Chủ động lên kịch bản trước tình hình F0 tăng
Sau hơn một tháng triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, sự gia tăng các ca F0 và sự xuất hiện của biến chủng mới đang khiến nhiều người lo lắng về sự bùng phát của đợt dịch mới…
Tuy nhiên, Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp để hạn chế tối đa số ca mắc cũng như tử vong do Covid-19, bảo đảm cuộc sống hoạt động ở trạng thái bình thường mới, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế.
Không chủ quan, lơ là
Sau hơn một tháng triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” (gọi tắt là Nghị quyết 128), tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, nhận thức của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, của người dân và doanh nghiệp đã được nâng lên, vừa bảo đảm cuộc sống hoạt động ở trạng thái bình thường mới, không chủ quan lơ là với dịch bệnh, vừa từng bước khôi phục và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong một tháng trở lại đây, số ca mắc Covid-19 mới liên tục tăng nhanh tại các tỉnh, thành phố, số bệnh nhân tử vong do Covid-19 cũng tăng theo dù độ bao phủ tiêm vaccine của nước ta đã đạt hơn 127 triệu liều trên cả nước.
Đáng chú ý, số ca tử vong của Việt Nam trung bình là 197 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là gần 27.000 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca mắc, xếp thứ 33/234 quốc gia và vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/224 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 9/49 (xếp thứ 5 ASEAN). Qua thống kê, hầu hết số ca tử vong tăng nhiều ở nhóm người trên 50 tuổi kết hợp với các bệnh nền, như: Tiểu đường, ung thư, tim mạch, chiếm trên 80%. Số ca mắc tăng cộng với số ca tử vong tăng cao đã khiến cho người dân lo lắng về công tác phòng, chống dịch (PCD) tại Việt Nam. Nhiều người dân lo ngại đợt dịch thứ 5 sẽ bùng phát. Sự lo lắng càng gia tăng khi thế giới xuất hiện biến chủng mới Omicron. Hiện đã có ít nhất 27 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận biến chủng Covid-19 mới Omicron. Tại Việt Nam, đến nay chưa ghi nhận biến chủng mới này, tuy nhiên nguy cơ xâm nhập và lây lan vào nước ta là rất lớn.
Lực lượng quân y Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chuẩn bị túi thuốc phát cho F0 điều trị tại nhà ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh do bệnh viện cung cấp |
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: “Giai đoạn này, cả thế giới đang phấp phỏng lo âu với biến chủng mới của Covid-19. Ngay cả những nước có nguồn lực mạnh và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng như các nước châu Âu và Hoa Kỳ cũng phải củng cố nhiều biện pháp để siết chặt công tác PCD.
Tại Việt Nam, không thể loại trừ những nguy cơ về bùng phát dịch thời gian tới và số bệnh nhân mắc, diễn tiến nặng sẽ gia tăng. Nhưng theo tôi, nếu có bùng phát đợt dịch mới thì cũng ở mô hình khác, sẽ không giống với đợt dịch thứ tư vừa qua. Nguyên do, đợt dịch thứ tư bùng phát chủ yếu tại các tỉnh phía Nam-những nơi chưa từng bùng phát dịch (hoặc chỉ lẻ tẻ ca mắc) nên không phải địa phương nào cũng có kinh nghiệm ứng phó.
Mặt khác, số ca mắc tập trung tại một số tỉnh đã tạo nên sự quá tải cục bộ. Còn thời điểm hiện tại, mặc dù số ca mắc tăng nhưng lại xảy ra ở nhiều địa phương nên sự quá tải cục bộ chắc chắn cũng không xảy ra như tại đợt dịch thứ tư”.
Chủ động lên kịch bản ứng phó
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19 mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đề nghị các địa phương đánh giá lại tất cả các khâu, trong đó các cơ sở thực hiện ngay việc phân loại bệnh nhân; quản lý điều trị F0 tại nhà; tăng cường nhân lực điều trị Covid-19; rà soát năng lực hồi sức tích cực, bảo đảm hệ thống oxy y tế; theo dõi, giám sát, chăm sóc các bệnh nhân… Để hạn chế số ca tử vong do Covid-19, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Bộ Y tế đã triển khai 8 biện pháp, trong đó quan tâm theo dõi người có bệnh nền, số nguy cơ cao trên 50 tuổi, phân tầng điều trị phù hợp; các bệnh viện thực hiện đánh giá phân loại nguy cơ theo dõi sát bệnh nhân… Bộ Y tế đã có hướng dẫn phân loại cụ thể, tiếp tục hỗ trợ nhân lực cho các địa phương có số ca nặng tăng cao, phân công các bệnh viện tuyến trên trực tiếp hỗ trợ chuyên môn trong quản lý, điều trị Covid-19 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng, khi thành phố chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì số mắc tăng lên là khó tránh khỏi, điều này nằm trong dự liệu của chính quyền. Hà Nội đã xây dựng kịch bản có 100.000 ca mắc. Tuy nhiên, ý thức không chủ quan của người dân và sự quyết liệt của chính quyền địa phương trong PCD là yếu tố rất quan trọng.
Đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, số lượng F0 gia tăng trong thời gian gần đây xuất phát từ việc mở cửa trở lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố, và đây là diễn tiến đã lường trước. TP Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều văn bản khẩn để tăng cường thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp PCD Covid-19.
Trong đó đặc biệt kiểm soát chặt chẽ di biến động dân cư. Các quận, huyện phải nắm chắc tình hình người dân khi ra, vào địa bàn, người có nguy cơ đang lưu trú, làm việc tại các địa phương, doanh nghiệp, như lái xe, phụ xe liên tỉnh, người làm việc ngoài tỉnh về địa phương lưu trú… TP Hồ Chí Minh không lập lại các chốt kiểm soát để kiểm tra di biến động dân cư như trước đây, thay vào đó, công an thành phố thực hiện công tác quản lý di biến động dân cư (như đăng ký thường trú, tạm trú, rà soát hộ khẩu), những ai có mặt thực tế ở địa phương; rà soát, đối sánh các dữ liệu dân cư, cấp mã số định danh cá nhân; yêu cầu mỗi người dân thực hiện tốt các biện pháp PCD sau khi đã tiêm đủ liều vaccine, nhất là biện pháp “5K”: Khẩu trang-khử khuẩn-khoảng cách-không tụ tập-khai báo y tế.
Trước tình hình số ca mắc Covid-19 tăng cao, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cả nước không nên hoang mang, lo lắng. Những người đã được tiêm đủ hai mũi vaccine cũng không được chủ quan, tăng cường cảnh giác với dịch bệnh, thực hiện nghiêm khuyến cáo của ngành y tế. Các địa phương chủ động xây dựng kịch bản, phương án để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân trong độ tuổi chỉ định; bảo đảm tiêm chủng an toàn theo các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt lưu ý và ưu tiên tiêm chủng cho đối tượng là người từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền. Hoàn thành việc bao phủ vaccine mũi 1 cho 100% dân số từ 12 tuổi trở lên trong năm 2021 và tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.
Ý kiến ()