Chủ động phòng các đường lây nhiễm
LSO-Vi rút Zika có khả năng xuất hiện ở Việt Nam bằng 2 con đường: xâm nhập từ các nước láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc và xuất hiện trong nội địa do muỗi gây bệnh sốt xuất huyết đang lưu hành. Lạng Sơn là tỉnh biên giới, việc phát hiện từ 2 đường này có tầm quan trọng như nhau.
Phụ nữ xã Nhượng Bạn (Lộc Bình) đăng ký chăm sóc sức khỏe sinh sản |
Kiểm dịch y tế và vệ sinh môi trường
Tháng 2/2016 là tháng tết Nguyên đán Bính Thân và các lễ hội xuân, các cửa khẩu quốc gia và quốc tế trên địa bàn Lạng Sơn luôn đông khách xuất, nhập cảnh. Trong đó, ngoài lao động và chuyên gia 2 nước về quê ăn tết, còn có một lượng lớn khách du lịch, thăm thân, giao lưu nhân các lễ hội… Để phòng chống có hiệu quả những dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập vào ViệtNam, Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế vẫn duy trì hệ thống kiểm soát có hiệu quả. Ngay khi có thông báo vi rút Zika có khả năng xâm nhập vào ViệtNam, công tác kiểm dịch y tế càng được thực hiện một cách chặt chẽ.
Ông Lý Kim Soi, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế cho biết: để đảm bảo kiểm soát được 100% khách xuất nhập cảnh, các máy đo thân nhiệt đặt tại các cửa khẩu như: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma… hoạt động hết công suất. Các cán bộ của các đội, ngoài việc kiểm soát còn tăng cường tuyên truyền cho khách quốc tế và Việt Nam sự nguy hiểm của các bệnh truyền nhiễm nói chung và vi rút Zika nói riêng và cách phát hiện bệnh với những triệu chứng ban đầu dễ nhận biết. Công tác vệ sinh khu vực cửa khẩu được chú trọng, theo đó, ngoài việc sử dụng máy phun hóa chất vệ sinh môi trường, diệt muỗi, các cán bộ của trung tâm còn phổ biến cho đội ngũ cán bộ các cơ quan chức năng và lao động hoạt động trong khu vực.
Chủ động trong cộng đồng
Vi rút Zika là vi rút ăn não, gây nên chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh. Do lây truyền bằng con đường muỗi vằn đốt và có các triệu chứng gần giống sốt xuất huyết nên người dân thường chủ quan và nhầm lẫn với sốt xuất huyết. Chỉ khi làm xét nghiệm mới biết là nhiễm Zika hay là sốt xuất huyết thông thường. Muỗi vằn chủ yếu đẻ trứng tại các ổ nước sạch trong nhà hoặc tại các ống, máng, lọ hoa, vỏ đồ hộp hoặc gốc cây, kẽ lá, vũng nước. Muỗi vằn khi trưởng thành thích đốt người và các loại vật nuôi trong nhà như: chó, mèo, lợn, gà… Khi muỗi nhiễm vi rút, nó có thể truyền bệnh suốt vòng đời và vì vậy có khả năng truyền bệnh cho rất nhiều người.
Lạng Sơn là một trong những tỉnh vẫn còn lưu hành bệnh sốt rét nên việc chủ động phát hiện vi rút Zika qua những biểu hiện ban đầu là điều rất cần thiết. Bác sĩ Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khuyến cáo: những người dân khi có biểu hiện sốt, nổi mần và một số triệu chứng khác như đau cơ, nhức đầu, đau mắt…(triệu chứng tương tự như sốt xuất huyết) cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn. Điều cần thiết nhất là công tác phòng bệnh phải tốt. Những người dân, nhất là thôn bản vùng sâu, vùng cao khi đi làm nương, khi ngủ không mắc màn, xung quanh nhà có nhiều bụi rậm, cây cối, có nhiều vật chứa nước để lưu; hoặc những lao động trên công trường thường ngủ phản, không mắc màn và lán trại gần rừng… đều là những người trong diện “nguy cơ cao” nhiễm vi rút Zika.
Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản
Hằng năm, Lạng Sơn có trên 13 ngàn trẻ được sinh ra và trên 98% phụ nữ sinh đẻ tại trạm y tế xã hoặc có cán bộ y tế đỡ, chúng ta hoàn toàn có thể phát hiện vi rút Zika qua việc khám thai và đỡ đẻ. Sự cần thiết phải có Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Chi cục Dân số tỉnh vào cuộc qua các dự án chăm sóc sức khỏe sinh sản, tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh. Các báo cáo về những trường hợp bất thường trong khám thai kỳ cuối hoặc trẻ sơ sinh mắc chứng đầu nhỏ… cần phải được xem xét một cách kỹ càng, chu đáo. Công tác tuyên truyền từ các kênh phải làm sao nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhất là phụ nữ mang thai.
TRẦN KIM
Ý kiến ()