Chủ động phòng bệnh nhiệt thán
LSO-Ngày 11/9/2014, tỉnh Hà Giang đã xác định có bệnh nhiệt thán (bệnh than) trên gia súc. Ngay sau đó, từ ngày 17/9 đến 9/10, đã có 9 trường hợp mắc bệnh than thể da được ghi nhận tại Hà Giang. Các bệnh nhân đều sử dụng thực phẩm từ gia súc mắc bệnh đã chết.
Khử trùng môi trường trên địa bàn huyện Cao Lộc |
Để bạn đọc có cái nhìn tổng quát về bệnh nhiệt thán, phóng viên Báo Lạng Sơn đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y về vấn đề này.
Phóng viên: Xin ông cho biết bệnh nhiệt thán là gì và mức độ nguy hiểm của nó ra sao?
Ông Nguyễn Nam Hùng: Bệnh nhiệt thán ở động vật thường gặp chủ yếu trên các gia súc ăn cỏ như trâu, bò, ngựa, dê… Con vật mắc bệnh chết đột ngột vì sốt cao, do trực khuẩn nhiệt thán hay còn gọi là trực khuẩn than gây ra. Trực khuẩn có nha bào tức là 1 kén bọc rất bền vững, có thể sống lâu vài chục năm ở ngoài môi trường. Khi gia súc có bệnh than chết được chôn nông hoặc vứt bừa bãi thì vài chục năm sau trâu bò đến ăn cỏ ở nơi đó vẫn còn bị bệnh, một số tỉnh miền núi hay có bệnh này. Điều nguy hiểm là bệnh có thể lây truyền sang người và có thể gây tử vong.
Phóng viên: Bệnh nhiệt thán có thể lây sang người, vậy đối tượng nào có nguy cơ lây nhiễm cao nhất?
Ông Nguyễn Nam Hùng: Những người có nguy cơ lây nhiễm cao là những người trực tiếp làm công tác chăn nuôi, thú y, giết mổ… do tiếp xúc với xác của động vật chết vì mắc bệnh than hoặc do hít phải bào tử vi khuẩn, ăn phải thịt động vật bị nhiễm khuẩn… Theo các chuyên gia y tế thì người bị lây nhiễm phổ biến là thể lở loét ngoài da. Vết xây xát nhanh chóng sưng to có thuỷ thũng xung quanh rồi vỡ thành mụn loét, có bờ sâu, giữa mụn thối nát màu đen, kèm theo sốt. Nếu nhiễm vi khuẩn vào đường hô hấp thì thấy chóng mặt, đau ngực, khó thở, ho khan. Nếu ở thể ruột thì bị nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, chướng bụng, thở khó. Thể phổi và thể ruột rất nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong sau một đến hai ngày.
Phóng viên: Ở Lạng Sơn đã từng có bệnh nhiệt thán chưa và nhận định về nguy cơ phát sinh là như thế nào?
Ông Nguyễn Nam Hùng:Vừa qua Chi cục Thú y đã rà soát lại, trong vòng 10 năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh không có bệnh nhiệt thán trên gia súc. Tuy nhiên điều tra, khảo sát sâu thêm thì cách đây khoảng 25 năm một số huyện trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện bệnh này như Lộc Bình, Văn Quan, Chi Lăng, Bắc Sơn… Như đã nói ở trên, trực khuẩn gây bệnh có thể sống lâu hàng chục năm ngoài môi trường. Nếu gia súc mắc bệnh than chết bị vứt bừa bãi hoặc chôn nông, không đúng kỹ thuật thì rất nhiều năm sau động vật đến ăn cỏ tại chỗ đó có thể bị nhiễm bệnh. Như vậy là nguy cơ tiềm ẩn trên địa bàn là có.
Phóng viên: Cơ quan chuyên môn đã và đang triển khai biện pháp gì để phòng chống bệnh nguy hiểm này?
Ông Nguyễn Nam Hùng: Ngày 28/10 vừa qua, UBND tỉnh đã có công văn số 1137 về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh nhiệt thán. Trong đó đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, ngành. Đối với Chi cục Thú y, hiện nay đã tiếp tục điều tra, rà soát để xác định được chính xác những nơi chôn xác gia súc nhiễm bệnh than từ hơn 20 năm trước. Theo quy định thì bệnh phát sinh trong vòng 10 năm trở lại đây mới tổ chức tiêm phòng, như vậy Lạng Sơn không nằm trong diện này. Biện pháp phòng tốt nhất là giám sát dịch bệnh chặt chẽ; tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi và đẩy mạnh các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Hiện nay, Chi cục đang tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc triển khai các nhiệm vụ cụ thể.
Đối với người chăn nuôi, chúng tôi cũng khuyến cáo hạn chế thả rông gia súc. Nên thay đổi phương thức chăn nuôi sang bán chăn thả hoặc nhốt chuồng. Đồng thời thực hiện đầy đủ hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chuyên môn, chủ động giám sát dịch bệnh và vệ sinh chuồng trại. Khi phát hiện gia súc chết bất thường phải thông báo ngay với cán bộ cơ sở hoặc chính quyền sở tại để xử lý triệt để mầm bệnh; không tự ý giết mổ gia súc mắc bệnh để ăn.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()