Chủ động nguồn cung mặt hàng thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu
Nguồn cung các mặt hàng nhất là lương thực thực phẩm thiết yếu dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Lượng hàng hóa thiết yếu nhất là thực phẩm đã được các doanh nghiệp phân phân và bán lẻ trong nước dự trữ và nhập khẩu nhằm đảm bảo cân đối đủ nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, dự báo sẽ không có những biến động bất thường về giá đối với mặt hàng này.
Hàng hóa dồi dào
Theo bà Đỗ Tuệ Tâm, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro), ngoài 12 nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình bình ổn thị trường, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, doanh nghiệp còn dự trữ thêm các nhóm mặt hàng như: hàng khô, các loại quả, hạt khô phục vụ Tết, quần áo, các mặt hàng khác… tổng lượng hàng hóa dự trữ ước đạt gần 1.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, lượng hàng hóa mà doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Hà Nội trong dịp Tết đạt khoảng 200 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hàng Việt Nam tại hệ thống của Hapro chiếm 80% lượng hàng hóa bán tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp này. Công ty cũng cam kết cung ứng đủ hàng hóa cho nhân dân trong các dịp cao điểm mua sắm.
“Năm 2021, sức mua và nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ bị ảnh hưởng bởi những khó khăn do đại dịch COVID-19. Tùy theo ngành nghề kinh doanh, các cửa hàng, địa điểm kinh doanh, Tổng công ty sẽ mở cửa phục vụ muộn nhất đến 21h30 ngày 30 Tết. Từ mùng 4 Tết, hệ thống bán lẻ và dịch vụ của Hapro sẽ đồng loạt mở cửa bán hàng bình thường,” đại diện Hapro cho hay.
Tương tự, để chuẩn bị hàng hóa phục vụ mua sắm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Tập đoàn Central Group đã lên kế hoạch dự trữ đa dạng các mặt hàng thiết yếu, cũng như mở rộng số lượng hàng khuyến mại.
Ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc vùng Hà Nội Central Group cho biết lượng dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 của siêu thị trên địa bàn Hà Nội tăng 30% so với kế hoạch Tết 2020 và hàng đã về đến kho.
“Doanh nghiệp đặc biệt chú trọng đến các mặt hàng truyền thống, tăng số lượng mặt hàng khuyến mại, đẩy mạnh các chương trình truyền thông để người tiêu dùng biết và mua sắm,” ông Phong cho hay.
Hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cũng được các doanh nghiệp bán lẻ lên kế hoạch chi tiết với các chương trình khuyến mại, giảm giá, tặng kèm sản phẩm, chính sách giao hàng tại nhà.
Cùng với hình thức bán hàng trực tiếp, các đơn vị phân phối còn tập trung đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, giao hàng… nhằm phục vụ tốt nhất nhu mua sắm của người tiêu dùng. Công tác tổ chức bán hàng được triển khai song song với việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, cũng như phòng chống dịch COVID-19.
Tăng nhập khẩu thịt lợn
Từ đầu năm 2020, dịch bệnh đã tác động mạnh đến ngành chăn nuôi trong nước, khiến sản lượng thịt lợn sụt giảm mạnh, song với sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng cùng với nguồn nhập khẩu nên về cơ bản nguồn hàng thực phẩm cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Theo đại diện Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam khu vực miền Bắc, năm 2020 lượng thịt lợn đáp ứng yêu cầu của các siêu thị là 550 tấn và thịt gà 800 tấn, các thực phẩm chế biến gồm xúc xích, giò, chả, nem… là 2.700 tấn. Như vậy, mức hàng hóa của năm 2020 vào khoảng 300 tỷ đồng.
Dự kiến, năm 2021 phía công ty tăng khoảng 30% so với năm 2020, trong đó thịt lợn khoảng 750 tấn, gà 2.300 tấn và thực phẩm chế biến là hơn 4.000 tấn.
Cùng đó, các doanh nghiệp khác như Tập đoàn bán lẻ BRG cũng vừa nhập khẩu 3 container thịt lợn từ Mỹ (23 tấn/container) trong khi phía Vincommerce cũng chuẩn bị một lượng lớn nhập khẩu thịt lợn, thịt bò từ Mỹ và hiện hàng đã về kho của doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.
Về phía Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương cho hay đơn vị này đã xây dựng và triển khai Kế hoạch đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Đến nay, 100% các địa phương, 30 quận huyện thị xã đã xây dựng kế hoạch, ước tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt 39.400 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn thành phố đã xây dựng kế hoạch khai thác, tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết 2021 tăng trung bình từ 7% đến 22% so với kế hoạch Tết 2020.
Theo bà Lan, trong 3 tháng trước, trong và sau Tết, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thiết yếu trên địa bàn Thủ đô vào khoảng 292.500 tấn gạo; 56.700 tấn thịt lợn; 18.900 tấn thịt gà; 18.459 tấn thịt bò; gần 400 triệu quả trứng gia cầm; 315 nghìn tấn rau củ…
Đối với mặt hàng thịt lợn có thể thiếu hụt từ 5-7%, song với sự vào cuộc của Sở Công Thương cũng như kế hoạch chuẩn bị từ rất sớm của các nhà phân phối, nhà sản xuất, nhập khẩu, dịp Tết này dự kiến giá thịt lợn sẽ không có biến động đột biến.
“Dự báo nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tiếp tục duy trì, thực hiện phương án đảm bảo nhu yếu phẩm thiết yếu đã xây dựng, lượng hàng hóa ký kết tăng 2-3 lần so với ngày thường để sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19,” bà Trần Thị Phương Lan thông tin thêm./.
Ý kiến ()