Chủ động nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán
Chỉ còn gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, nông dân cả nước đang tích cực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và chăm sóc rau màu… để phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân trong dịp Tết. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với nguồn cung dồi dào như hiện nay, giá nông sản, thực phẩm ở các địa phương sẽ biến động không nhiều.
Sẵn sàng nguồn cung
Là hai thành phố lớn, có số dân đông nhất cả nước, hiện Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị sẵn sàng các mặt hàng nông sản, thực phẩm phục vụ Tết. Sở Công thương Hà Nội cho biết, lượng hàng hóa bán ra trong Tết Nguyên đán 2018 có trị giá tương đương 26 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 10% so năm trước; trong đó có 522 nghìn tấn thực phẩm (gạo, thịt lợn, thịt gà, thịt bò; trứng, rau, củ, quả; các loại thủy, hải sản; nông, lâm sản khô; thực phẩm chế biến…). Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cũng đã ban hành kế hoạch cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết trên địa bàn với tổng trị giá hàng hóa là hơn 17.800 tỷ đồng, tăng khoảng 743 tỷ đồng so Tết Đinh Dậu 2017.
Ở tỉnh Cà Mau, có 12 đơn vị, doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa cung ứng phục vụ thị trường Tết Mậu Tuất trị giá khoảng 1.088 tỷ đồng, tăng 16% so cùng kỳ năm 2017 với nguồn hàng phong phú, mẫu mã đa dạng, chất lượng, giá cả ổn định nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân. Về mặt hàng rau, theo phân tích của nhiều chuyên gia trồng trọt, thời tiết năm nay tương đối thuận lợi để cây trồng phát triển.
Từ nay đến Tết, thời gian đủ để bà con chủ động trong việc chuẩn bị nguồn rau. Thí dụ, rau ăn lá từ 20 đến 25 ngày là thu hoạch được, do vậy rau xanh trong dịp Tết sẽ không thiếu, đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Hiện, hầu hết giá của các mặt hàng rau, củ có xu hướng ổn định hơn, nhiều mặt hàng bắt đầu vào vụ cho nên giá giảm nhẹ như bắp cải, su hào, cam… Về thủy, hải sản, giá cá tra thương phẩm tăng từ đầu năm và hiện ở mức 25.000 đến 27.000 đồng/kg (với mức giá này người nuôi lãi từ 4.000 đến 6.000 đồng/kg)…
Không chỉ rau, thủy sản, các mặt hàng khác như: trứng, thịt gia súc, gia cầm… cũng có nguồn cung dồi dào. Đại diện Công ty TNHH Ba Huân miền bắc cho biết, theo quy luật hằng năm, giá gia cầm, trứng thường biến động vào dịp gần Tết, nếu trời rét đậm, rét hại có thể ảnh hưởng tới nguồn cung thịt gia cầm. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị chủ động của các doanh nghiệp, nhiều khả năng năm nay giá gia cầm, trứng sẽ không tăng, tại thời điểm trung tuần tháng 1, giá gà công nghiệp bình quân khoảng từ 60 nghìn đến 65 nghìn đồng/kg, giá gà ta từ 130 nghìn đến 150 nghìn đồng/kg.
Về mặt hàng thịt lợn, Phó Cục trưởng Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho rằng: Năm nay sản phẩm chăn nuôi sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, người dân được sử dụng sản phẩm thịt chất lượng tốt. Hiện, giá lợn hơi ở nhiều địa phương vẫn duy trì ở mức từ 30 nghìn đồng đến 37 nghìn đồng/kg. Đồng tình với nhận định nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, căn cứ vào lượng hàng hóa, năng lực của hệ thống phân phối hiện nay và sức mua của thị trường thì khả năng khó có những đột biến về giá, và nếu có thì cũng chỉ tăng nhẹ vào mấy ngày áp Tết.
Nhằm bình ổn thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tích cực chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức tốt sản xuất, nhằm bảo đảm đủ nguồn cung, chất lượng tốt phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Cùng với đó, hai bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương thống nhất tiếp tục tăng cường công tác phối hợp các đơn vị liên quan của hai bên theo dõi tình hình sản xuất, cung cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu trong dịp Tết; có biện pháp chỉ đạo kịp thời, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, “sốt” giá, nhất là vào cao điểm những ngày trước, trong và sau Tết.
Giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm
Để nhân dân cả nước đón Tết Nguyên đán đầm ấm, tiết kiệm, một trong những nhiệm vụ cần làm ngay lúc này của các bộ, ngành liên quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Y tế là đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), bởi ở nhiều địa phương số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm (chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động) vẫn có những vi phạm về VSATTP. Các chợ tạm, chợ “cóc” vẫn hoạt động, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm về VSATTP.
Để khắc phục bất cập nêu trên, ngay từ đầu năm 2018, TP Hà Nội đã triển khai kế hoạch cảnh báo nhanh sự cố về an toàn thực phẩm trên địa bàn, tổ chức các chiến dịch truyền thông sâu rộng để nâng cao ý thức của toàn xã hội về bảo đảm VSATTP với tiêu chí: Người dân Hà Nội không sản xuất, phân phối, tiêu thụ thực phẩm không an toàn; tẩy chay, tố giác các cơ sở sản xuất, tiêu thụ thực phẩm không an toàn. Còn ở TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp sản xuất uy tín, hệ thống bán lẻ đã chủ động tìm giải pháp “bảo vệ” sản phẩm của mình trong quá trình sản xuất, chế biến nhằm hướng tới mục tiêu không để người tiêu dùng bất an trước nỗi lo thực phẩm “bẩn” thường “hoành hành” vào dịp Tết.
Tại các hệ thống phân phối hiện đại gồm: Saigon Co.op, Satra, Vissan, Cocomart…, ngoài công tác chuẩn bị nguồn hàng Tết, việc kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng, công tác bảo đảm VSATTP cũng được chú trọng. Đơn cử như ở Saigon Co.op, quy trình kiểm tra chất lượng cơ bản được chia thành ba giai đoạn, gồm kiểm tra đầu vào, khảo sát nhà cung cấp và kiểm soát trong quá trình kinh doanh. Mỗi giai đoạn đều có quy định riêng phù hợp và chặt chẽ cho từng ngành hàng, từng mặt hàng.
Bên cạnh đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã huy động mọi nguồn lực, hình thức, phương tiện truyền thông thích hợp để phổ biến các quy định về an toàn thực phẩm, kiến thức về an toàn thực phẩm; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong dịp Tết để bảo đảm sức khỏe cho mọi người, đồng thời ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển và cạnh tranh lành mạnh của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất, nhập khẩu thực phẩm; góp phần phục vụ nhân dân đón Tết, vui xuân an toàn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()