Chủ động khống chế, ngăn ngừa bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan ra diện rộng
– Từ ngày 3/5 đến ngày 20/5, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 16 ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại các huyện: Tràng Định, Lộc Bình, Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn. Tổng số lợn phải tiêu hủy là 35 con với trọng lượng hơn 2.000 kg. Trước tình hình đó, cơ quan chuyên môn đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp để ngăn ngừa các ổ bệnh lây lan ra diện rộng.
Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, các ổ bệnh DTLCP tái phát trong đợt này đã lây lan giữa các hộ trong cùng một thôn, lây giữa các xã trong cùng huyện.
Cán bộ thú y xã Đình Lập, huyện Đình Lập phun tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại cho hộ chăn nuôi trên địa bàn xã
Cụ thể như tại huyện Cao Lộc, ổ bệnh DTLCP bắt đầu xuất hiện vào ngày 9/5 tại một hộ ở thôn Nà Tèn (xã Hải Yến), sau đó lây lan cho 2 hộ tiếp theo. Không dừng ở đó, ngày 11/5, ổ bệnh DTLCP tiếp tục xuất hiện ở xã Lộc Yên.
Ông Chu Văn Khang, nhân viên thú y xã Hải Yến cho biết: Nguyên nhân phát sinh ổ bệnh DTLCP mới và lây lan tại thôn Nà Tèn là do 1 hộ trong thôn mua 5 con lợn tại chợ Giếng Vuông về nuôi. Sau đó, số lợn này phát bệnh, mặc dù đã tiêu hủy nhưng vẫn lây lan sang những hộ nuôi lợn trong thôn.
Tương tự, trên địa bàn huyện Tràng Định, từ ngày 3/5 xuất hiện ổ bệnh trên địa bàn xã Quốc Việt, đến ngày 17/5 có thêm ổ bệnh mới trên địa bàn xã này. Tiếp đó, đến 18/5, xuất hiện ổ bệnh tại xã Đào Viên.
Để kiểm soát, ngăn chặn các ổ bệnh DTLCP phát sinh và lây lan, chính quyền các huyện, thành phố và cơ quan chuyên môn đã khẩn trương triển khai các biện pháp. Cụ thể như tại huyện Cao Lộc, cơ quan chuyên môn của huyện đang tích cực triển khai các biện pháp khoanh vùng ổ bệnh. Ông Vũ Hồng Quân, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cao Lộc cho biết: Trung tâm đã cử cán bộ phụ trách lĩnh vực chăn nuôi và thú y xuống địa bàn, phối hợp với chính quyền các xã nắm tình hình, tổ chức thực hiện tiêu hủy lợn bị nhiễm bệnh theo quy định, đồng thời, cùng với xã cấp 150 kg vôi bột để rải tại các khu vực có ổ bệnh và cung cấp 473 lít hóa chất cho nhân viên thú y các xã phun tiêu độc khử trùng khu vực có ổ bệnh và khu vực lân cận… nhằm bao vây, khống chế các ổ bệnh.
Tương tự Cao Lộc, phòng chuyên môn và chính quyền các xã trên địa bàn huyện Tràng Định, Lộc Bình và thành phố Lạng Sơn đã và đang triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP. Bà Nông Thị Kim Oanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tràng Định cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, Phòng NN&PTNT đã chủ động phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, chính quyền các xã triển khai các biện pháp nhằm xử lý dứt điểm các ổ bệnh dịch ngay khi mới xuất hiện. Cùng đó, cấp phát hơn 400 lít hóa chất và 100 kg vôi bột để hỗ trợ người chăn nuôi tiêu độc, khử trùng khu chuồng trại chăn nuôi. Qua đó, đến thời điểm hiện tại đã cơ bản khống chế các ổ bệnh DTLCP ngay trọng diện hẹp .
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Nhằm nhanh chóng khống chế ổ bệnh DTLCP, không để tiếp tục phát sinh ổ bệnh mới, chi cục đã chủ động cấp phát 3.100 lít thuốc cho trung tâm dịch vụ nông nghiệp 3 huyện và thành phố tái phát ổ bệnh DTLCP để thực hiện phun tiêu độc, khử trùng khu vực có ổ bệnh và nhất là thực hiện phun khoanh vùng xung quanh khu vực có ổ bệnh thường xuyên 3 lần/tuần. Bên cạnh đó, chủ động cấp văc-xin phòng một số loại bệnh trên đàn lợn, trong đó có vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn để thực hiện tiêm đợt II cho đàn lợn.
Qua trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, được biết, trong ngày 21 và 22/5/2022, Đoàn kiểm tra của Sở NN&PTNT đã kiểm tra công tác phòng, chống bệnh DTLCP tại một số xã của huyện Tràng Định, Cao Lộc, Lộc Bình… Qua kiểm tra cho thấy các ổ bệnh đã cơ bản được khống chế.
Thời điểm này, ngay cả đối với các xã chưa xuất hiện ổ bệnh, UBND các huyện, thành phố đều yêu cầu chính quyền các xã, các phòng, ban chuyên môn chủ động kiểm soát, nắm địa bàn, nhất là ở những khu vực trước kia đã xuất hiện ổ bệnh. Cùng đó, cán bộ trung tâm dịch vụ nông nghiệp và lực lượng thú y viên cơ sở thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi sử dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát tốt hoạt động ra vào khu vực chuồng trại, thường xuyên phun tiêu độc, khử trùng khu vực xung quanh chuồng trại, vật dụng chăn nuôi.
Có thể thấy rằng, rút kinh nghiệm từ những đợt bùng phát bệnh DTLCP trước đó, nhằm nhanh chóng khống chế bệnh dịch lây lan, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi, cơ quan chuyên môn, chính quyền cấp huyện, cấp xã đã chủ động hơn trong công tác phòng, chống và ngăn ngừa bệnh DTLCP lây lan ra diện rộng.
Ý kiến ()