Chủ động phòng cháy tại chợ
LSO-Toàn tỉnh hiện có gần 20 chợ, trung tâm thương mại và siêu thị (riêng trên địa bàn thành phố có 5 chợ lớn). Trong số các chợ này, có nhiều chợ được xây dựng cách đây vài chục năm. Một số chợ hiện nay, trong đó có cả các chợ lớn trên địa bàn thành phố, công tác phòng cháy, chữa cháy chưa đạt theo quy định và có một số bất cập.
Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tham gia chữa cháy chợ Sài Gòn – Tân Thanh |
Bài học nhãn tiền
Ngày 10/7/2017, chợ Sài Gòn – Tân Thanh tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh cháy đã gây thiệt hại lớn về kinh tế. Hàng tỷ đồng trong phút chốc đã bị ngọn lửa thiêu rụi. Cách đó đúng 7 năm, tối 10/7/2010 một số ki – ốt ở chợ Đông Kinh thành phố Lạng Sơn đã bốc cháy. Vụ cháy thiêu rụi hàng chục gian hàng của các tiểu thương buôn bán trong khu chợ này, thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng.
Theo thượng tá Hoàng Hùng Hải, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC – CNCH), vụ cháy tại khu chợ Sài Gòn – Tân Thanh vừa qua, cũng như vụ cháy chợ Đông Kinh cách đây 7 năm, có một hạn chế là thiếu nguồn nước tại chỗ, điều này khiến công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các chợ tại thành phố cũng như chợ tại trung tâm các huyện không có nguồn dẫn nước phục vụ cho công tác PCCC. Ngoài ra, các chợ hiện nay mặc dù là chợ xây kiên cố, nhưng thực chất, các gian hàng bên trong lại khá lụp xụp, chứa nhiều chất dễ cháy; hệ thống đường điện nhằng nhịt, dây, ổ cắm không đảm bảo…
Cần chủ động phòng cháy
Chợ Giếng Vuông trên địa bàn thành phố Lạng Sơn hiện có khoảng 600 hộ kinh doanh với hơn 700 điểm kinh doanh. Tuy nhiên, điểm kinh doanh được cho là kiên cố, chắc chắn chỉ chiếm khoảng hơn 300 điểm, số còn lại là những điểm chưa được đầu tư kiên cố về mặt bằng, còn tình trạng tạm bợ. Điển hình như khu vực C3 còn hơn 100 điểm kinh doanh vẫn trong tình trạng lều tạm, không đảm bảo điều kiện an toàn để Ban Quản lý chợ Giếng Vuông cung cấp điện chứ chưa nói đến đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ. Cùng đó, qua kiểm tra của chính Ban Quản lý chợ Giếng Vuông, tại các gian hàng, phát hiện nhiều đường điện đã cũ, được chắp nối, tiềm ẩn nguy cơ chập cháy cao.
Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC – CNCH, không chỉ riêng chợ Giếng Vuông, hiện nay cơ sở hạ tầng tại một số chợ trên địa bàn thành phố Lạng Sơn cũng như tại trung tâm các huyện chưa đảm bảo PCCC. Các gian hàng sắp xếp chưa quy củ; hệ thống điện xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ; nhiều hộ kinh doanh tự ý câu móc điện, cơi nới thêm quầy; căng lều bạt, mái che… lấn chiếm lối đi, lối thoát nạn. Cùng đó, một số ban quản lý chợ và những hộ kinh doanh vẫn chưa nhận thức đầy đủ về công tác PCCC nên vẫn còn tâm lý chủ quan, thờ ơ. Nhiều chợ không có sơ đồ chỉ dẫn, biển cấm, biển báo… Cùng với đó, việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện PCCC chưa được quan tâm đầu tư đúng với quy mô, tính chất của các chợ theo quy định. Bên cạnh đó, lực lượng chữa cháy và việc sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ của chợ còn mỏng, lúng túng…
Trung tá Trương Thanh Xuân, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC – CNCH cho biết: Trong công tác phòng chống cháy nổ thì việc “phòng” là quan trọng nhất. Đối với công tác này tại các chợ, từ ban quản lý đến các hộ tiểu thương phải luôn chủ động và nâng cao công tác phòng cháy.
Theo trung tá Xuân, mỗi vụ cháy đều để lại những bài học cho tập thể hoặc cá nhân liên quan. Mặc dù sự việc rất ít khi lặp lại, nhưng có thể rút ra bài học chung đó là: các chợ cần thành lập ban, tổ có trách nhiệm trực tiếp thực hiện công tác PCCC; quản lý và kiểm tra việc sử dụng hệ thống điện của các hộ kinh doanh theo đúng quy định. Đồng thời có các giải pháp chống cháy lan như: sắp xếp, bố trí hàng hóa, không lấn chiếm lối đi; khoanh vùng chia khu vực, tạo khoảng cách ngăn cháy; xây tường ngăn cháy; có giải pháp thoát nạn cho người khi có cháy xảy ra, có hệ thống chỉ dẫn lối thoát nạn…
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()