Chủ động nắm bắt chính sách để điều chỉnh kịp thời khi mức đóng BHXH tăng từ ngày 1/7/2023
– Ngày 11/11/2022, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023. Trong đó, từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở của người lao động (NLĐ) sẽ có sự điều chỉnh từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Do đó, từ 1/7/2023 sẽ có một số thay đổi về mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc và tự nguyện. Phóng viên Báo Lạng Sơn đã phỏng vấn bà Nông Thị Phương Thảo, Giám đốc BHXH tỉnh để hiểu rõ hơn một số thay đổi cụ thể.
Giám đốc BHXH tỉnh trao tặng sổ BHXH tự nguyện cho người dân xã Thuỵ Hùng, huyện Cao Lộc
Phóng viên: Xin bà cho biết quy định về mức đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện của NLĐ hiện nay?
Giám đốc BHXH tỉnh: Chính sách BHXH có hai đối tượng tham gia là bắt buộc và tự nguyện.
Đối với NLĐ tham gia BHXH bắt buộc, mức đóng BHXH bắt buộc được trích đóng theo tiền lương tháng của NLĐ. Tỷ lệ trích đóng BHXH của NLĐ và người sử dụng lao động vào từng loại quỹ khác nhau: quỹ ốm đau, thai sản; bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); bảo hiểm y tế (BHYT); mức đóng BHXH bắt buộc vào quỹ hưu trí, tử tuất; quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Theo đó, người sử dụng lao động trích đóng 21,5%, NLĐ trích đóng 10,5%, tổng mức đóng là 32% theo mức lương NLĐ.
Đối với NLĐ tham gia BHXH tự nguyện, theo quy định Khoản 2, Điều 87 của Luật BHXH, mức đóng BHXH tự nguyện được tính căn cứ theo thu nhập NLĐ tự lựa chọn để đóng BHXH. Cụ thể, mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng của người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Nhà nước ban hành chính sách hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho các đối tượng tham gia. Tùy từng đối tượng cụ thể thuộc hộ nghèo/cận nghèo/các đối tượng khác mà mức hỗ trợ sẽ tương ứng lần lượt là 30%, 25%, 10% mức đóng BHXH tự nguyện.
Phóng viên: Sự thay đổi của chính sách tiền lương cơ sở sẽ dẫn đến việc thay đổi mức đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện từ ngày 1/7/2023 như thế nào thưa bà?
Giám đốc BHXH tỉnh: Tiền lương cơ sở là căn cứ để đóng BHXH bắt buộc và tự nguyện, vì vậy, khi mức lương cơ sở tăng sẽ kéo theo mức đóng BHXH bắt buộc và tự nguyện tăng theo.
Đối với NLĐ tham gia BHXH bắt buộc, theo Quyết định 595/QĐ-BHXH, hằng tháng, NLĐ trích 8% mức tiền lương tháng của mình để tham gia BHXH bắt buộc. Nếu mức lương này cao hơn 20 tháng lương cơ sở thì mức lương tháng đóng BHXH bắt buộc bằng 20 tháng lương cơ sở. Ngoài ra, mỗi tháng, NLĐ trích đóng 1,5% tiền lương đóng BHYT và trích 1% đóng BHTN.
Đối với NLĐ tham gia BHXH tự nguyện, pháp luật quy định mức thu nhập tháng tối thiểu và tối đa NLĐ lựa chọn đóng BHXH tự nguyện buộc người tham gia phải tuân theo. Căn cứ vào quy định này, mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu và tối đa năm 2023 cụ thể như sau:
Mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu năm 2023: Căn cứ theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025, mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn từ ngày 1/1/2022 là 1,5 triệu đồng/tháng. Do vậy, mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu năm 2023 bằng 22% mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn bằng: 22% x 1.500.000 = 330.000 đồng/người/tháng.
Mức đóng BHXH tự nguyện tối đa năm 2023 bằng 22% của 20 lần mức lương cơ sở và được chia làm 2 mốc thời gian như sau: tính đến ngày 30/6/2023 là 22% x (20 x 1.490.000) = 6.556.000 đồng/người/tháng; từ ngày 1/7/2023 là 22% x (20 x 1.800.000) = 7.920.000 đồng/người/tháng.
Phóng viên: Thưa bà, mức đóng thay đổi thì các chế độ của NLĐ tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện có thay đổi không?
Giám đốc BHXH tỉnh: Theo Điều 4 Luật BHXH 2014 thì NLĐ tham gia BHXH bắt buộc được giải quyết các chế độ: ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi đáp ứng đủ các điều kiện tương ứng theo quy định của pháp luật; NLĐ tham gia BHXH tự nguyện có các chế độ: hưu trí; tử tuất.
Mặc dù các chế độ không thay đổi nhưng việc tăng lương cơ sở cũng ảnh hưởng đến mức hưởng của các loại trợ cấp, phụ cấp cho NLĐ cũng thay đổi theo hướng tăng lên, có lợi cho NLĐ. Vì vậy, chủ sử dụng lao động và NLĐ cần chủ động nắm bắt chính sách để có điều chỉnh kịp thời, đảm bảo thực hiện đúng, đủ các chế độ, chính sách liên quan cho NLĐ. Hiện nay, toàn ngành đã, đang nỗ lực tuyên truyền, truyền thông những thay đổi từ chính sách đến chủ sử dụng lao động và NLĐ trên địa bàn tỉnh.
Phóng viên: Xin cảm ơn bà!
Ý kiến ()