Chủ động kiểm soát lạm phát
Dự báo từ nay đến cuối năm, áp lực lạm phát vẫn thường trực nhưng nếu không có những biến động lớn, bất ngờ xảy ra ảnh hưởng lớn đến việc điều hành thì mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% là khả thi.
Trong bối cảnh tâm lý kỳ vọng rất lớn khi tăng lương từ ngày 1/7 tới, vấn đề kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế càng trở nên có ý nghĩa quan trọng trong công tác điều hành.
Lạm phát 5 tháng đã gần tiệm cận mục tiêu
Báo cáo của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá cho biết công tác quản lý, điều hành giá trong những tháng đầu năm tiếp tục gặp áp lực, thách thức trước những biến động giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới. Chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất của USD neo cao, lạm phát tuy có giảm trong giai đoạn đầu nhưng vào thời điểm này đã đi theo chiều ngang. Một số quốc gia xảy ra xung đột vũ trang, căng thẳng chính trị... làm đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa.
Trong bối cảnh đó, để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra và thực hiện lộ trình điều chỉnh giá thị trường các dịch vụ công và mặt hàng do Nhà nước quản lý, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt nhiều giải pháp kinh tế vĩ mô như bảo đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng chiến lược như xăng dầu, điện; tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
Nhờ đó, lạm phát được kiểm soát tốt, phục vụ cho ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm cung cầu hàng hóa, nhất là những mặt hàng thiết yếu. Bình quân 5 tháng đầu năm, CPI tăng 4,03% so cùng kỳ năm 2023; trong đó, có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, một nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Tuy nhiên từ tháng 4/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lưu ý đến những yếu tố rủi ro trong nhiệm vụ giữ ổn định kinh tế vĩ mô và nhấn mạnh áp lực lạm phát, tỷ giá là vấn đề cần quan tâm trong công tác điều hành những tháng còn lại của năm. Vì tốc độ tăng CPI bình quân bốn tháng đã tăng 3,93% so cùng kỳ, gần cận dưới mục tiêu Quốc hội đề ra (mục tiêu kiểm soát lạm phát Quốc hội giao là 4,0-4,5%). Đáng chú ý, tỷ giá dự báo tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh do sức ép từ thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu, lãi vay nước ngoài của doanh nghiệp, tác động đến lạm phát trong nước.
Dự báo 3 kịch bản lạm phát
Các chuyên gia kinh tế, tổ chức nghiên cứu cũng đều quan tâm đến những tín hiệu mới này. Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nhiều yếu tố cho thấy lạm phát vẫn có áp lực gia tăng trong thời gian tới, khi trong rổ hàng hóa tính lạm phát có những yếu tố khó kiểm soát.
“Chúng ta có thể kiểm soát bằng việc không tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, nhưng giá các mặt hàng liên quan đến thực phẩm, giao thông hay những yếu tố liên quan đến các chi phí đẩy như tỷ giá, lãi suất nếu nhích lên sẽ ảnh hưởng đến chi phí đẩy của doanh nghiệp và cuối cùng nó có thể ảnh hưởng đến giá hàng hóa”, TS Nguyễn Quốc Việt nói.
TS Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh: Giải pháp đặt ra trong bối cảnh này là cần kiểm soát, bình ổn biến động của giá tài sản, nhất là tỷ giá Việt Nam với đồng USD và giá vàng. Bên cạnh đó, cần cố gắng kết hợp các chính sách tài khóa và tiền tệ một cách hợp lý.
Theo Ban Chỉ đạo điều hành giá, một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá trong những tháng còn lại của năm 2024 đến từ việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá thị trường, tính đúng, tính đủ chi phí trong giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá.
Trong đó, việc điều chỉnh giá điện theo kiến nghị từ đầu năm của Bộ Công thương để bảo đảm phản ánh biến động các chi phí đầu vào của giá điện. Dự báo, nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng tăng mạnh trong thời gian tới cũng sẽ gây áp lực lên lạm phát.
Đáng lưu ý, việc thực hiện cải cách tiền lương của khu vực công theo tinh thần Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 21/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng lương tối thiểu cho khu vực doanh nghiệp từ ngày 1/7/2024 có thể làm gia tăng kỳ vọng lạm phát kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng lên.
Bên cạnh đó, vẫn có dư địa cho công tác kiểm soát lạm phát, đó là tình trạng lạm phát toàn cầu có thể hạ nhiệt trong năm 2024 giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh “nhập khẩu lạm phát”; sản xuất nông nghiệp trong nước được kỳ vọng tiếp tục diễn biến thuận lợi sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu là nhân tố quan trọng giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá.
Trên cơ sở tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu, Bộ Tài chính cập nhật ba kịch bản điều hành giá năm 2024: Kịch bản 1, dự báo CPI bình quân tăng khoảng 3,72%; kịch bản 2, dự báo CPI bình quân tăng khoảng 4,03%: kịch bản 3, dự báo CPI bình quân tăng khoảng 4,5%. Mức dự báo này khá tương đồng với ba kịch bản lạm phát được Tổng cục Thống kê xây dựng với các mức tăng CPI năm 2024 lần lượt là 3,8%; 4,2% và 4,5%.
Ý kiến ()