Chủ động, linh hoạt phát triển đối tượng tham gia
Năm 2022, các chỉ tiêu Chính phủ giao Bảo hiểm xã hội Việt Nam đều tăng cao, với chỉ tiêu về bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng khoảng 11,4% so năm 2021, cao gấp hai lần so với bình quân hằng năm; chỉ tiêu về bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng khoảng 53,6% so năm 2021, cao gấp 1,8 lần so với bình quân hằng năm; chỉ tiêu về bảo hiểm y tế tăng khoảng 3,2% so với năm 2021, cao gấp 1,5 lần so với bình quân hằng năm… Điều này đòi hỏi Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phải có các giải pháp quyết liệt và tập trung thực hiện các chỉ tiêu được giao.
Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam vẫn triển khai hiệu quả nhiều giải pháp và đạt được kết quả tích cực về phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Tính đến hết ngày 31/12/2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội là hơn 16,5 triệu người, tăng 2,1% so năm 2020, đạt 33,75% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp gần 13,4 triệu người, tăng 0,4% so năm 2020, đạt 27,33% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm y tế hơn 88,8 triệu người, tăng 0,9% so năm 2020, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% số dân.
Đáng chú ý, trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tiếp tục tăng trưởng mạnh, là một trong những điểm sáng của ngành. Trong năm 2021, có hơn 1,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,94% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, cao hơn 1,94% so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW (năm 2021 là 1%).
Chủ động, linh hoạt từ các địa phương
Tại hội nghị trực tuyến toàn ngành (kết nối đến toàn bộ bảo hiểm xã hội cấp huyện) về công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tháng 2/2022, Trưởng ban Quản lý Thu – Sổ thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Dương Văn Hào cho rằng, năm 2022 với các chỉ tiêu được giao đều tăng cao, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp thu, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Trong đó, phải tăng cường rà soát dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp, phân loại, lập danh sách đơn vị chưa tham gia hoặc tham gia chưa đầy đủ. Về bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình, bảo hiểm xã hội các địa phương cần thực hiện linh hoạt các hình thức tuyên truyền, bảo đảm thông tin đến được với đông đảo người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, người mới thoát nghèo… Tổ chức linh hoạt các hình thức vận động theo nhóm nhỏ, các hội nghị khách hàng bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp từng nhóm đối tượng tiềm năng…
Trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng trong tháng 1/2022 đã có nhiều tín hiệu khá lạc quan khi người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trên cả nước đạt 15,2 triệu người, tăng 103 nghìn người (0,7%) so năm 2021; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 13,502 triệu người, tăng 107 nghìn người (0,8%) so năm 2021. Có được kết quả nêu trên là do sự nỗ lực và chủ động của bảo hiểm xã hội các địa phương ngay từ đầu năm 2022.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cũng chia sẻ một số thông tin: số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có chiều hướng tăng lên ngay trong tháng đầu năm. Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội cũng đã giao chỉ tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tới các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn trên địa bàn; đồng thời có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện.
Cùng với đó, về tổ chức các hội nghị tuyên truyền, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cũng sẽ nâng cao chất lượng, chú trọng rà soát để mời đúng đối tượng tiềm năng, chọn báo cáo viên, tuyên truyền viên có kinh nghiệm; phối hợp chặt chẽ bưu điện để bàn các giải pháp phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình.
Chia sẻ về công tác phát triển đối tượng tham gia, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mến cho biết, Bảo hiểm xã hội thành phố đã tạm giao kế hoạch thu, phát triển đối tượng, tổ chức hội nghị khách hàng cho Bảo hiểm xã hội các quận, huyện ngay từ đầu tháng 1/2022. Chỉ trong tháng 1/2022, Bảo hiểm xã hội thành phố đã tăng thêm khoảng 60 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; số thu cũng tăng so cùng kỳ năm trước, khi đạt 6,9% kế hoạch năm…
Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ các giải pháp
Tại hội nghị trực tuyến toàn ngành, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cũng đề nghị, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phải chủ động triển khai từ sớm, từ xa các giải pháp; bám sát chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để chủ động đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương; cũng như phối hợp chặt chẽ các sở, ngành tham mưu chỉ đạo, giao chỉ tiêu đến từng xã, phường.
Đồng thời, tích cực đề xuất ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực khác để hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Phối hợp chặt chẽ cơ quan thuế, kế hoạch-đầu tư, nhất là chính quyền các xã; xây dựng các kịch bản linh hoạt, thay đổi theo từng tình huống, từng thời kỳ, phù hợp từng địa phương, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả.
Về thanh tra, kiểm tra, trong quá trình thực hiện phải hết sức linh hoạt, đạt mục tiêu cuối cùng là giảm nợ, thu đúng, thu đủ; quy trình thanh tra, kiểm tra cần được xây dựng phù hợp thực tiễn công tác của ngành, thực hiện chủ động ngay với các đơn vị có nguy cơ nợ lớn, nợ đọng lâu, phát huy dữ liệu điện tử, thu hồi nợ bằng các phương pháp gắn ứng dụng công nghệ thông tin. Chủ động phối hợp chặt chẽ với công an để khởi tố các đơn vị vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Đặc biệt, về công tác truyền thông, cần phải chủ động thông tin đi trước một bước để người dân nắm được những thay đổi. Cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ truyền thông ở cơ sở. Chú trọng truyền thông đến nhóm nhỏ, có tính đặc thù. “Truyền thông phải rõ kết quả đầu ra, rõ tiêu chí đánh giá, cụ thể là số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.
Ý kiến ()