Chủ động phòng bệnh thán thư gây hại rừng hồi
(LSO) – Trong khoảng 3 tháng trở lại đây, toàn tỉnh đã có 143 ha rừng hồi bị mắc bệnh rụng lá, cành cây khô héo gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của quả hồi. Người trồng hồi Xứ Lạng đang lo lắng tìm cách phòng, chữa trị bệnh rụng lá cho cây hồi.
Những ngày trung tuần tháng 3/2019, chúng tôi có mặt tại các rừng hồi tại khu vực xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng, tận mắt chứng kiến những cây hồi khô héo, trơ trọi không còn sức sống bởi từ đầu 3 tháng trở lại đây, diện tích cây hồi rụng lá ngày càng tăng.
Anh Hoàng Văn Hoan, thôn Lũng Mần, xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng cho biết: Gia đình tôi có gần 5 ha rừng hồi trồng cách đây khoảng 15 năm. Năm 2012, rừng hồi đã cho thu hoạch khoảng 3 – 4 tấn hồi, với thu nhập 100 triệu đồng/năm. Thế nhưng từ khoảng tháng 8/2013, rừng hồi bị rụng lá, cành khô héo và không cho quả. Cũng từ đó đến nay, chưa năm nào gia đình có thu nhập từ rừng hồi. Ước tính thiệt hại của gia đình từ 400 – 500 triệu đồng. Đặc biệt, khoảng 3 tháng trở lại đây, bệnh rụng lá hồi đã lây lan rộng sang các rừng hồi khác.
Người dân thôn Lũng Mắt, xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng phun thuốc phòng trừ bệnh thán thư hại cây hồi
Anh Phan Văn Sáu, Phụ trách Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chi Lăng cho biết: Cách đây gần 2 tháng, trung tâm có nhận được thông tin phản ánh của người dân về cây hồi trên địa bàn xã Gia Lộc bị mắc bệnh rụng lá và đang có diễn biến lây lan sang các rừng hồi khác. Theo đó, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp cử cán bộ trung tâm trực tiếp đến rừng hồi kiểm tra thực tế, đồng thời báo cáo Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh để nắm tình hình về thực trạng cây hồi tại địa phương. Sau khi kiểm tra, khảo sát rừng hồi bị rụng lá thông qua các kỹ thuật, biện pháp nghiệp vụ cho thấy rừng hồi bị rụng lá tại xã Gia Lộc bị mắc bệnh thán thư (hay còn có tên gọi thông thường là bệnh đốm lá hồi – có tên khoa học là Colletotrichum sp). Tiếp đó, Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh đã cử cán bộ trực tiếp xuống rừng hồi bị mắc bệnh rụng lá, qua đó khảo sát và khoanh vùng 10 ha rừng hồi bị rụng lá để phun thuốc điều trị bệnh.
Theo thống kê của Chi Cục Bảo vệ Thực vật tỉnh, hiện nay, trên địa bàn các huyện: Chi Lăng, Văn Quan, Văn Lãng, Cao Lộc, Bình Gia có trên 143 ha rừng hồi bị nhiễm bệnh thán thư gây rụng lá hồi. Trong đó, có 138 ha bị nhiễm ở thể nhẹ và 5,5 ha nhiễm nặng, khả năng phục hồi của cây hồi thấp.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Hoàng Văn Lợi, Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật, Chi Cục Bảo vệ Thực vật tỉnh cho biết: Bệnh thán thư ở cây hồi thường xuất hiện khi thời tiết nóng, độ ẩm cao, mưa nhiều kéo dài cộng với những rừng hồi trồng mật độ dày, thiếu ánh sáng là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển và lây lan. Bệnh phát triển mạnh và gây hại nặng ở giai đoạn ra hoa, do vậy gây ảnh hưởng nặng đến năng suất, sản lượng của hồi.
Để phòng trừ bệnh thán thư trên cây hồi cũng như làm giảm sự lây lan của bệnh, từ đầu năm 2019 đến nay, Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh đã mở 5 lớp tập huấn cho 260 người dân tại các địa phương có rừng hồi bị mắc bệnh (Văn Quan 2 lớp, Bình Gia 2 lớp, Chi Lăng 1 lớp) và cấp phát 260 bộ tài liệu cách nhận biết về bệnh thán thư cây hồi, cách phòng trừ bệnh… Cùng với đó, Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh đã hỗ trợ 24.000 chai thuốc Asmiltatop Super 400EC và hỗ trợ máy phun thuốc cho các hộ dân có rừng hồi bị mắc bệnh để phun thuốc trừ bệnh với tổng diện tích tương đương 240 ha.
Cùng với thực hiện các biện pháp kể trên, Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh khuyến cáo, để phòng trừ bệnh thán thư ở cây hồi, người trồng hồi phải thường xuyên tỉa cành, cây hồi để cây có nhiều ánh sáng quang hợp và làm giảm chỗ trú ẩn của mầm bệnh; thường xuyên kiểm tra rừng hồi để phát hiện kịp thời, tiêu diệt bệnh ký sinh trước khi gây bệnh, diệt nguồn xâm nhiễm. Khi phát hiện rừng hồi mắc bệnh cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ bệnh, tránh lây lan cho các cây khác…
ĐĂNG THÙY
Ý kiến ()