Từ đầu năm đến nay, tình trạng khan hiếm nguyên liệu phục vụ ngành giấy ngày càng trở nên trầm trọng. Nhiều doanh nghiệp không kiếm đâu ra bột giấy đành phải đóng bớt máy và giảm sản lượng giấy xuống còn một nửa. Đã vậy giá bột giấy các loại đều tăng cao, liên tục từ tháng 4-2009 đến nay, trung bình mỗi tháng tăng 6% và đến nay bột nhiệt cơ từ 610 USD/tấn tăng lên 850 USD/tấn (bột sợi ngắn) và 900 USD/tấn (bột sợi dài), giấy loại từ 130 USD/tấn lên 270 USD/tấn.
Nhìn chung, giá nguyên liệu giấy nhập khẩu đều tăng từ 1,5 đến hai lần so với trước. Bên cạnh đó, giấy loại thu mua trong nước cũng khan hiếm và tăng từ ba triệu đồng/tấn lên 3,7 triệu đồng/tấn.
Đứng trước tình hình nêu trên, các doanh nghiệp sản xuất giấy buộc phải điều chỉnh giá bán giấy. Tuy nhiên đứng trên quan điểm chung của xã hội là cần bảo đảm ổn định mặt bằng giá cả các mặt hàng thiết yếu, các nhà sản xuất giấy nên thận trọng trong việc điều chỉnh giá. Đành rằng nguyên liệu nhập khẩu tăng buộc phải tăng giá sản phẩm. Nhưng tăng đến mức nào đòi hỏi một sự cân nhắc toàn diện về mọi mặt bao gồm cả hiệu ứng xã hội. Đối với mặt hàng giấy in, giấy viết, nếu giá nguyên liệu nhập tăng bao nhiêu, giá giấy phải tăng bấy nhiêu thì sẽ tạo ra cái cớ cho các nhà nhập khẩu giấy tăng giá theo, đồng thời người tiêu dùng sẽ dần dần quay lưng lại với giấy nội.
Thực ra, nguyên nhân sâu xa của tình trạng giá giấy tăng là do ngành giấy chưa chủ động nguồn nguyên liệu giấy vẫn phụ thuộc một phần đáng kể vào nước ngoài. Nếu các nhà sản xuất trong nước chủ động được nguồn nguyên liệu thì chắc chắn giá giấy trong nước ít bị ảnh hưởng bởi giá nguyên liệu nhập.
Có hai nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy giấy. Một nguồn từ giấy loại (đã qua sử dụng), một nguồn từ bột gỗ chế biến từ cây nguyên liệu. Hiện tại, khoảng 72% số nguyên liệu sản xuất giấy là giấy loại, trong đó khoảng hai phần ba phải nhập từ nước ngoài. Nếu nâng tỷ lệ thu mua giấy loại trong nước lên 50% thì chắc chắn sẽ góp phần đáng kể vào việc chủ động hạ giá thành sản phẩm giấy. Tuy nhiên, chính sách cho quá trình thu mua giấy còn nhiều bất cập. Theo Tiến sĩ Vũ Quốc Bảo, Tổng Thư ký Hiệp hội giấy Việt Nam, trong năm 2010, dự báo ngành giấy sẽ sử dụng 1,35 triệu tấn giấy đã qua sử dụng, trong đó có 800 nghìn tấn giấy loại thu gom trong nước. Theo quy định hiện nay, thuế nhập khẩu loại giấy này là 0%. Giấy loại thu mua trong nước cũng sẽ được khấu trừ thuế nếu người bán có hóa đơn VAT. Nhưng trên thực tế do phải thu gom từ nhiều nguồn nhỏ lẻ, người bán giấy loại thường không có loại hóa đơn này. Và để cơ quan thuế công nhận chi phí mua giấy, doanh nghiệp thu mua phải đóng hộ 3% thuế thu nhập cho người bán lẻ và nộp thuế giá trị gia tăng. Như vậy, trên thực tế, doanh nghiệp thu mua giấy phải đóng thuế giá trị gia tăng 750 nghìn đồng cho một tấn giấy loại mua trong nước. Trong khi đó nếu dùng giấy loại nhập khẩu thuế VAT chỉ còn 400 nghìn đồng/tấn. Nếu Nhà nước điều chỉnh chính sách thuế phù hợp hơn cho các doanh nghiệp sản xuất giấy thì không những có thể tiết kiệm một lượng lớn giấy loại thu gom trong nước mà còn góp phần tích cực vào việc giảm tỷ lệ nhập siêu và bảo vệ môi trường.
Đối với nguồn nguyên liệu bột giấy, khả năng sản xuất trong nước đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu của các nhà máy, phần còn lại phải nhập khẩu. Muốn giảm cơ bản sự lệ thuộc này, giải pháp duy nhất là xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu giấy và đầu tư các dây chuyền sản xuất bột giấy từ cây nguyên liệu.
Một số đơn vị sản xuất giấy đã có những bước chuẩn bị khá tốt cho vấn đề này. Công ty CP tập đoàn Tân Mai đã mua lại toàn bộ nhà máy sản xuất bột giấy và giấy gồm bốn dây chuyền từ Ca-na-đa để xây dựng bốn nhà máy mới. Hai nhà máy tại tỉnh Kon Tum và Đồng Nai đang trong giai đoạn xây dựng. Đầu tháng 7 sẽ khởi công thêm một nhà máy nữa ở Quảng Ngãi. Trong thời gian tới sẽ xây dựng thêm một nhà máy nữa tại tỉnh Lâm Đồng. Khi cả bốn nhà máy này đi vào hoạt động, Công ty CP tập đoàn Tân Mai sẽ có thêm 350 nghìn tấn giấy và 450 nghìn tấn bột giấy các loại (chưa kể 120 nghìn tấn giấy và 90 nghìn tấn bột giấy của các dây chuyền hiện có). Hiện nay, Công ty CP tập đoàn Tân Mai đã đầu tư trồng và khai thác cây nguyên liệu trên diện tích gần 50 nghìn ha. Để có đất trồng rừng nguyên liệu, hiện nay Công ty CP tập đoàn Tân Mai đã chuẩn bị 17 nghìn ha ở tỉnh Kon Tum để phục vụ Nhà máy giấy Tân Mai – Kon Tum, 68 nghìn ha ở tỉnh Quảng Ngãi cho Nhà máy giấy Tân Mai – Quảng Ngãi, 16.400 ha ở tỉnh Lâm Đồng để cung cấp cho Nhà máy giấy Tân Mai – Lâm Đồng. Từ nhiều năm nay, Tổng công ty giấy Việt Nam cũng đã xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định với tổng diện tích hơn 100 nghìn ha tại các tỉnh phía bắc.
Quy hoạch tốt vùng trồng cây nguyên liệu là giải pháp căn bản để chủ động bình ổn giá giấy. Thị trường giấy nội địa ổn định không những góp phần thiết thực vào cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà còn tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của các nhà sản xuất giấy trong nước.
Ý kiến ()