đủ vắc – xin và huyết thanh điều trị dự phòng; 100% cán bộ phòng tiêm, trạm y tế xã, y tế thôn bản được tập huấn, có khả năng thực hành tốt về xử lý vết thương ban đầu khi bị súc vật nghi dại cắn.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Theo ước tính của ngành thú y, năm 2016, toàn tỉnh có khoảng 110.000 con chó, mèo các loại. Chi cục đã tham mưu cho lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các trạm thú y trên địa bàn toàn tỉnh tăng số lượng vắc – xin phòng bệnh dại cho chó, mèo lên 30.000 liều, gấp 3 lần những năm trước. Từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh đã tiêm được gần 10 nghìn liều vắc – xin phòng bệnh dại cho chó, mèo. Tuy nhiên, công tác này gặp không ít khó khăn vì nhiều người dân chưa nhận thức đầy đủ về bệnh dại và mức độ nguy hiểm của bệnh nên còn chủ quan.
Theo khuyến cáo của ngành chức năng, để phòng, chống bệnh dại lây truyền từ động vật sang người, người dân cần chủ động tiêm phòng cho chó, mèo nuôi trong nhà. Khi bị chó, mèo nghi dại cắn, cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm phòng. Chị Hoàng Thị Thuỷ, người dân xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc chia sẻ: Tôi bị chó cắn cách đây 5 ngày, mới đầu cũng định không đi tiêm phòng, nhưng qua nghe tivi, đài, báo, người trong gia đình nói về bệnh dại rất nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong nên tôi đã quyết định tiêm phòng để đảm bảo sức khoẻ cho bản thân và nhắc nhở những thành viên trong gia đình nên cẩn thận, không để bị chó, mèo cắn sẽ rất nguy hiểm.
Để công tác phòng, chống bệnh dại hiệu quả, giải pháp quan trọng là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về bệnh dại và mức độ nguy hiểm của bệnh. Các địa phương cần quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán chó, mèo, có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp không tiêm vắc – xin phòng bệnh dại cho chó, mèo của gia đình. Người dân cũng cần chủ động phòng ngừa bệnh dại lây từ động vật sang người, chủ động thông báo và phối hợp với cơ quan chuyên môn trong phòng, chống bệnh dại tại cộng đồng.
HOÀNG CƯỜNG – TUẤN ANH
Ý kiến ()