Chủ động phòng chống bão để giảm nhẹ thiệt hại
LSO-Cơn bão số 3 có tên Quốc tế là Kalmaegi đang đổ bộ vào nước ta. Đây là cơn bão có cường độ gió mạnh, gây mưa lớn. Theo dự báo Lạng Sơn sẽ là một trong những tỉnh cơn bão đi qua. Phóng viên báo Lạng Sơn đã phỏng vấn ông Hà Xuân Tiên, Giám Đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Lạng Sơn về đường đi, mức độ gây hại và giảm nhẹ thiên tai dưới góc độ khí tượng.
Cán bộ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Lạng Sơn theo dõi cơn bão qua mạng nội bộ vùng Đông Bắc |
Phóng viên:Thưa ông, ông có thể cho độc giả biết một vài nét sơ bộ về cơn bão số 3?
Ông Hà Xuân Tiên:Cơn bão số 3 có tên Quốc tế là Kalmaegi được hình thành từ vùng biển Phi Líp Pin. Đây là cơn bão diễn biến bất thường với tốc độ di chuyển rất nhanh khoảng 25 km/giờ. Như vậy so với cơn bão khác phải mất 5 đến 6 ngày nó mới đi vào biển Đông. Thế nhưng cơn bão này chỉ mất có 2 đến 3 ngày. Trong vòng đêm nay sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Lạng Sơn, khoảng sáng mai tâm bão sẽ trên khu vực Lạng Sơn. Đặc biệt sức gió ở vùng gần tâm bão rất mạnh khoảng cấp 9 cấp 10, giật cấp 11, 12. Kèm theo mưa to tới trên 200 mm vì vậy sức tàn phá của nó sẽ rất khó lường. Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đông Bắc, cơn bão còn diễn biến bất thường nhưng đường đi hầu như không thay đổi. Theo kinh nghiệm của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Lạng Sơn những cơn bão số thấp (2, 3, 4) vào mùa này sẽ tàn phá mạnh hơn ở khu vực miền núi phía Bắc. Lạng Sơn còn chưa khắc phục xong hậu quả của cơn bão số 2, nghĩa là bão chồng lên bão, cần phải cảnh giác, chủ động cao độ trước bão Kalmaegi.
Phóng Viên:Vậy Trung tâm đã có các biện pháp phòng chống bão thế nào?
Ông Hà Xuân Tiên:Với chức năng dự báo thời tiết cung cấp số liệu cho đài khu vực, tham mưu cho tỉnh về số liệu thời tiết chúng tôi luôn ứng phó kịp thời, không bị động. Trước mắt yêu cầu 6 trạm khí tượng, 3 trạm thủy văn phải chủ động trong mọi tình huống. Có khi thấy thời tiết diễn biến bất thường căn cứ tình hình thực tế để thông tin, về gió, lũ, dòng chảy để ứng phó kịp thời. Cử tăng cường các kíp trực, liên tục thu thập thông tin khí tượng khu vực, đặc biệt là thông tin khí tượng từ nước bạn để có biện pháp phòng chống bão. Cử cán bộ vẽ đường đi cơn bão từ số liệu mạng nội bộ để có thông tin chính xác cho tỉnh, phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông thông báo cho người dân phòng chống lụt bão.
Phóng viên:Vậy ông có thông tin với người dân về phòng chống bão dưới góc độ khí tượng?
Ông Hà Xuân Tiên:Dưới góc độ khí tượng thủy văn chúng tôi dự báo đây là cơn bão mang theo cả mưa lớn, gió mạnh khả năng sạt lở đất, gây lũ ống, lũ quét là rất lớn. Vì vậy với bà con nên chủ động chống bão, cụ thể là gia cố nhà cửa, công trình vật kiến trúc. Chủ động chặt cành cây cây cối có thể gẫy đổ, gia cố cột điện, những công trình ngoài trời như giao thông, thủy lợi. Đặc biệt chú ý khả năng ngập lụt xảy ra. Với nông dân cần thực hiện phương châm “xanh nhà hơn già đồng” thu hoạch nhanh các trà lúa sớm, hoa màu. Khi bão đến dù có mạnh đến mấy nhân dân hãy bình tĩnh ứng phó, hỗ trợ lẫn nhau để vượt qua cơn bão Kalmeagi này.
Vẽ đường đi của cơn bão số 3 để chủ động phòng, chống bão |
Phóng viên:Xin cảm ơn ông!
ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()