Chủ động phòng bệnh lao phổi
LSO-Năm 2017, Bệnh viện Phổi tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện và điều trị cho gần 1.000 bệnh nhân lao các thể, trong đó 50% bệnh nhân mắc thể lao phổi, nhiều trường hợp bệnh lao tái phát. Điều đó có nghĩa là trong quá trình điều trị duy trì, người bệnh không tuân thủ theo hướng dẫn của thầy thuốc, khiến bệnh ngày càng nặng hơn và trở thành nguy cơ tiềm ẩn lây nhiễm lao trong cộng đồng, mà trước hết là những người thân quen trong gia đình của chính người bệnh.
Thăm khám cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Phổi tỉnh Lạng Sơn |
Trước đây, bệnh lao lần đầu tiên được biết đến là một trong “tứ chứng nan y”, có nghĩa là một trong 4 loại bệnh mà nền y học thời gian đó chưa tìm ra được phương pháp điều trị. Đến nay bệnh lao đã có vắc xin phòng bệnh và cơ bản các bệnh nhân mắc lao đều được chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và người bệnh tuân thủ tuyệt đối chỉ dẫn của thầy thuốc trong quá trình điều trị.
Thời gian điều tri bệnh lao thông thường trung bình là 9 tháng, tối thiểu và ngắn hạn nhất cũng phải đạt từ 6 đến 8 tháng liên tục. Yêu cầu trong điều trị đòi hỏi bệnh nhân phải dùng thuốc đúng đủ về liều lượng và thời gian, tuyệt đối không được bỏ thuốc, dễ gây ra nhờn thuốc. Bản thân trực khuẩn gây bệnh lao có 2 lớp vỏ cấu trúc, có thể sống bên trong và cả ngoài tế bào nên khó có thể tiêu diệt. Do vậy, bệnh lao được xếp vào loại khó chữa, dễ dẫn đến tái phát bệnh và tăng khả năng lao kháng thuốc, gây khó khăn tốn kém về cả thời gian và kinh phí trong quá trình điều trị.
Thực tế cho thấy không phải người bệnh nằm tại bệnh viện trong suốt thời gian điều trị. Chỉ những trường hợp lao nặng, những trường hợp có biến chứng nguy hiểm như ho ra máu, tràn dịch, tràn khí, tràn mủ màng phổi hoặc tắc ruột do lao và những trường hợp bệnh nhân lao phổi không có khả năng tự điều trị tốt tại nhà, bệnh nhân đang điều trị ở giai đoạn tấn công của phác đồ điều trị ngắn này mới phải điều trị tại bệnh viện. Các trường hợp còn lại đều được quản lý và điều trị tại cộng đồng, do vậy, vai trò của trạm y tế xã và của mỗi gia đình có người bệnh là rất lớn trong việc thực hiện tốt giai đoạn điều trị duy trì đối với người bệnh nhằm hạn chế nguồn lây cho những người xung quanh.
Bên cạnh đó, mỗi người dân tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về phòng tránh cũng như cách phát hiện sớm bệnh lao. Đồng thời trở thành một nhân tố nòng cốt trong các hoạt động phòng chống bệnh lao tại địa phương, đặc biệt là hoạt động tuyên truyền kiến thức phòng tránh cho những người xung quanh. Qua đó có thể chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc lao, tuyên truyền vận động người bệnh đến các cơ sở y tế để điều trị kịp thời để ngăn ngừa nguồn lây bệnh trong cộng đồng.
Anh Tô Văn Phù (xã Kháng Chiến, huyện Tràng Định) đang nằm điều trị bệnh lao kháng thuốc tại Bệnh viện Phổi tỉnh Lạng Sơn cho biết: Tôi rất ân hận vì không thực hiện đúng chỉ dẫn của bác sỹ trong khi điều trị tại gia đình, khiến cho bản thân mắc lao kháng thuốc và còn lây nhiễm cho con trai của mình, khó khăn càng thêm chồng chất. Hiện nay, con của tôi đang được điều trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương và tôi có nguyện vọng được bệnh viện của tỉnh cho tôi chuyển tuyến xuống cùng với con để tiện cho gia đình chăm sóc.
Bệnh lao lây truyền chủ yếu từ thể lao phổi, lây truyền từ người này sang người khác qua đường hô hấp, khi hít phải vi trùng lao có trong không khí bay ra từ dịch tiết mũi, họng của bệnh nhân lao phổi. Thông thường vi khuẩn lao vào phổi gây bệnh ở phổi hoặc theo đường máu hoặc bạch huyết đến các cơ quan khác trong cơ thể gây bệnh.
Mỗi bãi nước bọt do bệnh nhân lao phổi khạc nhổ ra có chứa tới hàng nghìn vi khuẩn lao. Ở môi trường ẩm thấp và không khí mát lạnh như hiện nay, vi khuẩn có thể sống được vài ngày và phát tán trong không khí. Cứ 1.000 người nhiễm vi khuẩn lao thì có 10 người mắc bệnh lao. Điều đáng quan tâm là theo Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, có khoảng 1/3 dân số trên thế giới bị nhiễm vi trùng lao, trong đó có khoảng 80-90% vi trùng lao bất hoạt, không có triệu chứng của bệnh do đó cũng không có khả năng lây nhiễm. Tuy nhiên, những đối tượng này khi phát bệnh ở phổi, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ là nguồn lây nhiễm chính của bệnh lao trong cộng đồng.
Trước nguy cơ tiềm ẩn lây nhiễm bệnh lao, mọi người cần chủ động phòng bệnh lao phổi bằng cách tiêm vắc – xin phòng bệnh, trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về phòng bệnh cũng như cách phát hiện sớm bệnh lao trong cộng đồng. Khi xuất hiện những biểu hiện sớm của bệnh như ho khạc kéo dài trên 2 tuần, ho nhiều về đêm, kèm theo sốt nhẹ hoặc vừa, cơ thể mệt mỏi chán ăn, lười lao động dẫn đến gầy sút cân thì đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, hạn chế mức độ lây lan bệnh lao trong cộng đồng, đặc biệt là những người thân quen trong gia đình.
MINH MẠNH
Ý kiến ()