Chủ động phòng bệnh cúm gia cầm
– Vào thời điểm này, mặc dù trên địa bàn tỉnh không phát sinh ổ bệnh dịch cúm gia cầm, nhưng trước những nguy cơ phát sinh và lây nhiễm, ngành nông nghiệp và người chăn nuôi đã và đang chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh trên đàn gia cầm.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Hiện thời tiết đang giao mùa, nhiệt độ chênh lệnh giữa ngày và đêm lớn làm ảnh hưởng tới khả năng kháng bệnh của đàn gia cầm. Trong khi hiện nay, người chăn nuôi có xu hướng tăng đàn để cung ứng nhu cầu thực phẩm cuối năm, cùng với việc người chăn nuôi gia cầm quy mô hộ gia đình chưa chú trọng tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia cầm và chưa chú trọng đảm bảo vệ sinh chuồng trại… là những nguy cơ phát sinh ổ bệnh cúm gia cầm và quan ngại hơn là có thể bùng phát thành dịch cúm gia cầm trong thời gian tới. Trong tháng 10/2022, qua công tác lấy mẫu gia cầm từ nơi khác nhập vào tỉnh, cơ quan thú y đã phát hiện 1 mẫu dương tính với vi rút cúm A…
Cán bộ thú y lấy mẫu giám sát bệnh cúm gia cầm tại chợ Giếng Vuông (thành phố Lạng Sơn)
Thực tế, vào tháng 2/2022, bệnh cúm gia cầm đã xuất hiện tại thành phố Lạng Sơn và 3 huyện (Cao Lộc, Văn Lãng, Lộc Bình). Nguyên nhân các ổ bệnh là do dịp trước Tết Nguyên đán năm 2022, các hộ chăn nuôi đẩy mạnh việc tái đàn nên mua con giống không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng dẫn đến lây nguồn bệnh từ nơi khác vào đàn gia cầm của tỉnh.
Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Trước những nguy cơ có thể phát sinh dịch bệnh cúm gia cầm, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo phòng NN&PTNT và trung tâm dịch vụ nông nghiệp chỉ đạo cán bộ thú y cơ sở bám sát các hộ chăn nuôi, tuyên truyền cho bà con cách phòng tránh bệnh cho đàn gia cầm. Đồng thời, hướng dẫn bà con chủ động phun tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại thường xuyên trong quá trình chăn nuôi. Song song với đó là chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm dịch tại các chợ đầu mối, địa điểm giết mổ gia cầm, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm từ các nơi khác vào địa bàn…
Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các phòng chuyên môn của các huyện, thành phố tập trung lấy mẫu giám sát chủ động bệnh cúm gia cầm tại một số chợ buôn bán gia cầm trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung tại chợ thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình; chợ Đồng Đăng, huyện Cao Lộc; chợ Na Sầm, huyện Văn Lãng; chợ Giếng Vuông, thành phố Lạng Sơn… Qua đó, nhằm kịp thời phát hiện ổ bệnh để có biện pháp xử lý, khống chế hiệu quả các ổ bệnh (nếu có).
Ông Vũ Hồng Quân, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cao Lộc cho biết: Rút kinh nghiệm từ thực tế phát sinh ổ bệnh cúm A trên đàn gia cầm hồi đầu năm, hiện trung tâm đang chủ động phối hợp với chính quyền các xã đẩy mạnh hướng dẫn, tuyên truyền các hộ chăn nuôi tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia cầm, đặc biệt là tuyên truyền các hộ cẩn trọng khi mua con giống để tăng đàn, đồng thời thường xuyên tổ chức phun tiêu độc khử trùng khu chuồng trại chăn nuôi…
Ngoài huyện Cao Lộc, hiện UBND các huyện, thành phố đã và đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện công tác phòng bệnh cho đàn gia cầm; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng chuyên môn bám cơ sở để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp cơ bản phòng dịch bệnh xảy ra trên đàn gia cầm, trong đó chú trọng phòng bệnh cúm gia cầm.
Chị Nguyễn Thị Yến, chủ hộ chăn nuôi gà tại xã Minh Hòa, huyện Hữu Lũng chia sẻ, hiện gia đình đang nuôi khoảng 5 nghìn con gà lấy thịt, để phòng bệnh, trong quá trình nuôi gà, ngoài việc cách ly chuồng trại với môi trường bên ngoài, gia đình còn thường xuyên khử trùng, tiêu độc bằng cách phun thuốc và rắc vôi bột. Cùng đó, thực hiện tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh cho đàn gà trước khi thực hiện các khâu chăm sóc, cho ăn…
Hiện tổng đàn gia cầm của tỉnh là hơn 5,4 triệu con, trong những tháng cuối năm, số lượng đàn gia cầm sẽ tiếp tục tăng thêm. Để phòng cúm gia cầm hiệu quả nhất, ngoài nỗ lực của chính quyền và các ngành chức năng thì thời điểm này, các chủ trang trại, gia trại và chủ hộ chăn nuôi gia cầm cũng cần chủ động áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống, đặc biệt là áp dụng nghiêm biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Các hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ cần thực hiện nghiêm việc tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm.
Ngày 25/10/2022, Văn phòng UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 4900 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giao Sở Y tế, Sở NN&PTNT và chính quyền các huyện, thành phố tăng cường việc giám sát bệnh cúm trên gia cầm, trên người để kịp thời xử lý triệt để ổ dịch nếu phát sinh; tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người tại khu vực có gia cầm bệnh (nếu có)… |
Ý kiến ()