Chủ động phát hiện, ngăn chặn tình trạng người nước ngoài vi phạm pháp luật ở Việt Nam
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, bằng các biện pháp nắm tình hình, thời gian qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ động trong công tác quản lý người nước ngoài (NNN) nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam; phát hiện, xử lý dứt điểm các vụ việc phức tạp, vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra, không để trở thành vấn đề nóng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại cơ sở cũng như ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch và quan hệ đối ngoại với các nước.
Chủ động phát hiện vi phạm từ công tác nắm tình hình
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về việc mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo đảm ANTT trên phạm vi toàn quốc, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã tích cực triển khai các mặt công tác như tăng cường công tác xét duyệt nhân sự, hậu kiểm sau khi NNN nhập cảnh và công tác quản lý NNN cư trú, hoạt động trên toàn quốc…
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Phòng Quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của NNN đã chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng xuất nhập cảnh tại các địa phương trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, đặc biệt là hướng dẫn xử lý NNN vi phạm tại địa bàn và chấn chỉnh một số Công an cơ sở trong công tác nắm tình hình, quản lý cư trú NNN. Chủ động rà soát các vướng mắc, khó khăn, kiến nghị của các địa phương, đặc biệt là việc hướng dẫn thực hiện các quy định mới của pháp luật như hướng dẫn phân công, phân cấp trong giải quyết thủ tục giấy tờ xuất nhập cảnh cho Công an các địa phương và triển khai thực hiện quy trình công tác quản lý NNN cư trú và hoạt động liên quan đến ANTT của các đơn vị thuộc Công an cấp tỉnh…
Từ việc chủ động trong công tác nắm tình hình, trước, trong và sau đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, Cục Quản lý xuất nhập cảnh phối hợp với các đơn vị địa phương đã phát hiện nhiều vụ việc NNN sử dụng công nghệ cao, lấy địa bàn Việt Nam để hoạt động. Tháng 1/2024, Cục Quản lý xuất nhập cảnh phối hợp Công an TP Hà Nội kiểm tra tại khu vực Vinhomes Smart City, phát hiện 2 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép và 6 người Trung Quốc khác có hoạt động đánh bạc hoặc lừa đảo qua không gian mạng. Tiếp đó, từ thông tin do Cục Quản lý xuất nhập cảnh phát hiện, cùng thời điểm này, đơn vị phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Công an TP Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 3 đối tượng người Trung Quốc sử dụng Internet để tổ chức lừa đảo, đánh bạc. Tại TP Hồ Chí Minh, phát hiện 3 người Trung Quốc thuê 15 phụ nữ Việt Nam múa để live stream trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc để thu lời. Tại Bắc Giang, phát hiện một số đối tượng Đài Loan (Trung Quốc) sử dụng thiết bị chuyên dụng, sim rác để mạo danh cán bộ, thậm chí mạo danh là giám đốc Công an một số địa phương để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với phương thức thủ đoạn tinh vi.
Theo Đại tá Nguyễn Thị Bình Phương, Trưởng phòng Quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của NNN, vi phạm của NNN hiện nay diễn ra phức tạp. Ngoài các đối tượng NNN nhập cảnh vào Việt Nam sử dụng không gian mạng để hoạt động vi phạm pháp luật một số trường hợp giả mạo hồ sơ để được cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài cấp giấy miễn thị thực,.. ngày càng phổ biến và phương thức hoạt động ngày càng tinh vi hơn, đòi hỏi lực lượng xuất nhập cảnh phải bám sát cơ sở và phối hợp tốt với các đơn vị nghiệp vụ khác.
Thời gian qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã phối hợp, trao đổi cung cấp thông tin xuất nhập cảnh của 31 đối tượng truy nã (29 người Trung Quốc, 2 người Hàn Quốc) cho các đơn vị chức năng để truy tìm, xử lý, bàn giao cho cảnh sát các nước bạn. Trong đó, đã phối hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 đối tượng truy nã Trung Quốc về các hành vi quá hạn tạm trú, nhập cảnh trái phép trước khi bàn giao cho phía Trung Quốc.
Gần đây nhất, tháng 3/2024, Cục Quản lý xuất nhập cảnh phát hiện trên địa bàn huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội có 36 người Nigeria nhập cảnh theo diện evisa mục đích du lịch nhưng thực chất lại đi tìm kiếm việc làm, một số có dấu hiệu tìm đường đi nước thứ ba. Qua xác minh, các đơn vị nghiệp vụ xác định, 6 trường hợp có vé xuất cảnh đi Ma-rốc; 3 trường hợp đã quá hạn tạm trú nhưng không có tiền mua vé máy bay. Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã đưa 2 đối tượng lên Cơ sở lưu trú của Bộ Công an để quản lý, hiện đang truy tìm 2 đối tượng quá hạn khác. Cũng trong tháng 3/2024, Công an tỉnh Thái Nguyên phát hiện 31 người Nigeria sử dụng thị thực điện tử có dấu hiệu nhập cảnh Việt Nam tìm kiếm việc làm; trong đó có 7 người quá hạn tạm trú, 15 người chưa xuất trình được hộ chiếu.
Tại một số cửa khẩu hàng không quốc tế, gần đây có tình trạng công dân một số quốc gia châu Phi (Nigeria, Ghana,..) bị trả về theo hành trình do phía Campuchia và Singapore từ chối nhập cảnh mặc dù những khách này đều có giấy tờ hợp lệ để nhập cảnh Singapore và Campuchia. Cụ thể, Omogoye Juliana Omowumi (nữ), quốc tịch Nigeria từ Doha (Qatar) nhập cảnh Việt Nam qua CKQT Nội Bài ngày 14/12/2023 trên chuyến bay của Hãng hàng không Qatar. Ngày 2/3, khách làm thủ tục xuất cảnh qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trên chuyến bay của Hãng hàng không Việt Nam và bị phía Singapore từ chối nhập cảnh, trả về theo hành trình. Trường hợp thứ hai là Idongesit Esther Franlin (nữ), quốc tịch Nigeria từ Thâm Quyến (Trung Quốc) nhập cảnh Việt Nam qua CKQT Nội Bài ngày 7/12/2023 trên chuyến bay của Hãng hàng không Shenzhen. Ngày 2/3, khách làm thủ tục xuất cảnh qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trên chuyến bay của Hãng hàng không Việt Nam và bị phía Singapore từ chối nhập cảnh, trả về theo hành trình…
Ngay khi tiếp nhận các vụ việc, Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất đã lập biên bản chưa cho nhập cảnh đối với các trường hợp trên do không có thị thực (thị thực cũ đã hết giá trị). Tại thời điểm lập biên bản, các khách trên không có khả năng tài chính, không có vé máy bay về nước. Số khách này khai có ý định tìm cách nhập cảnh để tìm việc và cư trú lâu dài ở một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, Phòng Quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của NNN còn phối hợp với các đơn vị đã phát hiện tình trạng NNN hoạt động hướng dẫn du lịch trái phép tại Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng, trong đó, có việc người Hàn Quốc hướng dẫn du lịch trái phép tại Lâm Đồng gây bức xúc trong dư luận xã hội, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã rà soát, phát hiện hàng trăm đối tượng Hàn Quốc lợi dụng chính sách evisa có thời gian nhập cảnh lên đến 90 ngày để hoạt động hướng dẫn du lịch trái phép và phối hợp Công an các địa phương để xử lý.
Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý
Theo đánh giá của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, quý I/2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã gần như hồi phục hoàn toàn và thậm chí tăng so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, người nước ngoài đến từ châu Úc đạt mức 120% so với cùng kỳ năm 2019, châu Á đạt mức 104%, châu Mỹ đạt mức 103% và châu Âu gần như khôi phục hoàn toàn, đạt mức 97% so với cùng kỳ năm 2019. Chỉ tính riêng tháng 3/2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt gần 1.6 triệu lượt, đưa tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 4,6 triệu lượt, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 – thời điểm trước dịch COVID. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp, khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 1,5 triệu lượt…
Việc NNN nhập cảnh theo diện miễn thị thực và bằng evisa với số lượng ngày càng nhiều là phù hợp với đường lối ngoại giao và chủ trương mở cửa của Chính phủ nhằm thu hút khách du lịch. Bên cạnh việc nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích du lịch, làm việc, tìm hiểu thị trường, làm ăn chân chính thì cũng không ít đối tượng NNN đã lợi dụng sự thông thoáng của chính sách thị thực để nhập cảnh và thực hiện hành vi vi phạm. Đánh giá được lưu lượng NNN nhập cảnh sẽ tăng mạnh và đa dạng về mục đích nhập cảnh, lực lượng xuất nhập cảnh đã tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý; phối hợp tốt với lực lượng xuất nhập cảnh tại các địa phương kịp thời phát hiện những trường hợp NNN vi phạm pháp luật, có những hoạt động phức tạp gây mất trật tự an toàn xã hội.
Trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã phát hiện, xử lý dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, vi phạm pháp luật do NNN gây ra, không để trở thành vấn đề nóng, ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại với các nước. Tháng 3/2024, đơn vị đã phát hiện 1 trường hợp người Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng Công hàm giả của Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam đến trụ sở Cục Quản lý xuất nhập cảnh yêu cầu được cung cấp địa chỉ 1 người Thổ Nhĩ Kỳ khác (người yêu cũ) mục đích tìm gặp, giải quyết mâu thuẫn cá nhân. Cục Quản lý xuất nhập cảnh trao đổi với Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam để xác minh tính xác thực của công hàm, được Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam cung cấp thông tin đối tượng này đã bị Tòa án tại Thổ Nhĩ Kỳ ra quyết định cấm đến gần người yêu cũ do có những hành động quá khích, đe dọa tính mạng của chị này… Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã phối hợp với Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam tích cực truy tìm, phát hiện đối tượng tại Đà Nẵng, ngăn chặn kịp thời hành vi manh động của đối tượng và trục xuất về nước.
Đầu tháng 4/2024, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã hướng dẫn Công an tỉnh Lào Cai xử lý 1 người Cameroon quá hạn tạm trú… Qua khai thác, người Cameroon khai do không có tiền mua vé máy bay nên không muốn xuất cảnh mà loanh quanh ở Việt Nam tìm việc làm. Trường hợp này, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã có công hàm gửi Đại sứ quán Cameroon tại Bắc Kinh (Trung Quốc) đề nghị phối hợp hỗ trợ xử lý (do không có cơ quan đại diện ngoại giao Cameroon tại Việt Nam). Đồng thời, đơn vị đã cử cán bộ phối hợp cùng đại diện hãng hàng không nhiều lần yêu cầu, động viên gia đình của số khách trên hỗ trợ mua vé về nước.
“Quán triệt quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, thời gian tới, lực lượng xuất nhập cảnh tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình công tác năm 2024 nhằm hoàn thành và vượt chỉ tiêu được giao; đảm bảo yêu cầu “chủ động nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa trên lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh phục vụ công tác tham mưu chiến lược và đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia trên lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh”- Đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho biết.
Ý kiến ()