Chủ động phòng bệnh béo phì ở trẻ em
LSO-Hiện nay, xu thế bệnh béo phì ngày càng tăng cao, trong khi tỷ lệ bình quân của cả nước chiếm khoảng 25% dân số thì tại những nơi đô thị, đặc biệt là các thành phố lớn, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh béo phì cao hơn rất nhiều, thậm chí cá biệt có nơi lên đến hơn 40%. Tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn, trong năm học 2016 - 2017, gần 3.000 học sinh mắc bệnh béo phì. Đa số những trường hợp này đều đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, làm giảm chất lượng cuộc sống của các em.
Sử dụng thường xuyên thức ăn sẵn tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh béo phì |
Được gọi là thừa cân béo phì khi trọng lượng cơ thể cao hơn mức cân nặng lý tưởng hoặc chất béo lưu giữ trong cơ thể vượt quá mức cho phép là 25% tổng lượng mỡ trong cơ thể đối với nam giới và 30% đối với nữ giới. Khi mắc bệnh béo phì sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như: tiểu đường, sỏi mật, viêm khớp, tim mạch, tăng huyết áp và thậm chí có thể dẫn tới tử vong. Ngoài ra, thừa cân, béo phì ở trẻ em sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe khi trưởng thành. Thông thường trước dậy thì, trẻ thường cao hơn so với tuổi nhưng sau khi dậy thì, chiều cao của trẻ sẽ ngừng phát triển và trẻ có xu hướng thấp hơn so với bạn bè.
Điều hết sức đáng lưu ý là trẻ em bị suy dinh dưỡng có nguy cơ mắc bệnh béo phì ở tuổi trưởng thành cao hơn gấp hai lần so với các trẻ bình thường khác. Mặt khác, tại các trường học, bữa ăn hằng ngày đều có sự cân đối năng lượng cho sự phát triển chung của các trẻ mà ít chú ý đến giới hạn dinh dưỡng của trẻ thừa cân béo phì. Không ít bậc làm cha, làm mẹ với những ý nghĩ thấy con trẻ bụ bẫm thì mới khỏe mạnh, nhưng khi trẻ xuất hiện dấu hiệu thừa cân, béo phì bệnh lý, cũng có nghĩa là đã có sự ảnh hưởng từ sức khỏe đến sinh hoạt hằng ngày của trẻ thì mới nhận thức đúng đắn về những tác hại của thừa cân béo phì. Tuy nhiên, khi đó đã trở nên khá muộn, hầu hết các trẻ đã ở dạng thừa cân béo phì độ 2. Cũng tức là để điều trị, phải có sự kết hợp việc sử dụng thuốc với thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thừa cân béo phì như: do di truyền, do bệnh lý hay sử dụng thuốc trong điều trị… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thừa cân, béo phì có yếu tố liên quan đến chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt hằng ngày không lành mạnh. Đặc biệt là ở những nơi thành thị có lối sống công nghiệp, ít hoạt động thể lực và thường xuyên lạm dụng các loại thực phẩm ăn sẵn. Trẻ được nuôi bằng sữa bò có nguy cơ thừa cân, béo phì cao hơn trẻ bú mẹ, vì thức ăn nhân tạo giàu protein và muối, làm tăng áp lực thẩm thấu, gây cảm giác khát, kích thích trẻ ăn nhiều hơn. Bên cạnh đó, trẻ em ít hoạt động thể lực, dành nhiều thời gian cho hoạt động tĩnh như: xem vô tuyến, chơi điện tử cũng là nguy cơ cao dẫn tới thừa cân, béo phì.
Kinh tế xã hội phát triển, con người càng phải đối mặt với áp lực công việc, cơm, áo, gạo, tiền khiến cho thời gian dành cho bản thân và gia đình càng ít đi. Việc sử dụng các loại thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn trở nên càng phổ biến hơn, vừa tiết kiệm được thời gian và đảm bảo bữa ăn của gia đình. Kéo theo đó là nguy cơ mất cân bằng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn, nhiều chất béo, chất bột đường mà thiếu đi vitamin và các khoáng chất. Sự mất cân bằng này ngoài gây ra bệnh béo phì còn làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể với các loại bệnh khác.
Bác sỹ Vũ Vân Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh cho biết: Ở môi trường có lối sống ít vận động thể lực, không thực hiện ăn uống điều độ đúng khoa học, không sớm thì muộn, đứa trẻ sẽ mắc thừa cân, béo phì. Tỷ lệ mắc bệnh béo ở lứa tuổi học đường hiện nay dao động từ 10 đến 40% và những con số này không ngừng tăng theo thời gian.
Để chủ động phòng bệnh thừa cân, béo phì, quan trọng nhất là xây dựng lối sống khoa học như: tăng cường hoạt động thể lực với các loại hình và mức độ thích hợp theo từng lứa tuổi như: thể dục nhịp điệu, đi bộ, bơi lội… Hạn chế xem vô tuyến, chơi điện tử hoặc thức quá khuya. Về ăn uống, cần đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng để trẻ phát triển bình thường, khuyến khích tăng ăn rau và hoa quả, hạn chế sử dụng các thực phẩm giàu năng lượng, nghèo vi chất dinh dưỡng và đồ uống có đường. Việc xây dựng lối sống khoa học tạo cho trẻ thói quen năng động, không những chủ động phòng bệnh béo phì mà còn đề phòng được rất nhiều loại bệnh khác cho trẻ và những người thân trong gia đình.
MINH MẠNH
Ý kiến ()